Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, có đến 50% thí sinh chỉ đăng ký từ 1 - 3 nguyện vọng, 30% thí sinh đăng ký 4 - 5 nguyện vọng. Như vậy, có 80% thí sinh đăng ký từ 1 - 5 nguyện vọng. Có 18% thí sinh đăng ký từ 6 - 10 nguyện vọng. Tổng hợp lại, có đến 98% thí sinh đăng ký từ 1 - 10 nguyện vọng. Chỉ có 2% thí sinh đăng ký từ 11 - 48 nguyện vọng. Trong số này, 1,7% đăng ký từ 11-15 nguyện vọng; Số thí sinh đăng ký từ 15 đến 48 nguyện vọng chỉ là 0,3%.
Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết, qua phân tích dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy đa số thí sinh đã có suy nghĩ kỹ càng khi thực hiện đăng ký: đăng ký một vài nguyện vọng cao hơn kết quả thi dự kiến, một vài nguyện vọng sát với kết quả dự kiến và một vài nguyện vọng thấp hơn kết quả dự kiến. Với cách thức đăng ký xét tuyển mà các em đã thực hiện như vậy thì sau khi có kết quả thi sẽ có ít thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng, trừ những thí sinh có kết quả thi lệch xa xa với kết quả mà các em dự kiến.
Đối với các trường, khi cho phép thi sinh đăng ký nhiều nguyện vọng thì số thí sinh ảo sẽ tăng nên việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, Bộ GD- ĐT cũng đã lường trước được việc này nên đã có giải pháp hỗ trợ các trường trong lọc ảo. Bộ sẽ cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất.
Cụ thể theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường dù xét tuyển theo nhóm hay xét tuyển độc lập đều có thời hạn 3 ngày (từ 25 đến 27/7) để tự lọc thí sinh "ảo". Tiếp theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ “lọc ảo” tiếp từ ngày 28 đến 30/7. Sau đó, các trường sẽ có 6 ngày để lên kế hoạch điểm chuẩn vào trường.
Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên cổng tuyển sinh của Bộ. Phần mềm thống kê nguyện vọng sẽ loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh đã trúng tuyển nhiều nguyện vọng để đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất (nếu có) trong tất cả các danh sách mà các trường gửi lên.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, để xử lý vấn đề thí sinh ảo hiệu quả, các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển như nhóm GX năm ngoái do Trường ĐHBK Hà Nội chủ trì. Bởi nhóm có thể loại bỏ trước những thí sinh trúng tuyển nguyện vọng thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh thì chỉ còn lọc những thí sinh trúng tuyển ngoài nhóm. Khi tham gia nhóm, các trường có thể ngồi lại với nhau để xác định điểm chuẩn phù hợp. Khi không có nhóm, các trường phải tự phán đoán nên việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn.