Kỳ 1: Hạnh ngộ
Phút đầu tiên nhìn thấy ông Bùi Trọng Nghĩa, tôi suýt cười thành tiếng vì ông trông quá giống “một người lính” trong bức ảnh trứ danh chụp cách đây 44 năm. Chỉ vì sợ ông không chịu tiếp và xuất hiện công khai (để thỏa mong muốn của nhiều bạn đọc) mà tôi nín được sự thú vị đến phải bật cười ấy.
Không nghi ngờ gì nữa
Trước đó, mấy hôm liền cứ giở đám ảnh cựu binh Nghĩa ra xem đi xem lại. Mấy ảnh này được đưa lên không phải ở dòng trạng thái mà là phần bình luận của vài Facebooker tương tác với nhau. Để ý, tỉ mẩn lắm mới nhặt ra được. Dòm lom lom đến thành phản xạ. Cho nên giờ đây, sự giống nhau giữa người lính Sài Gòn trong ảnh và người đàn ông trước mặt khiến tôi thích thú chực phì cười, hơn là những cảm giác khác. Lần đầu gặp anh bộ đội Tạo - người lính còn lại, thì không thế.
Trong số ảnh, lần đầu nhìn thấy bức ảnh nhỏ nhỏ chụp người đàn ông trạc ngoài 40 ôm đứa bé trong lòng, đã giật mình. Vẫn gương mặt bầu bầu ấy, đôi môi dày, gò miệng hơi nhô cao...
Một chiếc khác, là ảnh in trên thẻ căn cước của thể chế Việt Nam cộng hòa. Do một người tên Bùi Trọng Nhân đưa lên: “Đây là hình ba con chụp lúc 16 tuổi năm 1970”. Cũng rất giống ảnh một trong Hai người lính. Ảnh chứng minh thư làm năm 2001 thì không giống bằng. Vài bức khác chụp không rõ lắm, nhân vật chính ở độ tuổi trên dưới 50. Lúc này nhìn không giật mình nữa nhưng đã tin kha khá.
Người ta nói trực giác bao giờ cũng mạnh và đúng. Phút đầu xáp mặt, chủ ý nhìn trân trối vào ông, để ý từ ánh mắt trở đi, trực giác của tôi nói “không còn nghi ngờ gì nữa”. Chính ra sau khi ngồi 3 tiếng trong nhà thì lại thấy...bớt giống đi. Dù sao thì, không có xác suất nhầm lẫn ở đây. Chỉ có thể là người này!
Trong ảnh Hai người lính và Tay bắt mặt mừng (chụp cùng thời điểm), anh lính Sài Gòn có vẻ cao dù không chụp cả người. Ngoài đời ông Nghĩa trông vẫn có dáng, dù ông cho biết không đến 1m7. “Hồi đó đi lính thế là cao”, ông bảo.
Nước da sạm, gương mặt bầu, vẫn đôi mắt và sống mũi thẳng đó nhưng đương nhiên cánh mũi “nở” hơn xưa. Lông mày không rậm như xưa bởi đã bạc kha khá. Nhìn toàn cục đều giống nhưng dễ nhận ra nhất là khuôn miệng và gò miệng. Trong khi anh bộ đội Tạo gặp ngoài đời, cảm giác ánh nhìn, khuôn mắt là giống nhất so với khi làm “người mẫu ảnh” năm 1973.
Hữu duyên thiên lý...
Nghe gọi “chú Nghĩa ơi”, cửa sắt lạch xạch mở, người đàn ông cùng một phụ nữ hiện ra. Ánh mắt đàn ông nghi ngại “kiếm tôi có chuyện gì”. Đồng nghiệp báo Công An thành phố Hồ Chí Minh - người gọi cửa, giới thiệu sơ sơ mục đích gặp. Chủ nhà: “Chuyện qua rồi, có gì mà nói, lâu quá tôi quên hết rồi”, tỏ rõ ý không muốn tiếp hai bộ mặt lạ hoắc. Bị chúng tôi “tán tỉnh” vài câu, ông rồi cũng mở hé cửa nhưng có vẻ sẽ tiễn khách sớm.
Cuối cùng, khách ám gần 3 tiếng, chỉ chịu về để kịp chuyến bay đêm ngược ra Hà Nội. Lúc đầu ngồi ghế đàng hoàng, về sau bốn chúng tôi ngồi bệt trên sàn đá mà chuyện cũ chuyện mới, nở như ngô rang.
Chủ nhà và vợ, bà Xuân, thoạt tiên tỏ ra kinh ngạc: Sao tìm được nhà? Bao người kiếm có được đâu.
Kỳ công này là của đồng nghiệp trẻ báo Công An. Rủ anh tham gia vì thế: ngoài chuyện là thổ dân Sài Gòn thì phóng viên báo ngành đương nhiên giỏi điều tra, truy tầm địa chỉ. Ngoài ra do quen biết lâu năm với nhà báo khác cũng ở báo này mà tôi biết bản báo cư xử khá ân tình với những phận người gặp khó.
Nếu không có phóng viên này, tôi chắc chắn không tìm ra ông Nghĩa. Có số điện thoại của cả hai bố con ông nhưng tôi biết một khi ông không muốn ra mặt thì chẳng nên điện thoại gặng hỏi địa chỉ rồi đề nghị người ta tiếp mình. Và thực tế là ông không nghe máy lạ, nếu có cũng tìm cách ngắt sớm.
Trong khi chờ tôi bay vào, đồng nghiệp báo Công An lần theo thông tin trên chứng minh thư năm 2001 của ông Nghĩa có trên mạng, ghi nhà ở Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận. Hóa ra là địa chỉ cũ hơn chục năm trước. Có được địa chỉ mới rồi vẫn phải sục sạo mãi, mất hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới lùng ra căn nhà nhỏ cần tìm ở quận 12.
Bắt đầu mặn chuyện, ông Nghĩa vui vẻ: “Cô và cậu tìm được nhà là quá hay rồi! Người trong nước, nước ngoài kiếm tôi nhiều lắm. Người tìm mộ chiến sĩ cũng kiếm nhưng có ra đâu”. Và: “Người đáng gặp nhất là ông Thành (Chu Chí Thành - tác giả ảnh Hai người lính) mà tôi còn chối. Từ chối qua điện thoại nhưng tôi cũng nói trong lòng: Anh vô đây mà kiếm được tôi thì tôi mới tiếp”.
Riêng bức ảnh này đã khiến gần như đoan chắc về giả thiết “xuất hiện nhân vật còn lại của bức ảnh Hai người lính”.
Câu chuyện của người lính “còn lại”
Tiền Phong số Tết 2016 bài Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính đã kể câu chuyện của người lính miền Bắc - Nguyễn Huy Tạo khi ông lần đầu xuất hiện. Bây giờ là người lính còn lại. Hai mảnh ghép của bức ảnh lịch sử làm thành ký ức một thời chiến tranh chạm vào hòa bình.
Trong căn nhà nhỏ buổi chiều 5/5/2017, ông Nghĩa bắt đầu nhớ lại:
“Anh Thành là người chụp ảnh thì nhớ chi tiết mọi chuyện nhưng tôi không nhớ nhiều vì qua chiến tranh, bị thương, trại cải tạo... Tôi không phải chỉ huy nên cũng không nhớ chính xác địa điểm đóng quân hồi tháng 3/1973. Chỉ biết là vô Quảng Trị thì chỗ đó nằm ở hướng đông, hướng từ sông Vĩnh Định, từ thôn Đức La đi lên. Là làng không giáp biển.
Nhớ nhất cảm giác nghe hai bên đình chiến thì mừng thấy mẹ, thằng nào cũng mừng, bên nào cũng mừng. Có ai thích đánh nhau, thích chết đâu. Cho nên có dịp là tôi lại qua bên các anh bộ đội nói chuyện chơi”.
Hỏi ông Nghĩa: “Ông biết bức ảnh Hai người lính từ bao giờ? “Thằng con tôi biết lâu rồi nhưng năm ngoái nó mới nói cho tôi. Nó kể nhiều người kiếm mình, nói muốn cho tiền, muốn giúp đỡ. Nhưng tôi từ chối hết”.
Bà Xuân vợ ông xác nhận: “Nhiều người kiếm lắm”. Ông Nghĩa: “Họ ở phe nọ phe kia bảo là viết bài hoặc không viết vẫn cho tiền cho quà. Nhưng tôi không tiếp cũng không nhận. Giờ tôi chỉ muốn sống yên ổn. Đưa tôi lên báo hoặc gặp nhiều người vì cái vụ gì? Tôi chỉ là thằng lính quèn. Có chức vụ, làm chỉ huy thì tiếng nói mới chất lượng. Lính chế độ cũ còn nhiều lắm”.
“Nhưng ông là người lính khá “đặc biệt”. Dù muốn hay không, bức ảnh Hai người lính đã đi vào lịch sử, có giá trị bởi tinh thần hòa giải. Và ông chắc biết nhiều người tưởng ông đã chết, nên phải thông tin lại cho họ mới phải?”. “Thì tôi cũng chết đi sống lại mấy lần. Từ Quảng Trị vô Đà Nẵng rồi chốt ở hang đá Nam Sơn, rồi Sơn Trà, rút đi kẹt lại, bị thương năm 1972 do B40, làm tù binh... Đầu năm 1975 tôi từ Quảng Trị vô Đà Nẵng. Chiến đấu rồi ra hàng ngày 29/3/1975 ở Đà Nẵng. Sau 30/4/1975 đi cải tạo ở Hạ Lào vài tháng, ít thôi vì tôi là lính trơn”.
Ông Nghĩa dặn: “Giờ các bạn có thương tôi thì nói hạn chế thôi. Là người chụp tấm hình này còn sống, gia đình cũng êm ấm, thế là đủ. Nếu không có ngày 30/4/1975 thì có khi mồ xanh cỏ đẹp! Còn sống tới giờ này, có gia đình là mừng rồi. Lính hai phía mỗi ngày hồi đó chết như cỏ rạ vậy”.
Càng chuyện ông càng tươi tắn hơn, nụ cười hồn hậu. Bà vợ thỉnh thoảng lại chen những câu rất đáng chen. Ví dụ khi chồng nói “Hồi đó thấy các cô văn công đẹp quá, trắng trẻo, nói dễ thương, mình cầm tay là không muốn thả ra”, bà Xuân: “Chắc thích chụp với mấy cô đó hơn ông Tạo! Hôm nào gặp ông Thành tôi hỏi thử hồi ấy ông Nghĩa có mê cô văn công nào không”. Tôi nói: “Hồi ấy chàng đẹp trai mà! Mà lúc nào cũng cà lơ thế này? Tóc rậm, áo thì bứt hết cúc?”. “Ôi tôi bụi đời lắm, làm lính hay không lính đều vậy. Anh Tạo và các anh bộ đội thì mặc chỉn chu, nai nịt”.
Chuyện được một lúc, tôi hỏi: “Ông có muốn nói chuyện với ông Thành? Hôm nọ các ông mới chỉ nói vài câu với nhau rồi thôi? Cả ông Tạo nữa, ông Tạo có lẽ chưa biết tin ông còn sống”.
Ông vui vẻ gật đầu, và tôi gọi cho “hai người lính” ở Hà Nội (Chu Chí Thành là phóng viên chiến trường, thôi cũng coi như một người lính), đố họ biết tôi đang ở đâu, làm gì. Đưa máy cho ông Nghĩa để ông tươi cười bắt đầu bằng câu: “Anh Thành à, chào anh. Tôi Nghĩa đây”. Ba người họ nói gì thì đó là câu chuyện sẽ kể ở kỳ sau. Sẽ có cả sự đính chính hoặc nói rõ hơn một số thông tin chưa chính xác trước kia, cùng những chuyện khác nữa...
Xem Video: Bức ảnh lịch sử "2 người lính" Giải phóng và Việt Nam cộng hòa 1973
//