‘Hy vọng 5-7 năm tới Việt Nam có ứng dụng thay thế Facebook, YouTube’

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng cần phải hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh thì mới hy vọng trong 5-7 năm tới Việt Nam có ứng dụng thay thế Facebook và YouTube.
‘Hy vọng 5-7 năm tới Việt Nam có ứng dụng thay thế Facebook, YouTube’
Ảnh minh họa

Chiều 17/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay thực tế cho thấy Facebook và Google trở thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng lớn nhất toàn cầu, có ảnh hưởng xã hội lớn là vấn đề không chỉ của Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, rất nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam cũng có mong muốn xây dựng mạng xã hội có thể cạnh tranh với Facebook, Google.

Hiện nay chỉ có một số quốc gia có mạng xã hội chiếm ưu thế so với Facebook và Google như ở Trung Quốc (không sử dụng hai mạng xã hội này). Hàn Quốc sử dụng mạng xã hội trong nước chiếm ưu thế. Hay Liên bang Nga có phần mềm tìm kiếm riêng trên Internet. Tất cả các nước đều lệ thuộc rất lớn vào Facebook và Google.

Quay lại vấn đề Việt Nam thì từ năm 2008, chúng ta có một số trang tìm kiếm và mạng xã hội như Bamboo, Xa lộ, Zingme được kỳ vọng có thể thay thế các trang mạng xã hội nước ngoài. Nhưng sau một thời gian hoạt động, do tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh và do chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước cho nên Bamboo và Xa lộ đã đóng cửa khoảng sau 2 năm.

Hiện chỉ có Zingme của tập đoàn VNG tồn tại nhưng so với Facebook và Google thì lượng người sử dụng rất thấp. VNG đã chuyển hướng phát triển Zalo với hàng chục triệu tài khoản đăng ký. Zalo được coi là ứng dụng có người Việt Nam sử dụng nhiều nhất sau Facebook và YouTube.

Từ thực tế đó, có thể thí điểm triển khai một số cơ chế chính sách nhưng với điều kiện phải ưu tiên đồng bộ cả về tài chính, thuế và các thủ tục hành chính. Cần có những chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ nội dung số các doanh nghiệp trong nước phát triển. Từ đó ta mới có thể hình thành hệ sinh thái số lớn mạnh của Việt Nam thì lúc đó chúng ta mới có cơ sở để tin tưởng ở Việt Nam có thể xây dựng được các ứng dụng thay thế được Facebook và Youtube trong vòng 5-7 năm tới.

Và để làm được điều này thì các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung xây dựng 4 mảng dịch vụ lớn có người dùng sử dụng.

Chúng tôi hay nói rằng phải thực hiện mô hình 4 nhà là nhà mạng viễn thông phải hỗ trợ. Thứ hai là nhà mạng xã hội trong nước phải vươn lên. Thứ ba là nhà quảng cáo trong nước cũng phải tập trung cho các trang này của Việt Nam. Thứ tư là nhà phát triển nội dung trong nước. Phải tập trung 4 nhà đó chúng ta mới hy vọng phát triển được hệ sinh thái số của Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thay thế hai mạng xã hội lớn trên thế giới.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật