Kỳ thú Con Cuông - Nghệ An

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thay vì đến các tỉnh, thành phố có nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng để kết hợp với tham quan, nghỉ dưỡng, chúng tôi đã quyết định chọn huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An làm điểm đến cho chuyến hành trình những ngày đầu xuân mới của mình. Lần đầu tiên được đặt chân đến vùng đất xa xôi này, nhưng Con Cuông với bao điều kỳ thú đã thực sự hấp dẫn và mời gọi chúng tôi khám phá…
Kỳ thú Con Cuông - Nghệ An
Chèo thuyền trên sông Giăng (ảnh: Quốc Đàn)

Xem Video: Khe nước Mọc ở Con Cuông - Nghệ An


Tình người

Nằm ở phía Tây Nghệ An, huyện Con Cuông phía Tây giáp huyện Tương Dương, phía Đông Bắc giáp huyện Quỳ Hợp, phía Đông Nam giáp huyện Anh Sơn và dãy Trường Sơn trùng điệp, nơi miền biên viễn của Tổ quốc, có các tộc người anh em là: Kinh, Đan Lai - Lý Hà (Thổ), Thái và Hoa sinh sống.

Về xuất xứ cái tên Con Cuông, theo PGS. Ninh Viết Giao - nhà Nghệ học nổi tiếng, thì có 3 cách lý giải khác nhau. Thứ nhất, theo lý giải của người Kinh, đây là vùng có nhiều chim Cuông (Công). Chim Cuông thường đậu trên những cồn đất ở vùng Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê bên bờ sông Lam, nơi gần lèn Chùa (thị trấn Con Cuông ngày nay), cho nên vùng đất này được gọi là Cồn Cuông, lâu dần người ta đọc chệch thành Con Cuông.

Thứ hai, Con Cuông chính là Cón Cuổng, tên một nhánh sông nằm phía hữu ngạn sông Lam. Nhưng cho đến nay, con sông mang tên Cón Cuổng cụ thể là sông nào thì cũng còn có nhiều cách lý giải khác nhau. Người Kinh nghe đồng bào Thái gọi Cón Cuổng, thì lại đọc thành Con Cuông. Thứ ba, Con Cuông là cách đọc khác của Cón Cuống. “Cón” trong tiếng Thái có nghĩa là “nhánh nước”, “Cuống” là phía trong. Do vậy, vùng đất này xưa còn có tên gọi là mường Cuống, tức là mường ở phía trong. Bởi vì, ở phía ngoài có một vùng đất được gọi là mường Nọc…

Mặc dù có nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc, tên gọi của địa danh Con Cuông, nhưng với chúng tôi, điều quan trọng nhất là tình cảm mến khách hết sức trong sáng của đồng bào Thái đang sinh sống ở nơi đây.

Chúng tôi đã chọn bản Tân Hợp, xã Lục Dạ, nằm khá xa trung tâm huyện lỵ Con Cuông, nơi có gia đình một người bạn đang sinh sống để làm nơi dừng chân sau một chuyến hành trình khá dài. Biết tin có gần 30 người khách từ Quảng Bình ra, chủ nhà đã mua về một con lợn “nít” và huy động anh em, bà con trong bản mổ ra, chuẩn bị suốt một buổi chiều rất nhiều món ăn ngon để thiết đãi khách đường xa.

Từ khách quý của một gia đình, chiều hôm ấy, chúng tôi dường như đã thực sự trở thành khách quý của cả bản. Sau những cái chạm cốc “thiệt bụng”, “thiệt lòng” mấy lượt “đi về” giữa gia chủ, những người trong bản và mấy chục khách quý bằng thứ rượu ngon nấu từ men lá rừng, chúng tôi còn được mọi người mời xuống nhà dưới để thưởng thức hũ rượu cần tuyệt ngon ủ theo cách đặc biệt của người Thái. Đã chếnh choáng men say của rượu cần và men say của tình người nơi miền Tây xứ Nghệ, tiếng nhạc vang lên, cả khách và chủ tay trong tay cùng dập dìu nhảy múa vòng quanh bên ché rượu cần và say sưa hát ca: “Nào chúng ta bên nhau, mời hỡi ai say sưa/ Mời hãy vui trong hội ta đây quây quần múa vui liên hoan/ Ta đây múa cùng bên chum rượu cần/ Yên lặng, yên lặng trên thác/…Chum rượu cần từ trong bản Mường tới đây/ Mang hơi nồng của muôn người dân tới đây/ Mà say, mà mê, mà chứa chan tình người/ Thương nhau chung vui trong hội này/ Hãy múa vui quanh chum rượu cần này…”. 

Đêm về khuya, khi chúng tôi đã lên xe để chuẩn bị trở về thị trấn Con Cuông nghỉ ngơi, nhưng những lời ca, tiếng hát của các chàng trai, cô gái Thái vẫn ngân vang, cao vút giữa màn trời đêm hôm đó như vẫn theo bước chân của các thành viên trong đoàn lên đến tận cửa xe ô tô, như có sức lôi cuốn lạ lùng, như mời gọi chúng tôi sớm có ngày sẽ quay trở lại nơi đây.

Cảnh đẹp, món ngon

Không chỉ cảm nhận được tình cảm mến khách trong sáng, nhiệt tình của bà con người Thái nơi vùng đất mà chúng tôi đã đặt chân đến, Con Cuông còn để lại trong chúng tôi ấn tượng sâu sắc bởi có nhiều cảnh đẹp và nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, độc đáo của cư dân nơi đây.

Trên chuyến hành trình của mình, từ eo Vực Bồng (địa phận xã Bồng Khê) đi khoảng 19km, đến địa phận xã Môn Sơn, từ đập Phà Lài, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi đã được ngắm dòng sông Giăng xuôi chảy, nơi có cảnh quan tuyệt đẹp. Đến đây, chúng tôi còn có dịp được thưởng thức món cá mát nướng than ngon nổi tiếng, loại cá vốn sinh sống trên dòng sông này, như có ai đó đã từng có lần tấm tắc ngợi ca: “cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”. Ngược dòng sông Giăng đi lên phía Tây, chúng tôi còn được ngắm và dạo bước vào những cánh rừng xanh ngút ngàn dài đến 20km, thuộc vườn Quốc gia Pù Mát nổi tiếng.

Đến với thác Khe Kèm (người Thái gọi là thác Bộc Bố) cách thị trấn Con Cuông 19 km, nằm ở ngay vùng lõi của rừng quốc gia Pù Mát, chưa kịp trút bỏ quần áo, nhiều thành viên trong đoàn đã vội nhảy ào xuống tắm. Chảy từ độ cao 150m, thác Khe Kèm thắng đứng, tuôn bọt nước trắng xóa quanh năm, tạo nên một cảnh sắc hùng vĩ, từ lâu, nhất là vào những dịp lễ, tết và vào cuối tuần, nơi đây đã thu hút rất nhiều khách du lịch gần xa đến tham quan, bơi tắm và nghỉ dưỡng. Từ khu vực thác, men theo các dốc đá tai mèo, trèo qua đèo cao, lội qua suối sâu, nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi còn leo lên đến tận ngọn khe Bu, khe Thơi, khe Choăng, rồi đứng trên đó mà tha hồ ngắm nhìn những cánh rừng pơ mu bạt ngàn, thăm rừng Lùn kì bí rộng khoảng 1600 km2, trên độ cao 1700 m so với mực nước biển.

Hành trình đến bản Tân Hương thu‌ộc đị‌a phận xã Yên Khê, huyện Con Cuông, chúng tôi còn được tắm suối Nước Mọc, thưởng thức nhiều món ăn ngon và được nghe người Thái sinh sống nơi đây kể cho nghe câu chuyện truyền thuyết về dòng suối đặc biệt, hiếm có này.

Cư dân nơi đây còn kể lại rằng: Ngày xưa, có một dạo nọ, Ngọc Hoàng đã cho các tiên nữ giáng trần để đón các bậc hiền nhân, quân tử lên thiên đình thưởng ngoạn. Để cho các tiên nữ không bị vướng bụi trần, Ngọc Hoàng đã hóa phép tạo ra một dòng suối có nước trong xanh, tinh khiết chảy lên từ lòng đất để cho các nàng tắm gội. Lại có truyền thuyết khác kể lại rằng, ngày xưa khi người Thái ở vùng Tây Bắc trong quá trình di cư đến vùng Yên Khê, khi thấy thung lũng này đất đai bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá, nên đã quyết định ở lại đây định cư, lập nghiệp. Nhưng do ở vùng đất này thường xuyên bị thiếu nước, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Vào một ngày nọ, người dân trong bản đã bàn nhau cử người mang lễ vật lên Thiên đình kêu cứu. Thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của dân bản do thiếu nước, Ngọc Hoàng đã ban cho họ một con suối “mọc” lên từ dưới lòng đất, có nguồn nước chảy mãi quanh năm không cạn. Từ khi có con suối thần này, cuộc sống của người dân trong bản ngày càng được ấm no đủ đầy.

Không thua kém gì thác Khe Kèm, suối Nước Mọc (tiếng Thái là Tạ Bó - suối Nóng Lạnh) nhờ nằm ở ngay cửa ngõ của Vườn Quốc gia Pù Mát, nơi có nguồn nước mát lạnh về mùa hè, ấm nóng về mùa đông cũng chính là một địa chỉ tham quan, nghỉ dưỡng hấp dẫn đối với nhiều người. Do suối “mọc” lên từ lòng đất nên lưu lượng nước của Tạ Bó ít thay đổi, mặt nước luôn trong xanh, các bậc đá ở dòng suối đầy rêu phong, còn giữ nguyên những nét hoang sơ.

Sau khi được nhảy ùm xuống suối để bơi lội, ngụp lặn trong dòng nước ngọt, mát lành của suối Nước Mọc, cả đoàn chúng tôi đã được thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc sắc của người Thái ở trong nhà hàng “Gà nướng khe Nước Mọc” của một gia đình người Thái, nằm sát ngay bên bờ suối, như các món gà đồi nướng bếp than ăn kèm với rau rừng, lợn nít kho khô, xôi nếp cẩm dẻo thơm, có màu tím đặc biệt, canh cá mát nấu với rau rừng,v.v. Món nào cũng ngon, cũng hết sức hấp dẫn…

Trở lại Quảng Bình sau một chuyến hành trình về với Con Cuông, trong chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng về vùng đất này. Nghĩa tình sâu nặng của những con người chất phác, thật thà, nhưng rất mến khách, những cảnh sắc tuyệt vời, những món ăn dân dã ở đây và cả những thanh âm rộn rã trong bài “Vũ hội rượu cần” ngân vang giữa màn trời đêm của người Thái Con Cuông đã thực sự gọi mời chúng tôi sớm có ngày quay trở lại vùng đất kỳ thú này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật