Căn hầm bí mật dưới chiếc tủ gỗ ở Sài Gòn

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi lật tấm gỗ dưới đáy tủ và đẩy miếng chắn sang một bên, cầu thang tối sẽ hiện ra, dẫn du khách xuống căn hầm bí mật trong lòng đất.
Căn hầm bí mật dưới chiếc tủ gỗ ở Sài Gòn
Tủ quần áo hai ngăn với hầm bí mật bên dưới đáy tủ. Ảnh: Thảo Nghi

Nằm trong con hẻm nhỏ đường Ngô Gia Tự, quận 10, căn nhà số 122/351 giờ đây là di tích lịch sử văn hóa quốc gia với tấm biển báo "Cấm xâm phạm". Ít ai có cơ hội được vào ngôi nhà này bởi phải có sự cho phép của Phòng thông tin - cổ động và Nhà truyền thống quận 10. Nơi đây ghi dấu những năm tháng hào hùng cho tinh thần chiến đấu của người dân Việt Nam nên được gìn giữ cẩn thận.

Ngôi nhà trước đây được gọi là Minh Mạng, ban đầu làm bằng gỗ, vách ván, diện tích 62 m2 (6,2 x 10m). Nhà được ngăn đôi với một bên để ở và đào hầm bí mật phục vụ in tài liệu của Hội Ủng hộ Vệ quốc đoàn. Bên còn lại là cơ sở sản xuất đàn để ngụy trang. Toàn bộ khuôn viên nhà được bao quanh bởi hàng rào và cổng tre.

Phía dưới ngôi nhà nhỏ này là căn hầm có kích thước 3,5 x 3,2m, được đào bí mật. Lối xuống hầm thông qua một ngăn tủ gỗ, ngụy trang bằng quần áo treo bên trong. Chỉ cần mở tủ, lật tấm gỗ dưới đáy và đẩy miếng chắn sang bên, một cầu thang tối sẽ hiện ra, dẫn xuống lòng đất.

Một cầu thang gỗ dẫn xuống hầm. Ảnh: Thảo Nghi

Đường hầm bí mật được đào từ ngày 3/2/1952 và hoàn tất ngày 19/5/1952. Bước xuống cầu thang gỗ là một đường dẫn dài 2 m đến cánh cửa bí mật, ngụy trang như kệ sách.

Đi qua đây, du khách sẽ tiếp tục một đoạn dài 2,5 m dẫn tới căn hầm chính với kích thước 3,5 x 3,2 x 1,7 m. Nơi đây có đường thông hơi ra giếng nước giả trước sân nhà nhưng nay đã bị lấp và đặt một chậu mai thay thế.

Các chiến sĩ hoạt động cách mạng đã ngụy trang căn nhà thành một nơi làm đàn để tránh quân địch nghi ngờ việc người ra vào đông đúc. Tín hiệu các chiến sĩ dùng để nhận biết địch - ta lúc đó là chiếc đàn dầu chớp tắt.

Để đào căn hầm bí mật dưới nền nhà, các chiến sĩ phải tập trung cao độ và một chiếc xe đã kín đáo chở đất ra ngoài. Căn nhà chính là nơi in, truyền đơn, họp bí mật và kết nạp các thành viên cốt cán vào tổ chức.

Đường hầm dẫn đến căn phòng, nơi các chiến sĩ soạn thảo truyền đơn, in ấn và hoạt động cách mạng. Ảnh: Thảo Nghi

Hiện nay, căn nhà được chỉnh trang lại nhưng cấu trúc vẫn giữ nguyên. Vào ngày 20/11/1988, nơi này chính thức được Bộ Văn hóa công nhận trở thành Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật