Đồn trưởng Phi nhớ lại kỷ niệm không quên khi đóng ‘Mùa nước nổi’

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quãng thời gian lăn lộn trên phim trường cả năm, bị muỗi đốt đến sốt rét ác tính khi đóng phim “Mùa nước nổi“ là kỷ niệm không bao giờ quên của diễn viên gạo cội Hai Nhất.
Đồn trưởng Phi nhớ lại kỷ niệm không quên khi đóng ‘Mùa nước nổi’
Nghệ sĩ Hai Nhất (phải) vai đồn trưởng Phi trong phim “Mùa nước nổi“.

Diễn viên Hai Nhất tên thật là Nguyễn Mai A, sinh năm 1948 tại Ninh Bình. Ông xuất thân là văn công kháng chiến, được khán giả biết đến qua những phim như Mùa nước nổi, Săn bắt cướp, Biệt động Sài Gòn... Trong hơn 30 năm làm nghề, thành công với nhiều dạng vai, điều khiến nghệ sĩ nhớ nhất ngoài những huy chương, giải thưởng... là quá khứ đóng phim gian khổ cùng các đồng nghiệp.

Phim Mùa nước nổi (phát hành năm 1986) để lại trong Hai Nhất nhiều kỷ niệm nhất. Ông vào vai đồn trưởng Phi - một người lính Việt Nam Cộng Hòa khét tiếng hung ác, diễn chung với Robert Hải và Đào Bá Sơn. Bộ ba diễn viên cùng đoàn phim nằm vùng hơn một năm ở huyện Mộc Hóa, Long An - quê hương của đạo diễn Hồng Sến - để hoàn thành các cảnh quay.

"Cả đoàn phải ở qua hai mùa nước nổi. Hơn một năm trời đi biệt xứ, không hề liên lạc với gia đình, đến khi về nhà, bà ngoại tôi đã mất được 49 ngày", nam diễn viên nhớ.

Kỷ niệm sâu đậm nhất với ông là suýt mất mạng vì đóng phim này. Do bị muỗi đốt quá nhiều, Hai Nhất phải nhập viện cấp cứu vì sốt rét ác tính ngay sau khi từ đoàn trở về nhà ít hôm. Lúc thấy mình nóng - lạnh thất thường, ông chủ quan không đi khám, đến khi ngất xỉu, được người nhà đưa vào viện và bác sĩ cảnh báo chậm 15 phút nữa là chết, diễn viên mới biết mình bị sốt rét ác tính. Trong những ngày nằm viện, người thân không còn nhận ra Hai Nhất vì những cơn sốt khiến ông rụng hết răng và râu, tóc.

"Khi đạo diễn Hồng Sến vào thăm, tôi đã cầm tay anh ấy nói chắc tôi không sống đến ngày chiếu phim. Lúc đó, tôi nhìn quanh mình, đâu cũng là một màu vàng mờ ảo".

Nguy hiểm đến tính mạng và chịu nhiều gian khổ, nhưng bộ ba người bạn nhận thù lao ít ỏi. Theo lời Hai Nhất, nghệ sĩ Bắc Sơn vốn nổi tiếng chặt chẽ về việc thương lượng cát-xê nhưng khi quay Mùa nước nổi, ông cũng phải chấp nhận thiệt thòi. "Anh Bắc Sơn dặn chủ nhiệm đừng trả tiền mặt, để về Sài Gòn mua cho anh cây vợt tennis. Tôi cũng nhờ chủ nhiệm trả thù lao cho mình bằng một cây súng hơi. Hai món đồ đó tính ra tiền bây giờ chắc chừng ba triệu đồng", nghệ sĩ nhớ lại.

Cát-xê ít khiến diễn viên ngày đó cũng chạy show. Nhưng càng chạy càng ’rách’ việc vì các địa điểm quay ở cách xa nhau hàng trăm cây số, xe đò không có, diễn viên đôi khi phải đi bộ hàng chục cây số mới đến. Đến nơi, đoàn mới nghỉ quay do thời tiết không thuận lợi còn đoàn cũ phải chờ mình. Hai Nhất cũng như Đào Bá Sơn, Robert Hải... thi thoảng vẫn phải nhờ vợ gửi tiền để chi tiêu. Ông kể vui: "Trong mùa nước nổi, mồi nhậu thì rẻ nhưng rượu thì đắt vì nước dâng cao, chuyện đi lại còn khó khăn huống chi nấu được rượu. Chúng tôi toàn uống rượu đế rồi ghi sổ nợ, đến khi lĩnh thù lao mới có tiền trả".

Điều kiện kinh tế những năm 1980 khó khăn còn khiến các diễn viên phải dùng chung chăn màn và quần áo. Có lần Hai Nhất và Đào Bá Sơn được một cán bộ địa phương mời dự đám cưới người thân. Đào Bá Sơn phải mượn chiếc sơ mi trắng của Hai Nhất để diện. Cả hai "thửa" hai đôi dép tổ ong của đoàn phim rồi mặc quần khaki sơ vin áo trắng đi đám cưới. "Trong suốt đám cưới, tôi cứ dọa đòi lại áo khiến Sơn ngồi im re, nghe lời tôi răm rắp", Hai Nhất cười lớn khi kể lại.

Đạo diễn Đào Bá Sơn và diễn viên Hai Nhất (phải) đi dự đám cưới bằng dép tổ ong khi đóng phim "Mùa nước nổi". 

Cũng có buổi sáng Hai Nhất ngủ dậy, nhìn quanh chỗ ngủ vắng tanh, dép và áo biến mất. Ra quán cà phê gần đó thì thấy Robert Hải mặc quần đùi, đi dép tổ ong của mình còn trên người Đào Bá Sơn là cái sơ mi trắng cũng của mình. "Cả hai rung đùi uống cà phê, nhìn tôi cởi trần, mặc quần đùi, đi chân đất nên cười ngặt nghẽo. Lúc đó tôi điên tiết lắm, cười mà như đang mếu".

Theo Hai Nhất, sở dĩ diễn viên thời của ông chịu nhiều khổ cực mà vẫn vui vẻ là do tất cả đều say mê và đồng lòng vì công việc.

Trong ký ức của "đồn trưởng Phi", để có được một cảnh quay hoàn chỉnh trên phim, từ đạo diễn, diễn viên đến nhân viên hậu trường đều lao động cật lực trong điều kiện vật chất thiếu thốn. Khi Mùa nước nổi hoàn thành, Hội đồng xét duyệt cho rằng đoạn kết chưa thực sự khốc liệt, Hãng phim Giải phóng phải thành lập đoàn phim mới đi quay lại. Cả đoàn lại về Mộc Hóa trong mùa nước nổi mà biết chắc lần quay này không thù lao, phải bỏ tiền túi ra tiêu.

Phim quay từ năm 1983, đến năm 1986 mới công chiếu. Hai Nhất kể thời đó, bộ phận kỹ thuật làm việc rất chuyên nghiệp: "Họ ra nhìn trời đất, đo đạc, thấy ánh sáng không đạt là hủy cả buổi quay. Có khi ba ngày mới quay xong một cảnh. Phim được gửi về Sài Gòn tráng dần. Đạo diễn xem lại chưa ưng cảnh nào thì cả êkíp phải quay lại cảnh đó".

Nghệ sĩ Hai Nhất (áo trắng) trong bộ phim sắp phát sóng - "Con gái ông trùm".

Hai Nhất cũng nhớ về lần lên Tây Nguyên, sống nhờ trong doanh trại quân đội để đóng phim. Những diễn viên phụ như ông khi đó không mong đợi gì về thù lao, chỉ cần ngày có hai bữa cơm ăn là đủ. "Trong cảnh người lính tấn công trên đồi, tôi khoác súng trên vai, chạy từ chân núi lên đỉnh. Đến nơi, đạo diễn bảo không đạt, phải quay lại. Tôi lúc đó chân tay bủn rủn, miệng khô khốc vẫn lao xuống chạy lại đến khi đạo diễn ưng ý mới thôi", Hai Nhất nói.

Hơn 30 năm lăn lộn với phim ảnh, ở tuổi gần 70, nghệ sĩ trăn trở làm thế nào để êkíp làm phim Biệt động Sài Gòn như ông, diễn viên Thương Tín, Thúy An, đạo diễn Long Vân... được giới nghệ thuật gọi tên bằng một chức danh cụ thể.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật