Cưới vợ ăn Tết

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quê tôi xưa hay có cái lệ cưới vợ ăn Tết. Một là để gia đình có thêm cô dâu mới trong ngày xuân xem như là phúc lộc của nhà. Hai là không phải dọn dẹp nhà cửa hai lần nếu tổ chức cách khoảng: đám cưới và đón xuân.
Cưới vợ ăn Tết
Ảnh minh họa

Trước đám cưới vài ngày, bọn con trai kéo nhau bơi xuồng, vác bộ sang nhà hàng xóm để mượn bàn, ghế, mặt bàn, khi mượn phải đem theo cục phấn làm dấu để khi trả khỏi lẫn lộn dễ “mích lòng”. Kế đến là việc tước lá dừa, bẹ chuối, đủng đỉnh làm nhà khách, cổng rạp. Tốp khác lau chùi các đèn “măng xông”, chuẩn bị các bình ắc quy phục vụ ánh sáng. Đám con gái thì phụ người lớn xay bột, làm bánh hỏi, làm bún, nướng bánh kẹp, làm bánh bông lan, làm gà vịt và chuẩn bị các thức ăn khác. Cánh đàn ông thì chẻ củi, chuẩn bị mần heo, thường thì lấy đầu lòng để đãi khách tới “dọn” vào đêm nhóm họ.

Chạng vạng tối đêm nhóm họ rất vui. Người thì đánh cờ tướng, người khác thì đánh bài tiến lên, cát tê, cào “dùa”, xì phé... Người lớn tuổi thường đánh bài tứ sắc, “chến”... Vui nhất là sự xuất hiện của các gánh đờn ca “bồ tèo” cây nhà lá vườn với lủ khủ nhạc cụ như: dàn trống, âm li, loa thùng, mi cơ rô, đờn... cùng với các diễn viên “cây nhà lá vườn” ăn mặc rất tươm tất. Về khuya, cháo được mang ra đãi khách trong tiếng nhạc “sống” xập xình náo nhiệt. Ngoài sân, nhiều đôi trai gái tranh thủ chuyện trò. Khi đêm đã khuya, khách lần lượt kéo nhau về trên những chiếc xuồng, ghe, chỉ còn lại những người thân thích trong gia đình cô dâu hay chú rể.

Ngày đãi khách, chủ gia phải lựa chọn “dân dọn” nhanh lẹ, gọn gàng, quan sát tốt, đặc biệt là phải có tửu lượng mạnh để đủ sức “tiếp khách”. Thực đơn được dán trên các cây cột xung quanh rạp. Nếu là đàng gái, thì sau khi đãi khách, đêm đó gia đình tổ chức lạy xuất giá cho cô dâu. Từng thành viên trong gia đình họ tộc từ vai lớn đến vai nhỏ tặng quà cho cô dâu tùy theo khả năng của mình. Khâu quan trọng là việc chọn người đưa dâu đúng với số người đàng trai cho phép. Người làm trưởng tộc phải ăn nói có bản lĩnh, khuôn phép, rành luật. Thanh niên đưa dâu phải có tửu lượng mạnh, thanh nữ phải xinh đẹp.

Vui nhất là chuyện đàng trai tới rước dâu, gặp lúc nước ròng, ghe không cặp bến được, vậy là cả họ đàng trai xắn quần lội sình lên nhà đàng gái cho kịp giờ làm lễ. Khi rước dâu chú rể bận áo dài khăn đống còn phải cõng cô dâu cũng áo dài đội mấn hẳn hoi xuống ghe khá vất vả. Vui nhất là cuộc chiến “đấu rượu” giữa hai họ.Thế là có người ói ra mật xanh, người khác thì té tại bàn ăn, có người được cõng hay “kè” về vì đi không vững. Thường thì đàng trai “rượt rượu” đàng gái đến khi xuống ghe mới thôi.

Đám cưới thị thành giờ đơn giản nhiều hơn. Đa số tổ chức ở nhà hàng cho đỡ công dọn dẹp và chuẩn bị các khâu tổ chức. Chuyện coi ngày lành tháng tốt cũng ít đi, chủ yếu tổ chức vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày cận Tết để khách mời tham gia đầy đủ. Hoành tráng, sang trọng, tiện lợi nhưng sao tôi vẫn thấy trống vắng, lạnh lẽo lạ thường, và lòng vẫn luôn nhớ về những đám cưới miền quê, nhất những đám cưới cận Tết tuy đơn sơ nhưng thật nghĩa tình, chơn chất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật