Trung Quốc mạnh tay chi tiền thúc đẩy hội nhập kinh tế tại Mekong

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trung Quốc đang gia tăng tài trợ nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế tại hạ nguồn Mekong, động thái khiến nhiều chuyên gia lo ngại về sự mất cân bằng quyền lực khu vực.
Trung Quốc mạnh tay chi tiền thúc đẩy hội nhập kinh tế tại Mekong
Ảnh minh họa

Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Mekong - Lan Thương diễn ra tuần này tại Phnom Penh chứng kiến phô diễn ảnh hưởng và thúc đẩy bánh xe hội nhập kinh tế khu vực do Bắc Kinh làm người dẫn đầu.

Củ cà rốt của Trung Quốc

Với sức mạnh tài chính dồi dào, Trung Quốc cam kết dành các khoản vay lên tới 12 tỷ USD cho các đối tác tại hạ nguồn sông Mekong, gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.

Tới cuối hội nghị, lãnh đạo các nước thống nhất xem xét một nhóm các dự án hợp tác khác do Trung Quốc tài trợ. Những dự án này sẽ được xây dựng tiếp nối 132 dự án đã được thông qua sau hội nghị lần đầu tiên năm 2016.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cố gắng truyền đi hình ảnh một Trung Quốc hiện đại, giống như một con tàu cao tốc, để khuếch trương sự thành công của Hội nghị Mekong - Lan Thương, cơ chế Trung Quốc đã đầu tư nhiều tâm huyết.

"Cơ chế của Hội nghị Mekong - Lan Thương giống như động cơ thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và các nước hạ nguồn Mekong tiến vào kỷ nguyên phát triển nhanh chóng", tờ Khmer Times của Campuchia dẫn lời ông Lý.

Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc họp với những người đồng cấp từ các nước hạ nguồn sông Mekong, chọn từ ngữ cứng rắn hơn khi miêu tả Hội nghị Hợp tác Mekong - Lan Thương đang được thúc đẩy bởi một chiếc "máy ủi".

Dù ông Vương và ông Lý có dùng những cách miêu tả khác nhau, hai vị quan chức Trung Quốc đều nói đúng một điểm: dòng tiền từ Trung Quốc rất được chào đón tại Đông Nam Á.

Tới nay, 60% các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc được dành cho 5 nước hạ nguồn sông Mekong với nhiều dự án cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp. Thái Lan đang tìm kiếm nguồn tài chính cho một sáng kiến bảo tồn, trong khi Campuchia cần tiền để đối phó với tình trạng đất bạc màu.

Trung Quốc nhìn ra cơ hội từ nhu cầu tài chính của những người láng giềng phía nam. Bắc Kinh có thời cơ để thúc đẩy Sáng kiến "Vành đai, Con đường", mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy đầy tham vọng của Trung Quốc.

"Điều này (tiền của Trung Quốc) giúp Hợp tác Mekong - Lan Thương trở thành dự án và cơ chế dựa trên hợp tác chứ không phải là nơi chỉ toàn nói suông", Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đối tác ngày càng thân thiết với Bắc Kinh, nói.

Tầm nhìn của Hợp tác Mekong - Lan Thương đối với hội nhập kinh tế khu vực càng làm tăng sự ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc lên các đối tác Đông Nam Á. Báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước hạ nguồn Mekong trong 10 tháng đầu năm 2017 đã tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi tổng mức đầu tư cũng tăng 2,68 tỷ USD, tương đương 22%. 

Sóng ngầm đằng sau sự hợp tác

Sự hào phóng của Trung Quốc đối với các quốc gia Mekong tạo ra làn sóng lo ngại về một vấn đề lớn hơn: sự mất cân bằng quyền lực khu vực.

Từ thập niên 90, Trung Quốc đơn phương xây dựng 8 đập thủy điện tại thượng nguồn sông Mekong, mà Trung Quốc gọi là Lan Thương, đã làm giảm lưu lượng nước chảy về các nước hạ nguồn vào mỗi mùa khô. Cuối cùng, các nước hạ nguồn sông Mekong có thể sẽ phải phụ thuộc vào lòng tốt của Trung Quốc, thay vì luật pháp quốc tế, để có được lượng nước mà họ vốn được hưởng trong hàng nghìn năm qua.

Các chuyên gia môi trường lo ngại Hợp tác Mekong - Lan Thương sẽ khiến các chính phủ hạ nguồn sông Mekong mất đi khả năng gây sức ép buộc Trung Quốc xả nước vào mùa khô hạn.

Đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc tại Vân Nam. Ảnh: AP.

Do bất lợi về địa lý, các nước hạ nguồn sông Mekong từ lâu đã gặp nhiều khó khăn trong đàm phán với Trung Quốc về những con đập Bắc Kinh xây ở thượng nguồn.

"Trung Quốc không có ý định xây dựng những văn bản pháp lý ràng buộc về quy chế nguồn nước chạy xuyên biên giới, đó là điểm yếu trong cơ chế hợp tác của Hội nghị Mekong - Lan Thương", Carl Middleton, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển xã hội thuộc Đại học Chulalongkorn, nhận định.

Từ lâu, Trung Quốc đã gây sức ép quyết liệt lên các nước Đông Nam Á nhằm hạn chế các sáng kiến về Mekong được bảo trợ bởi Nhật Bản, Mỹ hay các nước phương Tây khác mà Trung Quốc không có dự phần. Nay, Bắc Kinh đã chiếm thế thượng phong tại Mekong khi Mỹ và Nhật Bản đang bận rộn đối phó với tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Obama, việc Mỹ tập trung nguồn lực cho những khu vực có lợi ích chiến lược khác đã tạo thời cơ cho Trung Quốc xây dựng thế đứng đáng kể tại Đông Nam Á. Nay, Tổng thống Trump thậm chí còn để lại nhiều không gian hơn cho sự trỗi dậy của Bắc Kinh khi quyết định quay lưng với các cam kết đa phương.

"Trung Quốc đang nhanh chóng lấp đầy khoảng trống quyền lực khi các cường quốc khác ít quan tâm hoặc bị phân tán", Nikkei dẫn lời một quan chức ngoại giao Đông Nam Á cho biết.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật