Bầu trời Trung Đông trở thành cơn ác mộng với các hãng hàng không

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran đang khiến các hãng hàng không gặp nhiều khó khăn trong việc bay qua khu vực Trung Đông.
Bầu trời Trung Đông trở thành cơn ác mộng với các hãng hàng không
Tướng Amir Ali Hajizadeh thị sát mảnh vỡ của chiếc UAV Mỹ bị bắn rơi. Ảnh: AP.

Theo CNN, cơn “đau đầu” mới nhất đối với ngành hàng không toàn cầu bùng lên vào ngày 20/6 khi Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ, khiến Cục Hàng không Liên bang (FAA) cấm các hãng hàng không Mỹ bay qua một số vùng không phận tại vịnh Oman và vịnh Ba Tư.

FAA cho biết rất lo ngại về “sự gia tăng các hoạt động quân sự và căng thẳng chính trị leo thang” trong khu vực sau khi Iran sử dụng tên lửa đất đối không để bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ “khi nó đang hoạt động ở vùng lân cận các đường bay dân dụng”.

Các hãng hàng không quốc tế lập tức phản ứng. United Airlines hủy các chuyến bay đến Ấn Độ từ sân bay Newark (New York) cho đến ngày 1/9. Các hãng khác như Qantas Airways, British Airways, KLM và Lufthansa cho biết sẽ thay đổi lộ trình một số chuyến bay đến Dubai, Doha và Abu Dhabi, cũng như các chuyến bay đến và đi từ châu Á, trung chuyển ở Trung Đông.

Chưa bao giờ bầu trời Trung Đông phức tạp như vậy

Tình hình đặc biệt phức tạp đối với Emirates, Etihad và Qatar Airlines bởi các hãng này khai thác một số lượng lớn chuyến bay đường dài từ các sân bay nằm dọc vịnh Ba Tư.

Ngày 21/6, Emirates cho biết đã thay đổi các đường bay, tách khỏi “khu vực có thể xảy ra xung đột” và sẽ tiếp tục thay đổi nếu cần thiết. Etihad khẳng định sự an toàn là điều quan trọng nhất và hãng cũng đã đồng ý thay đổi một số đường bay qua vịnh Ả Rập.

Đối với các hãng hàng không thương mại cũng như các hãng vận tải hàng hóa, hạn chế chuyến bay nghĩa là họ phải đi đường vòng, tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn. Sự gián đoạn các đường bay qua khu vực Trung Đông được thể hiện rõ ràng nhất.

Các hãng hàng không không bay qua Syria trong những năm gần đây, tránh xa không phận được tuần tra bởi máy bay quân sự. Tại nhiều thời điểm khác nhau, họ cũng tránh luôn một vài vùng không phận ở Iran, Iraq và đặc biệt là Bắc Sinai, nơi Ai Cập đang chiến đấu với phiến quân Hồi giáo.

Nội chiến đã khiến vùng trời Yemen trở thành "vùng cấm bay" kể từ năm 2015. Hồi đầu tháng, một quả tên lửa do quân nổi dậy Houthi bắn đã rơi trúng sảnh đến của một sân bay ở Saudi Arabia.

Một số hãng hàng không quốc tế thay đổi đường bay đi qua không phận Trung Đông. Ảnh: Sky News.

“Trung Đông chưa bao giờ phức tạp với các hãng hàng không như lúc này. Tình hình cực kỳ rối ren trong 6 tháng qua. Ở vùng trời nào cũng có một tuyến đường không bị cắt đứt”, CNN dẫn lời ông Mark Zee, nhà sáng lập Opsgroup - một tổ chức giám sát không phận - nhận định.

Dù vậy, một số lượng lớn các chuyến bay từ các sân bay châu Âu như London, Amsterdam và Frankfurt vẫn phải đi qua Trung Đông trên đường tới các thành phố ở châu Á như Bangkok hay Singapore. "Mật độ giao thông rất dày đặc và các hãng hàng không không có sự lựa chọn khác", ông Zee phân tích.

Đổi đường bay và hủy chuyến sẽ gây áp lực chi phí lên các hãng hàng không. Ước tính các hãng hàng không hiện nay đã chi tổng cộng 180 tỷ USD mỗi năm cho nhiên liệu máy bay. Kéo dài quãng đường cũng như thời gian bay để tránh vùng xung đột có nghĩa là các hãng bay mất thêm hàng chục triệu USD.

Bài học từ MH17

Vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi hồi năm 2014 trên bầu trời Ukraine khiến các hãng hàng không và cơ quản lý phải xem xét một cách nghiêm túc sự an toàn của việc bay qua các khu vực xung đột.

Thảm họa hàng không năm 2014 khiến 298 người thiệt mạng. Chiếc máy bay của Malaysia Airlines bị tên lửa bắn vỡ tan khi đang bay ở khu vực phía Đông Ukraine, nơi quân đội Ukraine và quân ly khai đang giao tranh.

Trước khi chuyến bay MH17 gặp thảm họa, một số hãng bay đã tránh bay qua khu vực này để hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, việc các hãng hàng không, cơ quan quản lý và chính phủ ít chia sẻ thông tin đã dẫn tới việc một số hãng vẫn tiếp tục bay qua miền Đông Ukraine.

Mảnh vỡ máy bay MH17. Ảnh: Russia Insider.

Ngành công nghiệp hàng không quốc tế đã rút ra bài học kinh nghiệm từ thảm họa T.Tâm đó. Trong thông báo gửi tới các hãng hàng không mới đây, FAA giải thích các ứng dụng theo dõi chuyến bay cho thấy khi máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ, nó ở cách máy bay dân dụng gần nhất khoảng 72 km.

FAA nhấn mạnh quả tên lửa của Iran có khả năng vươn tới độ cao 18.000 m, gần gấp đôi độ cao các máy bay thương mại vẫn bay. “Chúng tôi rất quan ngại về sự leo thang căng thẳng và hoạt động quân sự ở khu vực gần với các tuyến bay dân dụng", FAA cho biết.

"Một tính toán hay xác định sai có thể dẫn đến việc bắn nhầm các máy bay dân sự”, cơ quan này cảnh báo. Đã có tiền lệ tính toán sai lầm như vậy. Năm 1988, một quả tên lửa bắn từ tàu chiến Mỹ USS Vincennes đã phá hủy máy bay số hiệu IR655 của Iran Air, khiến 290 người thiệt mạng.

Khi đó, các sĩ quan trên tàu USS Vincennes xác định nhầm chiếc máy bay Airbus A300 của Iran Air là máy bay chiến đấu F-14 Tomcat. Ông Mark Zee khẳng định việc nhà chức trách các nước nhanh chóng đưa ra cảnh báo sẽ ngăn chặn được một thảm họa mới.

“Trong vòng 24 giờ, nhiều hãng hàng không đã ngừng bay qua khu vực. Việc các hãng nhanh chóng đưa ra quyết định về đường bay mới để phòng tránh rủi ro là điều rất cần thiết”, chuyên gia Mark Zee khẳng định. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật