Nga đang đi vào vết xe đổ của Trung Quốc?

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tính đến thời điểm hiện tại, dù không thể so được với Trung Quốc về quy mô nền kinh tế, thì Nga vẫn đang là một quốc gia có nền kinh tế phát triển tương đối hài hòa theo mô hình châu Âu hơn là phát triển ồ ạt và tiềm ẩn nhiều rủi ro theo kiểu Trung Quốc. Trong khi đó, sự tương hợp về những mục tiêu kinh tế chính trị và có cùng những vấn đề với thế giới phương Tây đang đưa Moscow và Bắc Kinh lại gần nhau hơn.
Nga đang đi vào vết xe đổ của Trung Quốc?
Ảnh minh họa

Hầu hết những khuyết tật ngầm của nền kinh tế cùng những hậu quả về môi trường do phát triển kinh tế ồ ạt ở Trung Quốc đều chỉ hiện diện ở một mức độ thấp hơn rất nhiều ở Nga.

Sự hợp tác giữa hai cường quốc này càng có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, khi mà cả hai đều là những cường quốc mới nổi và có chung nhiều đặc điểm giữa hai nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Nga có vẻ sẽ là nước có nhiều ưu thế hơn, khi nó có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu từ sự phát triển kinh tế trước đó của Trung Quốc. Và điều quan trọng nhất là, Nga có thể tránh được việc đi theo vết xe đổ và những sai lầm của người Trung Quốc.

Việc so sánh những đặc điểm và trạng thái giữa hai nền kinh tế Nga và Trung Quốc trong khoảng 30 năm gần đây là một việc hết sức thú vị. Nga khi vẫn còn là một bộ phận của Liên Xô là một trong những quốc gia có trình độ phát triển khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới, trong khi đó Trung Quốc lại là một nước nông nghiệp lạc hậu. Tuy vậy, Trung Quốc lại đi trước Nga một bước khi bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1978, và khi mà Liên Xô sụp đổ và nước Nga được thành lập thì người Trung Quốc đã tiến một bước dài trên con đường xây dựng nền kinh tế thị trường.

Nói cách khác, Nga có nền tảng tốt và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nền kinh tế, nhưng lại chậm hơn Trung Quốc một bước trong việc phát triển nền kinh tế hiện đại và năng động. Nhưng bù lại, ở một khía cạnh khác, việc đi sau Trung Quốc trong phát triển kinh tế có thể giúp Nga rút ra được những bài học từ chính Trung Quốc để tránh những sai lầm mà Trung Quốc đã mắc phải, mà có vẻ như những sai lầm ấy của Bắc Kinh đang ngày một nhiều.

Nhưng có một vấn đề quan trọng hàng đầu mà cả Trung Quốc và Nga đều phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, đó là vấn đề nhân khẩu – một yếu tố đóng vai trò cốt lõi đối với vấn đề phát triển kinh tế trong tương lai. Trung Quốc đang gặp rắc rối với một dân số già hóa nhanh chóng trong khi chính sách sinh một con đang khiến tình trạng nhân lực ở nước này trong tương lai bị đe dọa nghiêm trọng. Còn Nga cũng đang phải đối mặt với tình trạng suất sinh giảm mạnh trong vài năm trở lại đây.

Với việc cả Nga và Trung Quốc đều là những cường quốc mới nổi về kinh tế, và vẫn chưa đạt tới nền kinh tế tri thức, thì vấn đề nguồn nhân lực tương lai đóng một vai trò trọng yếu hàng đầu. Một khi nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động không đủ để phục vụ nền kinh tế trong tương lai, cũng đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Trung Quốc bị ràng buộc bởi việc giới hạn dân số trong một ranh giới cho phép và không thể tự tiện nới lỏng luật để cho phép người dân sinh đẻ ồ ạt, đồng thời việc thiếu quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân từ phía chính phủ Trung Quốc đang khiến vấn đề trầm trọng hơn bao giờ hết.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm độc hại, môi trường làm việc tệ hại và thiếu đầu tư cho chăm sóc sức khỏe người dân đang khiến cho mỗi năm ở Trung Quốc có hàng triệu người t‌ử von‌g và chết trước tuổi do các căn bệnh. Đây được xem là một trong những sai lầm lớn nhất mà người Trung Quốc đã mắc phải trong quá trình phát triển kinh tế ồ ạt của mình. Và giờ đây họ đang phải trả một cái giá rất đắt cho sai lầm này, và những nỗ lực sửa sai giờ đây có vẻ như đã quá muộn màng.

Vấn đề của Nga cũng gần tương tự, dù không nghiêm trọng như Trung Quốc. Nếu như vấn đề của Trung Quốc là số t‌ử von‌g tăng lên trong khi vẫn phải kìm hãm dân số, thì Nga lại không. Vấn đề của Nga là suất sinh giảm mạnh trong vài năm trở lại đây. Các cặp vợ chồng Nga ít có nhu cầu sinh nhiều con hơn, dù điều kiện sống và chăm sóc y tế gia đình đã tăng khá nhanh trong vài năm qua. Nếu như các hộ gia đình Nga ở thành phố thường có xu hướng sinh ít con để có thể tập trung điều kiện nuôi dạy tốt hơn, thì các hộ gia đình ở nông thôn giảm suất sinh thường do các vấn đề liên quan đến kinh tế và chăm sóc sức khỏe.

Điều này bắt nguồn từ việc nông nghiệp Nga vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và chưa được cải thiện mạnh mẽ trong những năm qua, vốn là một di chứng từ thời Liên Xô để lại. Nga hiện tại vẫn là một nước nhập khẩu lương thực, và giá cả nông sản nhập khẩu đắt đỏ thường chủ yếu phục vụ cư dân thành phố hơn là nông thôn.

Chi phí đầu tư cho y tế và chăm sóc sức khỏe người dân cũng đang là nguyên nhân gây ra tình trạng sinh suất giảm ở Nga. Cũng tương tự như Trung Quốc, nước Nga một vài năm qua đã tăng cường chi tiêu quốc phòng nhiều hơn trong khi chi phí cho y tế và chăm sóc sức khỏe người dân lại có xu hướng giảm đi. Từ năm 2013 đến năm 2015, chi phí quốc phòng của Nga đã tăng 36% (20% nếu tính theo USD), trong khi chi tiêu cho y tế lại giảm khoảng 9% so với cách đây 2 năm. Tính đến thời điểm hiện tại, Nga vẫn chi khoảng 4,2% GDP cho quốc phòng hàng năm, trong khi ở một số nước châu Âu mức này thường chỉ dưới 2%.

Trong khi đó nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân Nga thì ngày càng tăng lên, từ năm 2000 đến năm 2013, chi tiêu y tế bình quân đầu người ở Nga đã tăng gấp 10 lần. Và chủ yếu trong số đó là người dân thành phố, còn người dân ở nông thôn thì mức này thấp hơn khá nhiều. Điều này đang ảnh hưởng mạnh đến việc tăng dân số ở các vùng nông thôn – vốn vẫn chiếm một phần lớn dân số ở Nga.

Tất cả những điều này đang làm cho Nga có vẻ như đang đi vào vết xe đổ của Trung Quốc trong vấn đề nhân khẩu. Nếu suất sinh ở Nga không được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới, thì e rằng Nga cũng sẽ lâm vào tình trạng dân số già hóa nhanh chóng trong khi số dân trong độ tuổi lao động trong tương lai lại giảm mạnh và không đủ đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Đó sẽ là một điều rất đáng tiếc vì Nga không bị trói buộc bởi những điều kiện và tình trạng dân số khắc nghiệt như ở Trung Quốc.

Người Trung Quốc đã mất 30 năm và một cái giá rất đắt để học được bài học về việc đảm bảo sức khỏe và đời sống cho người dân của mình, và rằng đó là cách tốt nhất để đảm bảo tương lai của nền kinh tế và đất nước. Và tốt nhất là Nga nên tránh lặp lại vào sai lầm đó của người Trung Quốc.



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật