GS Trần Văn Khê:Tôi lo TG nghe Quan họ bây giờ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Việc tôn vinh cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với toàn dân tộc đang bị hấp dẫn bởi sự hào nhoáng, hiện đại, sinh động của văn hóa nước ngoài, kéo những người lạc lối quay trở về, bỏ đi lòng tự ti mặc cảm cho rằng nghệ thuật dân tộc của chúng ta là cổ hủ, lạc hậu“ - Được phép của GS Trần Văn Khê, Bee đăng lại bài viết về cảm nghĩ của GS sau khi ca trù và quan họ được UNESCO tôn vinh.
GS Trần Văn Khê:Tôi lo TG nghe Quan họ bây giờ
Bức tranh khắc gỗ Du Xuân đồ trên đây nằm trong công trình "Technique du Peuple Annamite" (Kỹ thuật của người An Nam) của Henri Oger, với những chữ Nôm (trong tranh

Tại Đại học Sorbonne, tôi đã làm công việc tuyển chọn những đề tài cho sinh viên Pháp làm luận văn cử nhơn. Trong lúc chấm bài thi, tôi lựa những bài hay đem photocopy và khi về Việt Nam có đưa cho bạn tôi là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước xem. Xem xong, Phước chảy nước mắt khóc và nói: “Không ngờ rằng ở nước ngoài mà có những thanh niên biết về nhạc truyền thống Việt Nam còn nhiều hơn thanh niên ở nước mình”.

Bỗng nhiên có sự tình cờ là hai bộ môn Ca Trù và Quan Họ tôi đã chọn lựa ghi âm để làm dĩa hát được phát hành dưới nhãn hiệu UNESCO từ năm 1976 thì tới năm 2009 cả hai bộ môn này đều được UNESCO tôn vinh là Di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại (Quan Họ) và Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (Ca Trù).

Đặc biệt hơn nữa, sau khi tôi về nước để tìm hiểu Ca Trù năm 1976, ghi âm giọng hát của Bà Quách Thị Hồ vào dĩa hát, nhờ đó mà Bà Quách Thị Hồ được UNESCO trao tặng bằng khen để cảm ơn Bà đã tham gia trong việc phổ biến nghệ thuật Ca Trù – là di sản độc đáo của Việt Nam và vốn quý của toàn nhân loại ra thế giới. Thời đó không ai có thể ngờ rằng Hội đồng Quốc tế Âm Nhạc lại có những đánh giá như thế, và trên thế giới đều nhìn nhận rằng Ca Trù có một giá trị nghệ thuật cao xứng đáng được nhân loại giữ gìn và bảo vệ.

Năm 2004, khi còn ở bên Pháp, tôi đã được Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Việt Nam, Ủy ban người Việt nước ngoài mời về nước thành lập hồ sơ Ca Trù đệ trình lên UNESCO. Tôi bằng lòng nhận trách nhiệm thảo hồ sơ nếu người cộng sự có thể thay mặt tôi làm công việc đúng theo tiêu chuẩn của quốc tế.

Người mà tôi tin tưởng chính là Đặng Hoành Loan – người đã dựng lại được và thực hiện một cuộn phim tài liệu về Câu Hò Sông Mã rất khoa học và đầy đủ, đúng với cách thức làm việc mà tôi mong muốn.

Một canh hát quan họ cổ.

Vì lý do tôi không ở thường trực tại Hà Nội mà công việc thảo hồ sơ cần phải được liên tục nên tôi đã đề nghị với chánh quyền giao lại việc hoàn tất hồ sơ Ca Trù cho Đặng Hoành Loan – lúc đó là viện phó của viện Âm Nhạc.

Còn tôi đứng ở ngoài theo dõi sát việc làm qua thư từ và giữ cương vị Cố vấn đặc biệt của hồ sơ. Tôi đã thành lập một ban biên tập hồ sơ về Ca Trù do Đặng Hoành Loan chủ biên và gồm những chuyên gia như GS Vũ Nhựt Thăng, Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, chuyên gia về Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện.

Về việc điền dã, Đặng Hoành Loan chịu trách nhiệm tìm kiếm những người cộng sự như các chuyên gia về điện ảnh, nhiếp ảnh, kỹ sư thâu thanh, ghi hình… Tôi có nhiệm vụ đọc các văn bản, hồ sơ bằng tiếng Việt và bản dịch ra tiếng Anh, hiệu đính và bổ sung bản gốc, bản dịch, đồng thời nhận định, góp ý việc dựng phim, in dĩa hát, tuyển lựa hình chụp và lời giới thiệu cho các tư liệu nghe nhìn đó.

Mỗi khi có bộ môn nào được tôn vinh thì có lẽ tôi là người vui nhứt. Mặc dầu không tham gia các buổi Lễ Tôn vinh hay Chúc mừng vì lý do sức khỏe nhưng tôi vẫn đứng đằng xa hoan nghênh và chung vui cùng với tất cả mọi người, những nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ… đã góp phần đưa nghệ thuật truyền thống dân tộc rộng khắp năm châu.

Khi nghe tin Ca Trù và Quan Họ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, tôi vô cùng hạnh phúc vì những ước mong của mình từ bao nhiêu năm nay giờ đã trở thành sự thực. Tuy vậy, trong niềm vui đó lòng tôi vẫn còn trĩu nặng những ưu tư lo lắng.

Chuyên gia của UNESCO tôn vinh Quan Họ vì đọc hồ sơ thấy được những phong cách đặc thù không đâu có như tục lệ ngủ bọn, kết bạn, cách hát đối chữ, đối giọng, có tinh thần sáng tác… của Quan Họ ngày xưa, chính vì vậy mà tôi lo rằng nếu thế giới đến Việt Nam để nghe những canh hát Quan Họ bây giờ, liệu có còn thấy được những nét đặc thù tế nhị của Quan Họ cổ hay không?

Quỹ bảo tồn quan họ cổ sẽ được quan tâm giúp đỡ thế nào?

Về Ca Trù thì UNESCO tôn vinh như một “Di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp”. Tôi chỉ lo rằng việc bảo vệ sẽ theo đường lối nào để còn giữ được giá trị đích thực của Ca Trù ngày xưa. Cơ quan nào sẽ nhận ngân quỹ giúp đỡ và có đủ sáng suốt “chọn mặt gởi vàng” để cho nghệ thuật Ca Trù được phát triển, được phổ biến và truyền lại cho những thế hệ mai sau. Và trong công việc làm đó, chẳng biết các cơ quan hữu trách có nghĩ đến số lượng mà không quan tâm nhiều đến chất lượng hay không?

Việc UNESCO tôn vinh Ca Trù và Quan Họ như luồng ánh sáng rực rỡ chiếu rọi khắp bầu trời, xua tan đám mây mù đang che lấp những giá trị chân mỹ của nghệ thuật dân tộc. Điều đó cũng chứng tỏ cho người trong nước biết rằng: Việt Nam cũng có những bộ môn nghệ thuật tế nhị, tinh vi mà người nước ngoài cũng nhìn nhận thấy, thán phục và ca ngợi.

Việc tôn vinh cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với toàn dân tộc đang bị hấp dẫn bởi sự hào nhoáng, hiện đại, sinh động của văn hóa nước ngoài, kéo những người lạc lối quay trở về, bỏ đi lòng tự ti mặc cảm cho rằng nghệ thuật dân tộc của chúng ta là cổ hủ, lạc hậu và chỉ có nghệ thuật nước ngoài là khoa học, đáng để noi theo mà có được chút tự hào về giá trị nghệ thuật của âm nhạc truyền thống. Nhờ đó mà mong muốn tìm hiểu thêm các bộ môn nghệ thuật truyền thống, có hiểu mới thương, có thương mới chịu khó học tập, có khi đi tới biểu diễn… thì lúc ấy nghệ thuật dân tộc Việt Nam sẽ đủ sức hồi sinh.


Theo Blog GS Trần Văn Khê

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật