Góc phong thủy: Những lưu ý quan trọng khi chọn mua nhà, đất

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phong thủy coi mỗi căn nhà như một “c‌ơ th‌ể” hoàn hảo, bao gồm nội khí, ngoại khí, kết cấu tổng thể, hình khối và không gian kiến trúc. Đó cũng là những điểm cần hết sức lưu ý khi chọn đất xây dựng hoặc mua bán nhà cửa…

Kết cấu và nội khí vượng

Trước đây, người mua thường yêu cầu gia chủ cung cấp đầy đủ “trích ngang” của ngôi nhà, như tuổi người đứng xây, ngày giờ tháng năm cắt đầu gỗ, đắp nền, dựng nhà, cất nóc… Đặc biệt, những ngôi nhà không có “sào mực” thì không thể bán được.

Trên cây sào mực, người thợ cả đã “biên chép” đầy đủ kích thước, kết cấu tổng thể của ngôi nhà, chi tiết đến từng vết đục, nét chạm trổ. Mọi cấu kiện, từ rường cột, xà kèo, cửa chính cửa sổ… đều nhất nhất theo kích thước Lỗ Ban. Đây chính là vấn đề kết cấu của nhà ở theo nguyên lý phong thủy.

Nhà ở phải đảm bảo nguyên lí “Lớp lớp tương sinh” của phong thủy. Mệnh chủ nhà, kích thước lớn nhỏ, độ dài ngắn rộng hẹp… của từng cấu kiện đều phải tương sinh hoặc tương hòa với nhau, như vậy gọi là nhà “mát”, ngày càng hưng thịnh.

Phong thủy cho rằng, cửa chính (vị trí, hướng và kích thước) tương sinh với phòng chủ nhà, phòng chủ sinh phòng bếp, phòng bếp sinh cửa chính… ấy là hợp cách. Ví dụ, nhà ở hướng bắc, hướng nhà quay về nam, cổng (lối vào) ở cung Tỵ (đông nam), phòng chủ nhà ở hướng đông, cửa bếp quay về hướng đông… là thuộc loại nhà tương sinh.

Việc xác định tương sinh, tương khắc chủ yếu căn cứ vào ngũ hành các sao quản hướng (quản cung) và quẻ dịch tương ứng của các cung (hướng) đó với nhau.

Hướng bắc sao Nhất bạch thuộc thủy, quẻ Khảm; hướng nam sao Cửu tử thuộc hỏa, quẻ Ly; hướng đông sao Tam bích thuộc mộc, quẻ Chấn; hướng tây sao Thất xích thuộc kim, quẻ Đoài; hướng tây bắc sao Lục bạch thuộc kim, quẻ Càn; hướng đông bắc sao Bát bạch thuộc thổ, quẻ Cấn; hướng đông nam sao Tứ lục thuộc mộc, quẻ Tốn; hướng tây nam sao Nhị hắc thuộc thổ, quẻ Khôn.

Trong ví dụ nêu trên, xét về ngũ hành, thủy - mộc - hỏa là quan hệ tương sinh; về quẻ dịch Khảm (bắc) với Ly (nam) là Diên niên, Khảm với Tốn (đông nam) là Sinh khí, Khảm với Chấn (đông) là Thiên y. Các quẻ Chấn - Tốn - Ly và Khảm đều thuộc đông tứ trạch và kết hợp với nhau tạo vượng khí. Như vậy xung quanh ngôi nhà được vượng khí tương sinh bao bọc, lại dùng bếp đặt ở hướng tây (cửa quay về đông) để đón vượng khí, trấn sát khí của Thất xích, thực là nơi sống và làm việc lý tưởng đối với những người đông tứ mệnh.

Theo nguyên lý nêu trên, nếu không chọn được hướng nhà tương sinh thì cũng phải đạt yêu cầu tương hòa, không xung sát, không hình khắc. Ngược lại, đều không hợp cách, thuộc hung trạch.

Ngoại khí hay môi trường kiến tạo

Phong thủy Bát Trạch đưa ra một hệ thống tiêu chí giàu tính khoa học về vị trí làm nhà ở, trong đó cần lưu ý một số điểm như sau:

Nhà ở không nên quá gần công sở, cơ quan nhà nước; không nên ở đối xứng ngay trước hoặc ngay sau đền chùa, miếu mạo, nghĩa trang, đàn tế hoặc những nơi khí sắc u uất, ẩm thấp.

Không nên làm nhà ở nơi núi cao dốc đứng, gần vực sâu khe lớn, hình thế núi sông hiểm trở, cảng sâu, cầu cao; nơi đất đai cằn cỗi, đá nhọn dựng đứng, hình thế hung hiểm… Phong thủy gọi là “đất không phú quý, cô dương không thể phát triển”.

Nhà ở không quá gần lò mổ, sau chợ, nơi tập trung rác rưởi, rốn nước cuối nguồn hoặc những tụ điểm vui chơi giải trí… Thuật ngữ phê là “uất khí xung thiên, tạp khí tán dương khí, không phải là phúc địa”.

Những nơi bốn phía hoang vu, ngày ngày gió lộng, quãng vắng không bóng nhà, chiều xuống quạnh quẽ, đêm vằng vặc trăng xuông… Ấy là đất “cô hư thoát khí, tà ma quỷ quái, không thể hưng vượng”, không nên làm đất ở.

Nhà ở không nên xây dựng ở những nơi tập trung quá nhiều tòa cao tầng mà hình khối, kết cấu không đồng nhất, vuông tròn không quy củ, bốn phía nhìn đâu cũng thấy đầu đao - mái nhọn của nhà khác… Những nơi như vậy gọi là “đất vượng Liêm Trinh”, hay xảy ra tai nạn bất ngờ, bệnh tật khó lường, vận khí không ổn định…

Do yêu cầu này, phong thủy đòi hỏi các khu cao tầng, khu tập thể ở đô thị phải được quy hoạch tập trung, thống nhất về hình khối, phương hướng, màu sắc…; đồng thời phải có không gian xanh, không gian thoáng giữa các tòa nhà; hệ thống kết cấu dịch vụ công cộng, xử lý chất thải… phải được quy hoạch và thiết kế thống nhất.

Những công trình nhà ở không đạt các tiêu chí nêu trên cần được “hóa sát”, phương pháp hóa sát tương đối đơn giản, nhưng phải tùy từng loại sát khí cụ thể để thực hiện mới hiệu quả, tránh xảy ra “tác dụng phụ”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật