Tin liên quan
Hàng ngày đều có doanh nghiệp du lịch đóng cửa, giảm lao động
Ngày 4/3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì buổi gặp mặt, làm việc với các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn nhằm bàn giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN.
Tại buổi làm việc, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay, theo số liệu vừa được công bố tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vào chiều 3/3, sơ bộ ngành du lịch cả nước thiệt hại, tức là giảm nguồn thu khoảng 7 tỉ USD do dịch bệnh Covid-19.
“Nếu tính theo cách khá đơn giản đấy, tức là lấy số lượng khách giảm nhân với chi tiêu bình quân của khách khi tới Việt Nam thì sơ bộ Đà Nẵng giảm thu khoảng 700 – 800 triệu USD, tức khoảng 20.000 tỉ VNĐ. Khó khăn rất rõ, thậm chí hàng ngày đều có doanh nghiệp du lịch đóng cửa, giảm lao động và nhiều sự thúc ép khác!”, ông Cao Trí Dũng nói.
Ông Cao Trí Dũng cho biết thêm, theo kịch bản lạc quan nhất mà giới chuyên môn trong ngành du lịch đánh giá thì nhanh nhất phải đến tháng 6/2020 mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi thị trường khách du lịch; còn nếu xảy ra kịch bản bi quan hơn thì không chừng phải mất nguyên cả năm 2020!
Theo ông Cao Trí Dũng, vấn đề đang đặt ra đối với ngành du lịch Đà Nẵng nói chung và Hiệp hội Du lịch TP nói riêng, ngoài việc giúp doanh nghiệp tồn tại còn phải tính đến việc làm sao chuẩn bị lực lượng để khi có tín hiệu kết thúc dịch thì có thể phục hồi nhanh. Yêu cầu hiện nay là hai nhiệm vụ này phải được thực hiện song song, dù gặp nhiều khó khăn.
Cơ hội để ngành du lịch 3 địa phương thoát ra khó khăn hiện nay
Một điểm đáng chú ý, ông Cao Trí Dũng cho hay, theo chương trình kích cầu du lịch quốc gia sau mùa dịch Covid-19 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trương, trước tiên có hai nhóm địa phương được chọn để công bố “Điểm đến an toàn”. Bên cạnh đó, chương trình kích cầu trước mắt tập trung vào đối tượng du khách nội địa.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: HC)
Nhóm thứ nhất gồm 4 địa phương là Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên và Bình Định đã công bố ngày 21/2. Theo kế hoạch, sau đó một tuần, ngày 28/2 sẽ đến lượt nhóm thứ hai gồm 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế công bố. Thế nhưng, bất ngờ ngày 24/2 lại bùng phát ổ dịch Daegu làm ảnh hưởng rất lớn đến thị trường Hàn Quốc vốn đang dẫn đầu về lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng cũng như cung cấp lượng khách rất lớn cho Quảng Nam, Thừa Thiên Huế.
“Vì sự cố này nên việc công bố “Điểm đến an toàn” và chương trình kích cầu du lịch của Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế phải tạm thời dừng lại. Hiện chúng tôi đang chọn ngày 25/2 làm mốc, nếu 21 ngày sau đó không có trường hợp nào ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế dương tính với Covid-19 thì sẽ tiến hành công bố “Điểm đến an toàn” và chương trình kích cầu du lịch của 3 địa phương này”, ông Cao Trí Dũng nói.
Với việc chọn “mốc” là ngày 25/2 để tính thời gian “21 ngày không có trường hợp dương tính”, ông Cao Trí Dũng dự kiến việc công bố “Điểm đến an toàn” và chương trình kích cầu của ba địa phương thuộc nhóm thứ 2 sẽ diễn ra vào giữa tháng 3/2020, khoảng ngày 16 hoặc 17. Theo ông Dũng, đây là động thái rất quyết liệt của Hiệp hội Du lịch ba địa phương cũng như Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
“Nếu ở 3 địa phương từ nay tới hôm đó không có trường hợp nào dương tính với dịch Covid-19 thì chúng tôi sẽ quyết tâm công bố Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế nằm trong chương trình kích cầu du lịch quốc gia. Đó là cơ hội để ngành du lịch cả khu vực cũng như từng địa phương có thể thoát ra tình trạng hết sức khó khăn hiện nay!”, ông Cao Trí Dũng khẳng định.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện công tác chuẩn bị để công bố “Điểm đến an toàn” và chương trình kích cầu của Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đang được ngành du lịch ba địa phương chuẩn bị rất quyết liệt. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận:“Chúng tôi cũng đang rất phập phồng, lo lắng. Mong sẽ không xảy ra thêm một sự cố bất ngờ nào nữa!”.