“Gỡ vướng” tín dụng cho cây cà phê

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tín dụng cho cây cà phê được các ngân hàng khẳng định không thiếu, nhưng để đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng này, các ngân hàng cần sự hợp tác chặt chẽ từ phía địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê.
“Gỡ vướng” tín dụng cho cây cà phê
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm và kiểm tra vườn cà phê tại Lâm Hà, Lâm Đồng.

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã dành nguồn vốn vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng cho chương trình tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 6 năm triển khai, việc giải ngân mới chỉ đạt hơn 700 tỷ đồng, chưa đầy 6%.

Khó cho vay vì tài sản đảm bảo

Số liệu từ Agribank, tính đến thời điểm 30/6/2017, ngân hàng này đã cho hơn 5.090 khách hàng vay trồng tái canh cà phê, trong đó 5.076 khách hàng là hộ gia đình, cá nhân,14 khách hàng là doanh nghiệp với tổng dư nợ 679 tỷ đồng.

Agribank đã triển khai cho vay trung và dài hạn trong vòng từ 3-5 năm đối với các nông hộ sản xuất cà phê. Số lượng vốn giải ngân cho nông hộ vay tái canh cà phê sẽ được căn cứ vào kết quả tính toán tổng chi phí tái canh ở từng địa phương, trong đó bao gồm chi phí giống, phân bón, cải tạo đất và đầu tư công nghệ. Trong năm 2017, Agribank cam kết dành 1.000 tỷ đồng cho vay các chương trình, dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện của khu vực Tây Nguyên, trong đó có cho vay cà phê và trồng tái canh cà phê…

Theo ông Lê Quốc Doanh-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong năm 2018 các ngân hàng sẽ dành khoảng 50 ngàn tỷ đồng cho vay đối với chương trình tái canh cà phê… Như vậy, có thể khẳng định nguồn vốn cho tái canh cà phê là không thể thiếu…

Tuy nhiên, việc giải ngân gói tín dụng này cần sự có sự hợp tác chặt chẽ từ phía địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê… Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng cổ phần hiện chưa quan tâm nhiều đến cho vay cà phê do món vay nông nghiệp nhỏ lẻ nên hầu hết các hàng thường ngại rủi ro, nhất là rủi ro từ thiên nhiên và cung cách làm ăn trong nông nghiệp manh mún…

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ vườn cà phê tại Lâm Hà-Lâm Đồng , hiện nay sự gắn kết giữa các hộ trồng cà phê và doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê rất lỏng lẻo. Từ sự lỏng lẻo này dẫn đến tình trạng phập phù về nguyên liệu đối với các doanh nghiệp và rủi ro cao đối với người nông dân.
Trong khi đó, về phía ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc nhận, quản lý và giám sát tài sản đảm bảo của khách hàng chủ yếu là hàng hoá tồn kho, tài sản hình thành từ vốn vay, và đất nông nghiệp… Đây cũng là lý do chính mà các ngân hàng phải mất nhiều thời gian và công sức cho việc thẩm định hồ sơ vay, dẫn đến tình trạng giải ngân chậm so với nhu cầu nguồn vốn.

Cần có sự hợp tác chặt chẽ

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng, không chỉ các ngân hàng cần tích cực tạo điều kiện cung cấp tài chính mà phải có sự kết hợp chặt chẽ của các doanh nghiệp, đoàn thể và bản thân nông hộ.

Đại diện NHNN khẳng định, với vấn đề tái canh cây cà phê thì ngành ngân hàng thấy chủ trương, chính sách rất đúng và đã triển khai 6 năm nay. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao và còn rất nhiều vấn đề đặt ra cả về cơ chế, chính sách, kể cả vĩ mô của các Bộ, ngành cũng như của từng địa phương.

Cà phê là ngành đem lại giá trị kinh tế lớn nhất cho cả khu vực Tây Nguyên. Việc tái canh, thay thế diện tích cà phê già cỗi không đạt tiến độ yêu cầu đã ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của khu vực.

Để giải quyết những vướng mắc này, theo ông Điểu Kré, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, các Bộ, ngành và chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên, nhất là ngành ngân hàng, cần ngồi lại bàn bạc, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập.

Chính sách của Nhà nước rất cởi mở nhưng tiếp cận được chính sách còn khoảng cách rất lớn. Thủ tục cho vay có khi chặt chẽ quá, khiến tiếp cận của người dân rất khó khăn. Do đó, các địa phương mong muốn các ngân hàng đơn giản hóa các thủ tục này để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước, như cấp phát giống miễn phí cho người tái canh cà phê bằng nguồn vốn ngân sách vì khâu giống cây là rất quan trọng, mặc dù chi phí giống cây chỉ khoảng 20.000 đồng/cây, nhưng nếu được cấp giống sẽ khuyến khích người trồng cà phê…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật