Lời nhắn “tình cảm” của Trung Quốc
Năm 2019, Nga và Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dịp này, tờ Tri thức thế giới của Trung Quốc có bài phân tích, trong đó khẳng định rằng lịch sử thăng trầm trong quan hệ giữ hai nước cho thấy “hợp tác thì cùng có lợi, đọ sức thì đều thiệt hại”.
Theo giới phân tích Trung Quốc, 20 năm đối đầu giữa Trung Quốc và Liên Xô là 20 năm hai nước đi sau thế giới.
Trong chuyến thăm Nga vào tháng 6/2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung-Nga đã bước sang kỷ nguyên mới. Sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ Trung-Nga không phát sinh những vấn đề mà phát triển rất thuận lợi.
Theo tạp chí Trung Quốc, từ năm 1991-1996, sự định vị trong quan hệ Trung-Nga tăng lên thành 3 cấp độ, từ “coi nhau là quốc gia hữu nghị” lên “quan hệ đối tác mang tính xây dựng” và tiếp tục phát triển lên thành “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”.
Các chuyên gia Trung Quốc cũng đưa ra những bằng chứng cho thấy nước này và Nga dần đạt được những nhận thức chung về cục diện thế giới và trật tự quốc tế. Tháng 4/1997, hai nước đã ký Tuyên bố chung về đa cực hóa thế giới và thiết lập trật tự thế giới mới”, “tuyên bố hai nước nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thế giới đa cực và thiết lập trật tự thế giới, điều này cho thấy sự tương đồng về thế giới quan của hai nước trong một số vấn đề chủ yếu.
Theo đó, Trung Quốc và Nga cho rằng quan hệ quốc tế cuối thế kỷ 20 có những thay đổi sâu sắc thể hiện bằng sự kết thúc chiến tranh Lạnh và không còn trật tự lưỡng cực.
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cho rằng Nga luôn nhấn mạnh “đa cực hóa” trật tự quốc tế và không thừa nhận “toàn cầu hóa”, coi “toàn cầu hóa” là chỉ “Mỹ hóa toàn cầu”. Do vậy trong các tuyên bố Trung-Nga liên quan đến trật tự thế giới ít thấy sử dụng thuật ngữ “toàn cầu hóa”.
Cũng theo tạp chí Trung Quốc, quan hệ Trung-Nga bước vào thế kỷ 21 ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Tháng 7/2001, hai bên đã ký “Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác Trung-Nga”, quan hệ đối tác chiến lược được xác nhận về mặt luật pháp.
Tháng 10/2004, “Hiệp định bổ sung về phần phía Đông biên giới Trung-Nga” được ký kết và vấn đề do lịch sử để lại - vấn đề phân định biên giới có ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Trung-Nga đã được giải quyết hoàn toàn.
Hơn 3.000 binh sĩ Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vostok 2018 của Nga
Tháng 6/2011, nhân kỷ niệm 10 năm ngày ký “Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác”, quan hệ giữa hai nước được nâng lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bình đẳng tin tưởng lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau, cùng nhau thịnh vượng và đời đời hữu nghị”.
Tháng 5/2014, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung-Nga chính thức được nâng cấp lên giai đoạn mới.
Tháng 6/2019, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký “Tuyên bố chung về phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới”.
Tin tưởng trong nghi kỵ?
Tờ tạp chí Trung Quốc đánh giá, cục diện quốc tế hiện nay đang trong giai đoạn có những thay đổi và điều chỉnh lớn, quan hệ Trung-Nga đang phải đối mặt với môi trường quốc tế hoàn toàn khác trước, việc đưa quan hệ hai nước bước vào kỷ nguyên mới đã diễn ra đúng thời điểm.
Điều 3 của “Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác Trung-Nga” quy định “hai bên tôn trọng đường lối phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa mà đối phương đã chọn dựa trên tình hình đất nước của nước đó, bảo đảm sự phát triển ổn định lâu dài của quan hệ hai nước”. Tờ tạp chí Trung Quốc khẳng định nước này và Nga luôn cho rằng phải tôn trọng đường lối phát triển của mỗi nước được rút ra từ thực tiễn phù hợp với đặc điểm của chính nước đó, bởi lẽ đây là tài sản chung của nhân loại.
Hải quân Trung Quốc và Nga tập trận chung
Cũng theo Tri thức thế giới, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi thì vấn đề đường lối phát triển liên quan đến triển vọng phát triển của Trung Quốc và Nga càng có quan hệ chặt chẽ với chủ quyền và an ninh quốc gia của hai nước. Do vậy, điều 1 của “Tuyên bố chung về phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới” quy định: “giúp đỡ lẫn nhau, dành cho nhau sự ủng hộ chiến lược mạnh mẽ hơn, ủng hộ đường lối phát triển mà đối phương lựa chọn”.
Tạp chí Trung Quốc khẳng định, từ thời cận đại đến nay, đặc biệt là nửa cuối thế kỷ 20, chưa có một quốc gia nào giống như Liên Xô có ảnh hưởng to lớn và sâu rộng đối với đường lối phát triển của Trung Quốc. Tương tự, đường lối phát triển và sự thay đổi về tư tưởng ngoại giao của Trung Quốc đã có ảnh hưởng lớn đến sự lựa chọn chiến lược cúa Liên Xô và nước Nga sau này.
Giới phân tích Trung Quốc nhấn mạnh tới sự tương đồng trong quan điểm của hai nước đối với quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế như ủng hộ trật tự quốc tế theo tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế mới tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.
Tuy nhiên, tạp chí Trung Quốc cho rằng quan hệ Trung-Nga trong kỷ nguyên mới cũng cần phải có sự thỏa hiệp và nhượng bộ lẫn nhau, trong đó nêu ra điều khoản Nga ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc ủng hộ Nga thúc đẩy tiến trình hội nhập trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Nhân đây, tạp chí Trung Quốc thừa nhận rằng, Nga vẫn tỏ sự hoài nghi nhất định đối với chính sách hội nhập Á-Âu của Trung Quốc.
Nhưng ngay lập tức, tờ tạp chí này lý giải Trung Quốc xây dựng “Vành đai và Con đường” là nhằm vào sự hợp tác kinh tế của cả khu vực Á-Âu, nếu không có sự tham gia và ủng hộ của Nga thì “triển vọng sẽ giảm đi nhiều”.
Mỹ đang lo lắng trước mối quan hệ Nga-Trung ngày càng khăng khít?
Trước thực tế quan hệ Nga-Trung ngày càng gần gũi, người Mỹ hiện cũng công khai bày tỏ lo ngại.
Tờ The National Interest mới đây dẫn lời Zbigniew Brezinski, người làm việc bí mật với Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô trong thời gian nắm giữ cương vị cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Jimmy Carter, đã nói rằng “phân tích mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ, kịch bản nguy hiểm nhất là một liên minh lớn giữa Trung Quốc và Nga, được thống nhất không phải bằng hệ tư tưởng, mà bằng những sự bất bình bổ sung.”
Còn chuyên gia Graham Allison, Giáo sư ngành Quản trị chính quyền thuộc chương trình Douglas Dillon tại Đại học Harvard của Mỹ thì cảnh báo nước Mỹ đang tiến gần hơn tới việc đối mặt với “một liên minh lớn giữa Nga và Trung Quốc” so với ông dự đoán khi bắt đầu nghiên cứu về vấn đề này.
Tuy nhiên, tờ Foreign Affairs đã chỉ ra hàng loạt yếu tố cho thấy sự “khập khiễng” trong mối quan hệ Nga-Trung và sự nghi kỵ khó có thể xóa bỏ giữa hai nước. Điển hình là quy mô nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 7 lần của Nga với cấu trúc và lợi ích khác nhau, các vấn đề biên giới và nhập cư có thể bùng phát thành mâu thuẫn...
Giới phân tích quốc tế cũng nhất trí với quan điểm trên khi đánh giá sự yếu kém về kinh tế của Nga so với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, sự mất cân đối về cấu trúc thương mại song phương gây bất lợi cho Nga, sự chênh lệch về dân số dọc đường biên giới dài hơn 3.000 km, sự ngờ vực lẫn nhau do mối quan hệ Trung-Nga từng trải qua thời kỳ nhiều sóng gió, là những yếu tố tiếp tục làm suy yếu triển vọng của sự xích lại gần nhau này.