Cá chết hàng loạt ở Hải Dương: Thêm một “điệp khúc buồn”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mùa thu năm ngoái, dịch bệnh đã làm cá rô phi tại nhiều ao nuôi thủy sản của tỉnh Hải Dương chết hàng loạt. Năm nay, “bệnh cũ tái phát”, cá chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho hàng trăm hộ nuôi thủy sản tại đây.
Cá chết hàng loạt ở Hải Dương: Thêm một “điệp khúc buồn”
Người nuôi thuỷ sản xã Nam Tân (Nam Sách) dùng hoá chất và thuốc trị bệnh cho cá rô phi.

bệnh cũ tái phát

Năm 2010, tỉnh Hải Dương có 3.500ha nuôi cá rô phi đơn tính trong tổng số 10.050ha mặt nước nuôi thủy sản nước ngọt. Tại thời điểm này, cá rô phi thương phẩm tiêu thụ khá dễ dàng, giá cao. Loại từ 0,3 - 0,4kg/con có giá 23.000 đồng/kg, loại hơn 0,5kg/con 27.000 - 30.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trừ chi phí, người nuôi lãi 24 - 27 triệu đồng/ha.

Thế nhưng, từ cuối tháng 6/2010 đến nay, dịch bệnh trên cá rô phi đã xuất hiện tại các ao nuôi thủy sản của các huyện Tứ Kỳ, Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh và TP. Hải Dương. Đáng nói là diện tích ao bị nhiễm bệnh đang lan rộng. Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương cho hay: “Năm trước, diện tích ao nuôi có cá nhiễm bệnh chết chỉ gần 80ha, lượng cá chết khoảng 580 tấn, thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Năm nay, theo báo cáo từ cơ sở, toàn tỉnh đã có hơn 112ha ao nuôi thủy sản của 265 hộ có cá chết, ảnh hưởng tới tâm lý người nuôi thủy sản trên địa bàn”.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, con số trên mới là bề nổi, thực tế số hộ và diện tích ao nuôi có cá bị nhiễm bệnh và chết lớn hơn nhiều. Cá rô phi nhiễm bệnh chủ yếu do bị vi khuẩn tấn công làm tổn thương mắt. Xét nghiệm cho thấy gan cá cũng nhiễm bị khuẩn hoặc bị hoại tử, xuất huyết. Theo kết luận của Trung tâm Nghiên cứu, quan trắc, cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc, cá rô phi ở Hải Dương bị chết là do nhiễm khuẩn Streptococcus.Agalactiae.

Đây là loài vi khuẩn đã từng gây thiệt hại lớn cho vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong năm trước. Năm nay, dù biết cá mắc bệnh cũ, người dân và chính quyền đã có kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh, nhưng cá vẫn chết hàng loạt.

Đừnh để "mất bò mới lo làm chuống”

Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương) cung cấp cho chúng tôi một báo cáo của Chi cục về “Diễn biến cá rô phi bị chết, môi trường ao nuôi thủy sản, kết quả chỉ đạo, phòng trị bệnh, xử lý môi trường ao cá rô phi bị bệnh tháng 6 - 7/2010”.

Đáng buồn là báo cáo này dành tới 70% diện tích để “khoe” về việc Chi cục đã có trách nhiệm với công việc, phối hợp với các địa phương có diện tích ao nuôi thủy sản nhiễm bệnh, làm tốt công tác phòng, trị bệnh, xử lý môi trường..., đẩy trách nhiệm khiến cá bị nhiễm dịch về phía người nuôi thủy sản, nặng về kiến nghị, đề xuất hỗ trợ của cấp trên... Trong khi đó, phần phân tích nguyên nhân cá tái phát dịch, biện pháp khắc phục hậu quả rất sơ sài.

Phần lớn các hộ có cá nhiễm dịch đều nhận xét, nếu mua cá giống tại những địa chỉ uy tín thì cá hầu như không bị nhiễm bệnh; còn mua giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì diễn ra tình trạng cá chết hàng loạt. Đáng tiếc là điều này không được Chi cục Thủy sản Hải Dương đề cập đến trong báo cáo.

Năm trước, Chi cục Thủy sản Hải Dương đã cố gắng tìm ra 3 phác đồ điều trị bệnh cho cá rô phi nhiễm dịch. Lẽ ra, Chi cục phải chủ động tham mưu cho sở chủ quản, trình UBND tỉnh cho phép mở các lớp tập huấn cho nông dân trước, trong và sau mỗi vụ nuôi cá rô phi đơn tính, để giúp người nuôi chủ động phòng dịch, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đằng này, Chi cục lại “quên” mất công việc trên, cho đến khi dịch tái phát mới nghĩ đến việc chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi.

Thiết nghĩ, việc chuyển giao kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh cho cá là việc làm cần thiết, phải được tiến hành thường xuyên, nhắc lại nhiều lần để giúp nông dân ứng dụng vào thực tế hiệu quả. Đó cũng là việc cơ quan quản lý chuyên ngành nên coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật