Tổng thống Trump tiếp tục khuấy đảo thượng đỉnh NATO

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hôm 12/7 tiếp tục gây căng thẳng khi yêu cầu các nước đồng minh tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, trong khi các đối tác châu Âu của ông do muốn tránh căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh NATO, nói rằng ông Trump tỏ ra thân thiện hơn so với dự kiến.
Tổng thống Trump tiếp tục khuấy đảo thượng đỉnh NATO
Lãnh đạo Anh và Mỹ cùng kêu gọi các thành viên NATO tuân thủ cam kết chi tiêu quốc phòng.

Kỳ vọng thấp

Mức kỳ vọng thấp của giới lãnh đạo châu Âu đã cho thấy sự bối rối của giới lãnh đạo khu vực này đối với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, khi họ bắt đầu ngày đàm phán thứ hai trong hội nghị thượng đỉnh NATO, nơi quy tụ lãnh đạo 29 nước thành viên của khối đồng minh quân sự này. Các vòng đàm phán tập trung vào việc chấm dứt cuộc chiến dài kỳ ở Afghanistan.

Trong ngày thứ hai, Tổng thống Trump đã sử dụng Twitter để công khai điều mà ông đã nói với giới lãnh đạo NATO trong hôm thứ Tư, trong đó kêu gọi tất cả các nước đồng minh tuân thủ cam kết đã nhất trí trong năm 2014 là chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa hiện hữu.

"Tất cả các nước thành viên NATO cần phải đạt định mức 2% GDP cho quốc phòng như đã cam kết, và cuối cùng cần phải đạt mức 4%" - ông Trump viết trên Twitter chỉ vài giờ trước khi bước vào ngày họp thứu hai của hội nghị thượng đỉnh NATO.

Bất chấp đã tung đòn công kích nặng nề vào các đồng minh liên quan tới vấn đề chi tiêu ngân sách và cáo buộc Đức đang trở thành "tù binh" của Nga, ông Trump đã tỏ ra khá nhẹ nhàng trong bữa tối hôm cùng ngày và tránh mọi xích mích với các nhà lãnh đạo khác, như giới ngoại giao trước đó lo ngại.

"Ông ấy đã ở trong tâm trạng tốt, ông ấy nói rằng châu Âu là lục địa mà ông rất quý trọng" - Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, nói với báo giới hôm 12/7 - "Chúng tôi không biết nên kỳ vọng điều gì hơn, đó là một kết quả tích cực".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nói rằng bầu không khí của hội nghị thượng đỉnh lần này "bình lặng hơn so với mọi người dự đoán" và ông đã nhận thấy được sự quyết tâm trong việc duy trì tình đoàn kết của khối đồng minh. Trong khi đó, Tổng thống Croatia Lolinda Grabar-Kitarovic nói rằng ông Trump có hành động mang tính "xây dựng".

Từ việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới việc áp đặt mức thuế cao hơn đối với mặt hàng thép của Liên minh châu Âu (EU) và đang đe dọa áp thuế xe hơi, Tổng thống Trump đã làm hỏng một số ưu tiên của châu Âu tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là về thương mại tự do và chống biến đổi khí hậu.

Trong khi Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đặc biệt bị ông Trump chỉ trích, thì Anh lại đang giữ tư cách là một trong số ít những thành viên của NATO đạt được mục tiêu ngân sách quốc phòng và cùng với Washington lên tiếng kêu gọi các thành viên còn lại nên chi thêm tiền.

"Chúng tôi nghĩ rằng Tổng thống Trump căn bản đã đúng, rằng nền tảng của một khối đồng minh thành công chính là sự đóng góp công bằng của tất cả các bên" - tân Ngoại trưởng của Anh, ông Jeremy Hunt, nhận định.

Cuộc gặp Trump-Putin có thể đạt thỏa thuận?

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, một sự kiện mà bản chất là nhằm củng cố khối đồng minh đã tồn tại suốt gần 7 thập kỷ qua, giới lãnh đạo các nước đã hy vọng rằng sẽ hạn chế các cuộc thảo luận sao cho chỉ tập trung vào vấn đề quân sự, đặc biệt là về vấn đề Ukraine.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước đó đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Jens Stolenberg liên quan tới đề xuất trở thành một nước thành viên chính thức của khối này. Tuy nhiên, hy vọng của Ukraine không thể thành hiện thực bởi theo quy định của NATO, các quốc gia đang có xung đột vũ trang không thể gia nhập khối đồng minh này.

Tổng thống Mỹ sẽ di chuyển tới Anh bắt đầu từ cuối hôm thứ Năm và sau đó sẽ tới Helsinki, Phần Lan để tham gia cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hôm đầu tuần tới, một cuộc gặp mà giới ngoại giao NATO nói rằng sẽ là phép thử đối với cam kết với NATO của Tổng thống Trump.

Theo giới phân tích, trong trường hợp Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận trong đó Mỹ ngừng tập trận ở vùng Baltics hoặc rút quân khỏi khu vực, đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với phương Tây. Tuy nhiên, họ cũng không cho rằng Tổng thống Trump sẽ đạt được một thỏa thuận.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ lại cho rằng viễn cảnh Tổng thống Trump đạt được một thỏa thuận với chính quyền Moscow là có thể xảy ra.

"Tổng thống đã từng rời khỏi Singapore và tuyên bố rằng đã chấm dứt được mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên" - Reuters dãn lời một quan chức chính phủ Mỹ, cho hay - "Ai có dám chắc rằng ông ấy sẽ rời khỏi Helsinki mà không có một thỏa thuận với ông Putin?".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật