Những lời “chê ngọt”
Hồi cuối năm ngoái, anh Trung khệ nệ bê cái lò sưởi mới mua đến biếu bố mẹ vợ. Chưa gì bố vợ đã hắng giọng: “Có đúng là hàng Nhật không đấy con? Bố nhìn cái này nghi là đồ nhái lắm”. Anh Trung gượng cười: “Bố nói thế nào chứ con mua trong siêu thị hẳn hoi, mấy triệu bạc thì dỏm sao được?”. Mẹ vợ đứng bên nói chen vào: “Đắt chưa chắc đã tốt, quan trọng là mình phải tinh ý. Tính anh xưa nay cứ bộp chộp nên biết đâu lại chả tiền thật đi rước của giả về cũng nên”.
Được thời gian sau, mẹ vợ lại gọi điện rối rít: “Mẹ thấy cái lò sưởi thế nào ấy? Đến nhà bà bạn mẹ cũng có cái lò sưởi rẻ hơn nhưng dùng tốt lắm. Hay con mua hớ rồi?”. Đó chẳng phải lần đầu anh Trung bị nhà vợ “chê ngọt” nhưng do nghe quen rồi nên anh cũng mặc kệ. Với lại chê thế nhưng được cái ông bà thật thà, thương con cháu nên anh Trung không bao giờ để bụng.
Trường hợp khác, ngay từ khi mới cưới anh Việt đã bị nhà vợ “chê sấp chê ngửa” là: “Cục mịch, tướng tối tăm lại là dân tỉnh lẻ”. Lương anh tháng hơn chục triệu, vợ được ngót 5 triệu rưỡi mà anh vẫn bị mẹ vợ chê là “ăn bám vợ, con Lan nhà nhà này mà lấy thằng khác thì sướng như bà Hoàng, đằng này vớ phải cái thằng cù lần, nhà quê, thiệt thòi quá”.
Đã vậy, anh Việt còn bị đem ra so sánh với con nhà chú, con nhà bác bên vợ. Do bố mẹ vợ thương con gái nên thi thoảng chu cấp thêm ít tiền rồi lại hết lời chê con rể chẳng ra gì. Nào là: “Đàn ông đàn ang mà sao anh chẳng biết tính toán gì cả, làm được đồng nào ăn luôn đồng ấy, đúng là vợ con mất nhờ”.
Còn anh Tùng lại chán ngán mỗi khi đến nhà vợ. Bố vợ vốn có vị trí cao trong xã hội nên thấy con rể đã hơn 40 tuổi rồi mà vẫn chỉ là một nhân viên bình thường nên sờ gáy: “Ngày bằng tuổi anh bây giờ tôi đã là phó tổng giám đốc rồi đấy. Chẳng biết anh có gì hấp dẫn mà ngày xưa con Thương nhà này cứ nhất quyết đòi lấy làm chồng?”.
Thi thoảng mẹ vợ lại tra hỏi lương lậu “nhích” lên chưa nên anh thấy rất khó chịu. Đã thế, mỗi lần mẹ vợ đem cho con cháu cái gì thì lại chỉ trích: “Tại tôi sợ con gái với cháu ngoại tôi chết đói”.
Hôm khác bà cho người mang đến nhà anh chị một bộ salon mới nhưng lại càm ràm: “Không đến tay tôi thì anh chị còn lâu mới sắm nổi một bộ salon nên hồn”. Thấy con rể chưa có ý định xây lại nhà mới, bố vợ lại chê: “Anh định để vợ con ở trong căn nhà rách nát ấy mãi à? Có cần tôi cho tiền làm lại nhà không?”. Quyết định việc gì cũng phải hỏi ý kiến bố mẹ vợ nên anh Tùng rất khó chịu.
Cải thiện tình hình
Chỉ vì bực bội với lời chê bai của nhà vợ mà anh Việt thường xuyên cáu gắt với vợ. Tình hình còn trở nên căng thẳng hơn khi mẹ vợ chì chiết: “Anh đúng là đồ vô dụng, đồ bỏ đi nên mới để con gái tôi thiếu ăn thiếu mặc”.
Chịu không nổi nên có lần anh nói thẳng: “Chuyện vợ chồng con từ nay để chúng con tự giải quyết. Bọn con không còn là con nít nữa nên bố mẹ khỏi lo”. Sau lần đó, anh cũng nhất định không nhận sự giúp đỡ của bố mẹ vợ nữa. Nhà vợ anh tuy có mếch lòng nhưng ít “đụng chạm” đến con rể hơn.
Độc lập về kinh tế và có quan điểm rõ ràng sẽ cải thiện được mối quan hệ với nhà vợ (ảnh minh họa)
Cũng theo anh Việt thì nhịn mỗi khi bị bố mẹ vợ chê bai chưa hẳn đã là cách làm hay. Nên cải thiện mối quan hệ bằng cách bộc lộ quan điểm rõ ràng để bố mẹ vợ bớt tham gia vào cuộc sống riêng tư của vợ chồng.
Anh Tùng lại thấy rằng nên độc lập về kinh tế để bớt “chạm trán” với nhà vợ. Ngày trước do thi thoảng nhà vợ còn “bao cấp” nên anh chịu lép vế nhiều. Sau đó anh cũng tập tành góp vốn với bạn kinh doanh nhà đất nên kinh tế khấm khá hẳn lên.
Vợ chồng anh có thể tự mua được nhà mặt phố và từ chối tất cả sự chu cấp từ phía nhà vợ. Cũng từ đó, bố mẹ vợ chẳng còn hạch họe gì nữa. “Nhục nhất là chịu sự giúp đỡ, bố thí để rồi lại bị chỉ trích là thằng hèn, chẳng làm được trò trống gì”, anh Tùng cho biết thêm.