GS Phạm Minh Hạc: “Bùng nổ và tự đào thải là quy luật tất yếu!”

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từng là “tư lệnh” ngành giáo dục trong nhiều năm, GS Phạm Minh Hạc đến bây giờ vẫn rất quan tâm đến những bước đi của giáo dục nước nhà. Trong câu chuyện về sự sống còn của nhiều trường ĐH tư thục hiện nay, ông cho rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Đó là hệ quả của nhiều năm để lại, mà thời điểm này gần như là “chín muồi” để chính các trường tự “chiến đấu” để cứu lấy mình. Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.
GS Phạm Minh Hạc: “Bùng nổ và tự đào thải là quy luật tất yếu!”
GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT. Ảnh: T.L

GS đánh giá gì về thời điểm hiện tại, khi mà rất nhiều trường ĐH, CĐ tư thục và ở các địa phương đang loay hoay tồn tại, thậm chí nhiều trường có nguy cơ phá sản?

- Để có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá toàn diện về vấn đề rất lớn và phức tạp này, tôi cho rằng cần phải có những nghiên cứu, tổng hợp số liệu một cách cụ thể, khoa học. Thậm chí phải tổ chức điều tra xã hội học, các phân tích từ nhiều nhà quản lý giáo dục, chuyên gia liên ngành… thì mới có thể kết luận một cách xác đáng bức tranh của nhiều trường ĐH, CĐ tư thục, các trường ở địa phương hiện nay. Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên trước thực tế này, bởi đây là hệ quả tích tụ từ nhiều năm nay và bộc lộ rõ nét nhất trong năm nay, và nhà quản lý giáo dục đáng lẽ phải lường trước vấn đề này rồi. Hãy thử suy nghĩ, có 3 đợt tuyển sinh mà đến đợt thứ 3 mới biết được là thừa-thiếu sinh viên (SV) thế nào thì làm sao mà “thắng trận” được? Đi “đánh trận” mà đếm từng giờ một thì không ổn, trong khi đáng lẽ phải biết được trận đánh ấy sẽ kết thúc như thế nào?

Theo GS, đâu là nguồn cơn của tình trạng thiếu SV sau đợt tuyển sinh vừa rồi, khiến nhiều trường ĐH ngoài công lập lao đao?

- Nguyên nhân thì nhiều, nhưng theo tôi chính là do việc phân luồng học sinh (HS), dù đã đặt ra từ hàng chục năm nay nhưng chưa một ai bắt tay vào làm cả! Không ai đưa ra phân tích, tổng hợp để có thể cân đối rằng, trong tình hình phát triển đất nước hiện tại thì cần bao nhiều phần trăm SV cho các trường CĐ, ĐH tốt nghiệp THPT, bao nhiêu phần trăm HS tốt nghiệp THCS để định hướng đào tạo nghề. Chính vì không phân luồng HS nên dẫn đến việc quá tải nguồn tuyển, HS dồn hết vào trường ĐH công lập. Đáng lẽ ra phải phân loại được HS, trước mắt đi học nghề, sau đó phấn đấu lên CĐ, ĐH cũng không phải là muộn, 24-25 tuổi vào ĐH cũng là bình thường, chậm ĐH vài năm không nghĩa lý gì! Câu chuyện của tuyển sinh nước ta vì thế không phải là trường này thiếu, trường kia thừa, mà vấn đề là chúng ta không định hướng cho các em phát triển đúng hướng. Theo tôi, thiếu chỉ tiêu không phải là không hay đâu, ngược lại có khi lại là hay! Đây là một tín hiệu cần phải quan tâm, phải nghiên cứu kỹ, định hướng lại cho các em đi đúng hướng, học theo đúng khả năng của mình.

Vì không có nguồn tuyển nên nhiều trường ĐH tư thục đang đối mặt nguy cơ phá sản, giải thể. GS nhìn nhận gì về điều này?

- Không biết có nước nào như VN không, khi mà đang xảy ra tình trạng bán trường ĐH. Tôi làm giáo dục mấy chục năm, và cho đến khi về hưu cũng không hiểu được bán trường ĐH là như thế nào? Tiền này ai mua và ở đâu ra? Họ mua để làm gì? Làm thế này không khác gì thương mại hóa giáo dục, trong khi quan điểm của tôi là cả thế giới không bao giờ được thương mại hóa giáo dục.

Theo tôi, các trường ĐH ngoài công lập phải theo cơ chế tự đào thải thôi, trường kém quá thì giải thể, hoặc không thì sáp nhập một số trường ở các địa phương. Tính trung bình hiện nay, với hơn 440 trường ĐH cả nước, mỗi địa phương có khoảng 7 trường nhưng thực tế là tỉnh chưa có trường nào, nhưng có tỉnh dân số chỉ hơn 1 triệu người mà có đến hơn chục trường ĐH. Với tình hình hiện tại thì khó có thể nói rằng các trường ngoài công lập cần làm gì. Tự họ phải giải quyết vấn đề của họ mà thôi!

Còn với Bộ GDĐT, theo GS cần có định hướng như thế nào trước thực trạng này?

- Là thành viên của Hội Cựu giáo chức, vừa qua chúng tôi đã kiến nghị với ban văn kiện ĐH Đảng XII là phải sắp xếp lại hệ thống các trường ĐH, CĐ nước nhà. Vấn đề lớn này cần được đề cập trong văn kiện ĐH Đảng. Trước hết, các trường phải tự mình giải quyết trước. Còn lâu dài, việc sắp xếp lại hệ thống các trường hãy để đại hội quyết định và Chính phủ thực hiện. Bởi theo quy định hiện hành, việc thành lập trường ĐH là do Thủ tướng quyết định, vì thế giải thể một trường cũng phải do Thủ tướng quyết. Bộ GDĐT cần kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ định hướng sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống ĐH, CĐ hiện nay và đây là điều kiện chín muồi để 
thực hiện.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật