Kỳ 2- Thầy bói hay không bằng hên

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vượt lên trên những thầy bói lăng Ông, khách sạn là thầy bói cao cấp chuyên phục vụ cho chính khách và nguyên thủ quốc gia thời đó. Đây là những ông thầy bói có thương hiệu, nhờ uy tín và tên tuổi do tự quảng cáo trên báo chí và biết cách lăng xê mình.
Kỳ 2- Thầy bói hay không bằng hên
Ảnh minh họa

Có thầy tự phong mình là “giáo sư thần học”, “chiêm tinh gia”, “quỷ cốc đại sư”, maitre”, “nhà tướng số”… nhờ ăn may một vài vụ nên tên tuổi nổi như cồn, được nhiều người trọng vọng, chính khách, nguyên thủ quốc gia đón rước long trọng tất nhiên tài lộc cũng vô như nước. Lúc này lời phán của thầy cũng được nhiều người tin sái cổ.Thầy bói phục vụ chính khách

Ví vụ, đầu năm Nhâm Tý 1972 nhằm củng cố lòng tin của người dân Tổng Thống Nguyễn Văn thiệu đã chỉ đạo cho đại tá Trần Văn Lâm, Giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã mời 3 ông thầy bói nổi tiếng bấy giờ là Huỳnh Liên, Minh Nguyệt, Khánh Sơn lên đài truyền hình dự đoán về vận mệnh quốc gia, tức nhiên là nói tốt cho chế độ Thiệu mở ra một tương lai sáng sủa hơn để trấn an dư luận trước những thất bại thê thảm trên chiến trường mà thời đó gọi là “Mùa hè đỏ lửa”.

Một tay bốc sư cũng khá nổi tiếng tên Vũ Hùng hành nghề trên đường Nguyễn Trãi, không biết đã đoán vận mệnh chính trị cho ông Nguyễn Bá Lương, Chủ tịch Hạ Nghị viện lúc bấy giờ ra sao mà được ông này tin sái cổ, liền đặt làm một bức tranh sơn mài tuyệt đẹp để tặng cho nhà “tướng số” tài ba bày tỏ sự trọng vọng, có khắc dòng chữ rất trang trọng: “Ông Nguyễn Bá Lương, Chủ tịch Hạ Nghị viện kính tặng nhà tướng số Vũ Hùng”. Được bức tranh quý hơn vàng này, nhà “ tướng số” Vũ Hùng liền treo ngay trong phòng làm việc để lòe thiên hạ và mặc sức đánh bóng tên tuổi, quảng cáo, tiếp thị rùm beng cho tài đoán vận mệnh chính khách của mình.

Dạo đó có một giai thoại khá lý thú về ông thầy Chiêm, nổi tiếng ở Đà Lạt và cao nguyên về tài xem tử vi và nhìn tướng mạo rồi phán vanh vách về vận mệnh của các chính khách. Ông thầy Chiêm tuổi còn khá trẻ, không vận áo dài khăn đóng như các thầy bói cao niên mà mặc quần Tây, áo sơ mi đóng thùng rất sành điệu lại khoái đeo cặp “kiếng mát” nên lúc nào trông ông này cũng bảnh chọe, tác phong rất Tây.

Đây là ông thầy bói theo trường phái “tân thời” nên mỗi khi ông rời văn phòng ra ngoài, bát phố chẳng ai biết ông ta làm nghề bói toán mà cứ nghĩ là một ông công chức hay “giáo sư” dạy cấp II. Tuy tác phong rất Tây nhưng cách ứng xử lại rất Tàu, mỗi lần gặp các nhân vật mới nổi lên trên chính trường, phỏng đoán người này có thể sẽ còn phất lên nữa, như sẽ ra ứng cử Tổng Thống chẳng hạn, thầy Chiêm liền sụp xuống lạy và cung kính phán: “ Ngài quả là có chân mạng đế vương”.

Sự khéo nịnh của thầy Chiêm khiến cho các chính khách đang nổi tiếng hay sắp nổi tiếng trên chính trường Sài Gòn đều rất ái mộ nên thường xuyên tới nhờ thầy xem tử vi, nhìn sắc diện để đoán vận mệnh có lẽ trước hết là để được nghe thầy Chiêm nịnh kiểu: “Ngài quả có chân mạng đế vương” còn lời nịnh bợ này có trở thành hiện thực hay không thì hậu xét.

Nhờ ăn may trở nên nổi tiếng như cồn

Nhưng thầy Chiêm cũng ăn may được một vố, và nhờ thế tên tuổi càng nổi như cồn, đó là lần bẩu cử Tổng Thống chính quyền Sài Gòn, năm đó chẳng hiểu sao lại có tới 11 vị chính khách ra ứng cử, trong đó có một vài nhân vật mà thầy Chiêm đã quỳ lạy và xưng tụng: “Ngài quả là có chân mạng đế vương”. Sau cú ăn may này thầy Chiêm tiếp đón thân chủ mệt xỉu và tất nhiên tài lộc cũng ào vào nhà thầy như nước.

Sau ngày Tổng Thổng Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chính trường Sài Gòn luôn trong tình thế hỗn loạn, sinh mệnh chính trị của một chính khách đang chểm chệ trên ghế cao của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ mỏng manh như chỉ mành treo chuông, có thể lộn nhào sau một đêm đảo chánh, khi phe này lên thay thế phe kia. Chuyện “lên voi xuống chó” của chính khách kể cả các tướng lĩnh nắm quân đội tham gia chính trị cũng tùy thuộc vào cơn lốc xoáy thời cuộc đảo điên.

Do đó ngay cả những nhân vật đầy thế lực này cũng không còn mấy tin vào chính mình mà hướng tới “thần quyền” vô hình nào đó để tiên liệu số phận hoặc tiến hành âm mưu, thủ đoạn, những bước “tiến thoái lưỡng nan” của mình và phe cánh. Lúc bấy giờ là thời của những chiêm tinh gia, những thầy tướng số và họ là trung gian giữa “thần quyền” và các nhân vật chính trị để phán những việc kiết hung, tạo niềm tin và là chỗ dựa tinh thần cho các chính khách Sài Gòn.

Hầu như mỗi chính khách Sài Gòn thời đó đều chọn cho mình một ông thầy bói nổi tiếng làm “quân sư quạt mo” để vấn kế, mách nước trong mọi hoạt động mang tính đại sự. Do đó những ông thầy bói có tầm ảnh hưởng rất lớn tới quyết định của các chính khách. Có vị chính khách nghe thầy bói mà để râu, sửa lại gương mặt như tướng “râu dê” Nguyễn Khánh.

Có nhân vật nghe lời “quân sư” là chiêm tinh gia nên theo phe này mà không theo phe kia, có người phải mặc sơ mi trắng quanh năm, thắt cà vạt hồng kẻ sọc rất dỏm dáng mà không dám thay đổi vì theo lời thầy bói phán mặc như thế mới có tương lai sáng sủa. Hay như sự kiện chấn động Sài Gòn và cả miền Nam lúc bấy giờ là các tướng lĩnh nắm quân đội kết hợp với các thế lực chính trị lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm thay vì theo kế hoạch tiến hành sớm hơn, nhưng theo lời “quân sư” là mấy ông thầy bói đã phải dời lại vào đúng 3 giờ chiều ngày 1-11-1963 mới bắt đầu nổ súng tấn công vào Dinh Độc Lập.

(còn tiếp)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật