Quốc hội xem xét tư cách ĐBQH bà Châu Thị Thu Nga

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại buổi họp báo thông báo về nội dung chương trình kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc ngày mai 20-5 và dự kiến bế mạc vào ngày 26-6, Chủ nhiệm Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội xem xét tư cách ĐBQH bà Châu Thị Thu Nga.
Quốc hội xem xét tư cách ĐBQH bà Châu Thị Thu Nga
ĐBQH Châu Thị Thu Nga

Trước đó, đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN cho biết tuy hành vi phạm tội của bà Nga vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa bị tòa án kết tội, nhưng do bà Nga không còn xứng đáng với sự tín nhiệm nhân dân nên cần bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.

Dưới đây là nội dung ông Phúc trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quanh những nội dung của kỳ họp này.

* Được biết, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của bà Nga. Đề nghị ông cho biết mức độ phạm tội của bà này?

-Tôi thấy rất đáng tiếc, chúng ta mong muốn tăng số lượng đại biểu nữ, đại biểu trẻ trong Quốc hội. Nhưng tại nhiệm kỳ này có hai đại biểu nữ, tự ứng cử bị Quốc hội xem xét tư cách đại biểu (trước đó là bà Đặng Thị Hoàng Yến).

Về đại biểu Châu Thị Thu Nga, đến nay cơ quan điều tra vẫn đang điều tra, chưa có kết quả chính thức. Tuy nhiên, theo điều 56 Luật Tổ chức Quốc hội thì đại biểu Nga không còn uy tín với nhân dân nữa, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã có đề nghị chính thức với Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Nga.

* Trong lịch sử Quốc hội VN, lần đầu tiên có một cuộc biểu tình của công nhân để phản đối một điều luật chưa có hiệu lực thi hành, đó là điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội; một vài đạo luật khác cũng có những kiến nghị sửa đổi. Ông suy nghĩ gì về tình trạng này?

- Làm luật, sửa luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đến nay Chính phủ chưa có tờ trình chính thức đề nghị Quốc hội sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội. Chúng tôi được biết vừa qua có một số công nhân phản ứng, đề nghị sửa điều luật này.

Như đã biết, Luật Bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội thông qua, các quy định trong luật này phù hợp với thông lệ quốc tế là đảm bảo quyền lợi lâu dài của công nhân. Nhưng vì có phản ứng của một số công nhân, tại kỳ họp này, Quốc hội đã bố trí thời gian để Chính phủ báo cáo về việc triển khai thực hiện điều luật này. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận và chúng tôi sẽ xin ý kiến đại biểu xem có sửa hay không.

Quan điểm cá nhân tôi là những quy định mới đôi khi chưa làm người dân hiểu rõ và chấp nhận. Công tác tuyên truyền cần làm cho người lao động hiểu về tính ưu việt của quy định này. Chúng ta khuyến khích bảo hiểm xã hội toàn dân, lâu dài, khi về già người về hưu có lương hưu để sống. Nếu đóng bảo hiểm thời gian ngắn mà rút ra thì thiệt thòi cho người lao động.

Tuy vậy, tới đây sau khi tuyên truyền, giải thích mà người lao động vẫn đề nghị sửa thì Quốc hội sẽ nghiên cứu để sửa đổi điều luật này.

* Hội nghị Ban Chấp hành trung ương lần thứ 11 đã kết luận hai vấn đề quan trọng trước khi đưa ra Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này (đó là chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương). Xin được hỏi, các đại biểu Quốc hội là đảng viên có được phát biểu khác với kết luận của trung ương không?

- Về chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đây không phải là lần đầu tiên trung ương cho ý kiến. Trung ương rất thận trọng, sau khi lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội, trung ương đã thảo luận. Trong thảo luận thì trung ương lưu ý đến hiệu quả kinh tế. Trung ương rất muốn các đại biểu Quốc hội bàn bạc xem làm thế nào để đầu tư cho hiệu quả dự án này.

*Kỳ họp thứ 8 có những phiên đại biểu vắng rất nhiều, thậm chí có phiên họp vắng hơn 100 đại biểu, cử tri rất bức xúc, xin ông cho biết giải pháp để chấm dứt tình trạng này?

- Tôi có được sang thăm Quốc hội Mỹ và dự một số phiên họp thì thấy các phiên họp ở Quốc hội Mỹ vắng hơn ta rất nhiều. Nhưng khi tiến hành biểu quyết thì chuông báo, đồng hồ báo cho đại biểu về để tập trung biểu quyết. Nhiều nước cũng vậy.

Ở nước ngoài thì đại biểu chuyên trách, trong khi ở ta có nhiều đại biểu kiêm nhiệm. Chúng ta quy định đại biểu kiêm nhiệm phải dành ít nhất 30% cho hoạt động Quốc hội, vì vậy nên đôi khi đại biểu dành thời gian giải quyết công việc của bộ, ngành địa phương thì cũng khó trách được.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn nhắc nhở các trưởng đoàn là đề nghị các đại biểu dự họp đầy đủ. Tôi nghĩ là đại biểu của chúng ta có trách nhiệm rất cao, không chỉ hoạt động tại các phiên họp Quốc hội mà hoạt động ở các đoàn đại biểu cũng rất sôi động.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật