Theo Reuters, tuyên bố được ông Esper đưa ra một ngày sau khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Khi đang trên đường tới TP Sydney – Úc và được phóng viên hỏi: "Ông có xem xét việc triển khai tên lửa (tầm trung) ở châu Á hay không?", Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trả lời: "Có, tôi muốn vậy. Tôi muốn (tên lửa) được triển khai trong vòng vài tháng nhưng hành động này có xu hướng mất nhiều thời gian hơn".
Washington rút khỏi INF hôm 2-8 sau khi cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước. Điện Kremlin đã phủ nhận cáo buộc.
Cùng ngày 2-8, các quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận việc triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á "sẽ mất vài năm".
Trong những tuần tới, Reuters cho biết Mỹ sẽ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và vào tháng 11, Lầu Năm Góc đặt mục tiêu thử tên lửa đạn đạo tầm trung. Cả hai loại đều không mang đầu đạn hạt nhân.
Hiệp ước INF năm 1987 cấm phóng tên lửa đạn đạo/hành trình thông thường/hạt nhân với tầm bắn 500-5.500 km.
Giới chức Washington nhiều năm qua phàn nàn rằng Mỹ đang gặp bất lợi khi Trung Quốc phát triển lực lượng tên lửa phóng từ mặt đất ngày càng tinh vi, còn Lầu Năm Góc bị cản trở bởi hiệp ước của Mỹ với Nga.
Mỹ cho đến nay vẫn dựa vào các khả năng khác để đối trọng với Trung Quốc, chẳng hạn tên lửa phóng từ tàu hoặc máy bay. Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng cách tốt nhất là dùng tên lửa phóng từ mặt đất để ngăn chặn Trung Quốc trên đất liền.
bình luận của ông Esper làm dấy lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang và gây thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông Esper trấn an: "Tôi không thấy cuộc chạy đua vũ trang nào xảy ra. Tôi thấy chúng tôi đang thực hiện các biện pháp chủ động để phát triển khả năng cần thiết cho châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương".
Trong một dấu hiệu về tầm quan trọng của châu Á và để chống lại Trung Quốc, ông Esper đang có chuyến thăm tới khu vực này chỉ 2 tháng sau khi người tiền nhiệm của ông thực hiện một chuyến thăm tương tự.
Tại Úc, ông Esper và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến tham gia các cuộc đàm phán với các đối tác của nước chủ nhà. Ngoài Trung Quốc, một số vấn đề nổi cộm như Mỹ rút khỏi INF, Triều Tiên thử tên lửa và tình hình ở Eo biển Hormuz có thể được mang ra thảo luận.