Kênh Cầu Đôi đoạn thuộc phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy có hai nhánh và hợp lại ở đoạn qua cầu Cầu Đôi. Nhánh thứ nhất do nước thải từ bãi chôn lấp rác Thủy Phương và Nhà máy Xử lý rác thải Thủy Phương xả ra; nhánh còn lại do hai công ty sản xuất giấy xả.
Nước ngầm cũng ô nhiễm
Ông Nguyễn Đình Hưởng ở thôn 7, phường Thủy Phương cho biết trước đây, cá dưới kênh Cầu Đôi rất nhiều nhưng 3 năm qua, ít con nào sống nổi. Thỉnh thoảng, người ta cũng thấy vài con cá nhưng ghẻ lở đầy mình, vật vờ giữa dòng nước bẩn.
Dẫn chúng tôi ra kênh Cầu Đôi ngay trước trang trại của mình, ông Lê Hữu Gừng ở thôn 9, phường Thủy Phương bức xúc: “Nước này nuôi cá thì cá chết; trâu bò uống vào thì đau bụng, không còn khả năng sinh sản; vịt, gà uống cũng lăn ra chết nên không ai dám sử dụng”. Nước tại đoạn kênh này đỏ quạch, đặc quánh và luôn hôi thối.
Anh Nguyễn Viết Cẩn ở thôn 7, nhà sát nhánh kênh Cầu Đôi thứ nhất, than vãn: “Mùi hôi từ các nhà máy giấy luôn nồng nặc, ngạt thở. Nguồn nước giếng ở đây cũng không thể dùng ăn uống từ 3 năm nay, người dân phải đi mua ở ngoài về dùng”. Ông Lê Tấn Thời ở tổ 9 cho biết mỗi ngày ông phải tốn hàng chục ngàn đồng tiền điện để bơm nước từ giếng một hộ dân ở cách đó gần 1 km về dùng.
Theo ông Trương Công Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Phương, trên 1.000 hộ dân ở phường bị ảnh hưởng vì nước thải ô nhiễm nặng trên kênh Cầu Đôi.
“Hồ Châu Sơn, nơi kênh Cầu Đôi thải nước ra, giờ cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Nông dân làm lúa ở cánh đồng Thanh Lam cũng bị ngứa, nổi ghẻ lở. Thủ phạm chính là nước thải từ hai công ty sản xuất giấy Như Ý, Hà Xuyên và bãi rác của Công ty TNHH Môi trường - Công trình đô thị Huế. Chúng tôi đã đề nghị các cấp, các ngành xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nhưng đến giờ vẫn không thấy hồi âm” - ông Nghĩa bức xúc.
Con kênh chết mòn
Tại Công ty TNHH Như Ý, sau khi dùng để xử lý giấy, nước từ nơi sản xuất có màu đỏ, chảy theo một mương nhỏ xuống kênh Cầu Đôi. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Công ty TNHH Hà Xuyên nằm kế bên.
Tại hồ xử lý nước thải của bãi rác và Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương, nước có màu đen sì. Cạnh đó, đoạn mương thoát nước mưa cũng có dòng nước đen, hôi thối dẫn từ Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương chảy ra hòa vào kênh Cầu Đôi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Chương, Giám đốc Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương, lại khẳng định hệ thống nước thải của nhà máy được thiết kế theo quy trình khép kín; sau khi nước đã sử dụng đều được dẫn vào bể xử lý để lọc và được tận dụng lại sản xuất!
Còn ông Lê Phước Quang, Phó Giám đốc Xí nghiệp Xử lý chất thải - Công ty TNHH Môi trường - Công trình đô thị Huế, giải thích: “Hiện chúng tôi chỉ nhập rác vào tối thứ bảy, những ngày còn lại rác đều do Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương nhận xử lý nên lượng nước rỉ rác nơi chúng tôi rất ít”.
Được biết, hồ xử lý nước thải sinh học của bãi rác này được đưa vào sử dụng từ tháng 8-1999 với diện tích gần 5.000 m2, chứa gần 7.000 m3 nước.
Nước thải không đạt chuẩn
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Sở Tài nguyên - Môi trường Thừa Thiên - Huế, tại bãi rác Thủy Phương, nước rỉ rác từ bãi cũ (2,5 ha) và bãi mới (2,9 ha) vẫn chảy ra.
Trong đó, bãi rác mới không có hệ thống xử lý nước rỉ rác; hệ thống xử lý nước rỉ rác hồ sinh thái hiện không còn hiệu quả, vượt công suất thiết kế sau khi bãi rác mới đưa vào sử dụng.
Kết quả kiểm tra mới đây tại bãi rác thải Thủy Phương của Chi cục Bảo vệ môi trường Thừa Thiên - Huế cho thấy các thông số đều vượt mức cho phép.
Kết quả kiểm tra nước thải của Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương cũng cho thấy hiệu quả xử lý đối với khuẩn coliform chưa đạt chuẩn. “Đây là kết quả phân tích mẫu lấy từ nguồn nước xả của cả hệ thống nước mưa và nước qua xử lý của nhà máy Thủy Phương” - ông Hùng khẳng định.