Sự thật đằng sau việc 66 nông dân biến mất: Mất dân, mất cả cán bộ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Đường đường là một phó chủ tịch UBND xã, vậy mà lại tự ý bỏ nhiệm sở để đi làm ăn ở đâu không ai rõ. Chúng tôi đã kỷ luật Đảng, buộc thôi việc đối với trường hợp này” – Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường La (Sơn La) nói về trường hợp của phó chủ tịch UBND xã Chiềng San.
Sự thật đằng sau việc 66 nông dân biến mất: Mất dân, mất cả cán bộ
Chị Cà Thị Thạnh ở bản Nà Tấu đau đáu khi nhớ tới con trai Cà Văn Môn, bỏ quê đi cả tháng mà không thấy liên lạc về . Ảnh: K.T

Phó chủ tịch xã cũng bỏ đi làm ăn

Chuyện những người dân tự ý bỏ đi làm ăn xa lâu ngày là chuyện xảy ra như cơm bữa ở các địa phương miền núi phía Bắc. Cách đây chưa lâu, Công an huyện Mai Sơn (Sơn La) đã triệt phá một đường dây lừa người “đi làm ăn xa, trả công cao” để bán sang Trung Quốc làm n‌ô l‌ệ tìn‌ּh dụ‌ּc (vợ bất hợp pháp) hoặc lợi dụng lao động. 

Đầu mối mồi chài những người này thường là người quen biết của dân bản, là người dân tộc và họ thường lừa trước hết là một vài người thân của họ để gây niềm tin với những người dân bản khác. Vì vậy, mặc dù tuyên truyền đã nhiều nhưng vẫn có không ít người dân lại dính vào bẫy “lao động nhàn, thu nhập cao” mà những kẻ lừa đảo giăng ra.

Người dân bản Đất xã Ngọc Chiến vẫn truyền tai nhau câu chuyện: 28 Tết vừa qua, có hộ vẫn phải bán trâu để lấy tiền đi đón con về vì đứa con đi làm ăn xa bị người ta lừa hết sạch tiền.

Trao đổi với PV NTNN, ông Lò Anh Ngọc - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường La, trưởng đoàn kiểm tra, tuyên truyền của huyện trong việc 66 nông dân tự ý bỏ đi làm ăn thời gian qua tại xã Ngọc Chiến, ông Ngọc bảo: Nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế; chính quyền, đoàn thể quản lý chưa chặt; kẻ môi giới thì dùng lời ngon ngọt mời chào, vì thế dân dễ mắc bẫy.

Ông Lò Anh Ngọc đưa ra một trường hợp khá hy hữu: “Ở huyện này có ông Quàng Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng San. Ông này đã tự ý bỏ đi làm ăn xa mà không báo cáo cho ai. Vừa rồi ông ấy trở về, không những không ở lại mà còn bí mật lôi kéo thêm 8 người khác nữa đi cùng. Đến giờ bọn họ đi đâu chúng tôi cũng chưa rõ”.

Khi được hỏi: “Huyện có nắm được bao nhiêu người đã bỏ đi làm ăn xa dài ngày, bao nhiêu người đã vượt biên trái phép hoặc bị lừa vượt biên đi làm ăn?”, ông Ngọc thật thà cho biết: "Hiện chúng tôi cũng đang rà soát lại nên chưa thể có con số chính thức về số lượng người bỏ địa bàn đi làm ăn xa. Công an đang giúp chúng tôi làm rõ việc này. Còn về công tác quản lý người dân, quản lý cán bộ, huyện cũng sẽ có những kế hoạch phù hợp hơn".

Siết chặt công tác quản lý

Liên quan đến việc 66 nông dân, cả nam và nữ vừa tự ý bỏ đi làm ăn xa không rõ lý do, không rõ địa chỉ ở xã Ngọc Chiến huyện Mường La, tỉnh Sơn La, đi sâu tìm hiểu, PV nhận thấy có nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý nhân sự ở cơ sở.

Quan điểmÔng Lò Văn Ngọc - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mường La

Trước mắt, tại 33 bản xã vùng cao Ngọc Chiến, chúng tôi vẫn duy trì 30 tổ công tác để tuyên truyền. Dân ở đây tin cán bộ nên khi được gọi về là sắp xếp về ngay. 27 trường hợp ở bản Nà Tấu quay về rất sớm là minh chứng cho hiệu quả của công tác dân vận trên địa bàn huyện...

Theo ông Lò Văn Quạn - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, người dân ở đây hầu hết là nông dân nghèo nên nhu cầu tìm kiếm việc làm rất cao. 

“Bình thường, họ vẫn đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Ngay như đi làm nương cũng có khi họ đi tới vài ba ngày. Dân đi mà không báo với bản thì bản cũng chịu. Bản không báo với xã thì xã cũng khó mà nắm được. Dân đi làm ăn tăng thêm thu nhập là nhu cầu chính đáng. Nhưng lần này việc dân bỏ đi đồng loạt với số lượng lớn, người nhà khó liên lạc mới tạo nên sự hoang mang cho gia đình và chính quyền. Vì thế, ngành chức năng phải vào cuộc” - ông Quạn phân trần.

Ông Quạn cũng thông tin, trước mắt chính quyền xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Pháp Luật, tư vấn cho người dân; đồng thời hoàn thiện những quy định, hướng dẫn cho người dân khi họ phải vắng nhà dài ngày. Cụ thể, với những trường hợp đi làm ăn xa thì phải có sự tham gia, giám sát của chính quyền xã, bản ngay từ bước ký hợp đồng ban đầu để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Trong khi đó, anh Quàng Văn Yến - Trưởng bản Nà Tấu (xã Ngọc Chiến), nơi có gần nửa trong số những người dân vừa tự ý đi vắng dài ngày để làm ăn xa, thật thà nói: Dân vùng cao vắng nhà dài ngày cũng không có gì là lạ. Nhưng nếu họ đi làm ăn xa với người không quen biết, chỉ hợp đồng miệng với nhau thì sẽ có nhiều điều bất lợi cho chính họ. Thậm chí họ có thể bị lừa tiền, bị bó‌c lộ‌t sức lao động, không được chăm sóc khi ốm, đau; không nghỉ ngơi về thăm quê khi lễ, tết… thậm chí có thể vướng vào tệ nạn xã hội. 

“Bản chúng tôi vẫn còn 4 người chưa trở về đều trong tình trạng đó. Chúng tôi đang phải vừa động viên người thân của họ vừa tham mưu cho cấp trên để có hướng giải quyết hợp lý và kịp thời” - anh Yến chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật