Câu chuyện của Brabus bắt đầu từ cách đây hơn 40 năm, khi Giáo sư Bodo Buschmann - lúc đó còn đang theo học trường luật - muốn độ lại chiếc Mercedes của ông. Dù đã ghé thăm nhiều hãng độ, tuy nhiên không một ai thỏa mãn được những yêu cầu do Buschmann đặt ra. Chính vì vậy, ông đã quyết định tự lập ra cho mình một hãng độ riêng. Do luật pháp Đức yêu cầu tối thiểu 2 người để mở ra một công ty, Buschmann đã rủ một người bạn của mình là Klaus Brackman để cùng lập nên Brabus - lấy 3 chữ cái đầu trong họ của hai người ghép lại.
Sau khi thành lập công ty vào năm 1977, do Brackman hoàn toàn không hứng thú với việc kinh doanh hay độ xe, chính vì vậy ông đã bán lại số cố phần của mình cho Buschmann với giá gần như "cho không". Kể từ đó tới nay, Brabus đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những hãng độ xe Mercedes-Benz có tên tuổi nhất. Những bản độ của Brabus không chỉ cực mạnh mẽ mà còn sang trọng, đầy tính thẩm mỹ và đáp ứng tối đa yêu cầu của khách hàng. Hiện tại, Brabus đang là hãng độ xe Mercedes lớn thứ nhì Thế giới - chỉ đứng sau công ty "cây nhà lá vườn" AMG.
Không chỉ dừng lại ở xe Mercedes, Brabus còn độ cả các dòng xe mini của Smart, xe điện Tesla. Ngoài ra, hãng còn thành lập chi nhánh con Startech "chuyên trị" các dòng xe khác và Classic chuyên phục chế Mercedes cổ. Sau hơn 40 năm, Bodo Buschmann đã đưa Brabus trở thành một "đế chế" trong làng độ xe Thế giới. Tuy nhiên, ông đã không còn có thể chứng kiến công ty của mình lớn mạnh hơn nữa, khi vừa qua đời vào ngày 26/4 vừa qua sau một cơn bạo bệnh.
Sau đây là những mẫu xe độ Brabus nổi bật nhất, gây chú ý nhất được Bodo Buschmann và công ty của ông tạo ra trong suốt 40 năm qua:
Brabus Rocket
Được cho là bản độ nổi tiếng nhất của Brabus, Rocket có nền tảng là một chiếc Mercedes CLS. Khi ra mắt vào năm 2006, nó là chiếc xe 4 cửa nhanh nhất, mạnh nhất Thế giới khi sở hữu động cơ V12 6.3l mạnh 720 mã lực, mô-men xoắn 1.100Nm và tốc độ tối đa 362km/h. Trong chương trình Tune It! Safe! của bộ giao thông Đức, Brabus cũng đã tạo ra riêng một phiên bản xe cảnh sát của Rocket để tuyên truyền về việc độ xe an toàn.
Việc lựa chọn Brabus Rocket làm xe tuyên truyền cho chiến dịch Tune it! Safe là cực kỳ hợp lý, khi Brabus đã buộc phải giới hạn mô-men xoắn của chiếc xe để bảo đảm an toàn cho hệ động lực. Phiên bản này cũng góp phần đưa Rocket trở nên nổi tiếng hơn, tới mức ngày nay tên gọi này đã được đặt cho những chiếc Mercedes với cấu hình cao cấp nhất được độ bởi Brabus.
Brabus SV12 S Biturbo Roadster
Ra mắt vào năm 2006 giống Rocket, Brabus SV12 S Biturbo Roadster cũng lập kỷ lục cho mẫu xe mui trần mạnh nhất Thế giới. Sở hữu động cơ tương tự Brabus Rocket nhưng đặt trong "xác" của Mercedes SL, SV12 S Biturbo cũng được giới hạn công suất "chỉ" 730 mã lực - lớn hơn tới 213 mã lực so với chiếc SL AMG mạnh nhất vào lúc đó. Động cơ cực mạnh khiến cho chiếc mui trần động cơ đặt trước này có thể đạt tốc độ tối đa 350km/h - ngang với nhiều siêu xe cao cấp ngày nay.
Brabus Mclaren Mercedes SLR
Sản xuất bởi McLaren ở Anh Quốc, những chiếc SLR McLaren sau đó được đưa tới Đức để Mercedes lắp động cơ. Khi rơi vào tay Brabus, một số ít xe lại tiếp tục bị "rã máy" để trang bị trục cam, hệ thống xả hệ thống làm mát mới. Sau khi độ lại bởi Brabus, siêu xe của Mercedes đã có thể đạt công suất 660 mã lực. Để sức mạnh này được truyền một cách tối ưu xuống cầu sau, Brabus cũng đã trang bị cho SLR McLaren bộ vi sai mới với tỷ lệ khóa 40%. Với cải tiến này, độ bám đường và khả năng tăng tốc đã được cải thiện đáng kể.
Brabus Bullit
Ở dạng nguyên bản, động cơ 6.2l V8 vốn cũng đã khá lớn với chiếc AMG C63, tuy nhiên Brabus đã còn đưa chiếc xe thêm một bước nữa với bản độ Bullit. Thay vì máy V8, hãng đã một lần nữa "nhồi" động cơ V12 tăng áp kép như Brabus vào chiếc xe. Sở hữu sức mạnh 720 mã lực, Brabus Bullit đã đưa Mercedes C-Class lên hàng siêu xe, cả về hiệu năng lẫn giá bán: Khi ra mắt, nó có giá lên tới hơn 400.000 USD, trong khi một chiếc AMG C63 vào thời điểm đó chỉ 90.000 USD.
Brabus Mercedes-Benz Vaneo
Nổi tiếng bởi việc độ những chiếc xe Mercedes lên công suất cực cao, tuy nhiên Brabus cũng để mắt tới cả các dòng xe bình dân như Viano, Sprinter hay Vaneo. Vào năm 2002, hãng đã từng độ lại chiếc MPV cỡ nhỏ Vaneo của Mercedes với nội thất sang trọng hơn và trang bị hệ thống máy chơi game PlayStation 2. Ngoại thất của Vaneo cũng được cải tiến theo phong cách Brabus vào thời kỳ đó, trong khi hệ động lực của chiếc xe gần như được hãng giữ nguyên.
Brabus Tesla Roadster
Từ cách đây 10 năm, Brabus đã tiên phong độ xe điện khi liên kết với Tesla để nâng cấp chiếc mui trần 2 chỗ Roadster. Khác với các dòng Mercedes sử dụng động cơ đốt trong, bản độ này đã được Brabus giữ nguyên hệ động lực điện. Thay vào đó, hãng chỉ tập trung cải tiến nội thất, ngoại thất và lắp cho chiếc xe hệ thống loa phát tiếng động cơ.