Đồng ruble mất giá - hệ quả của cuộc chiến tiền tệ?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc đồng ruble Nga mất giá kỷ lục đã trở thành sự kiện chấn động thế giới thời gian gần đây. Một bộ phận chuyên gia cho rằng đây là hệ quả trực tiếp của một cuộc chiến tỷ giá có chủ đích từ bên ngoài.
Đồng ruble mất giá - hệ quả của cuộc chiến tiền tệ?
Ảnh minh họa

Trong khi một số khác lại nhấn mạnh đây là sự kết hợp giữa thể trạng không tốt của nền kinh tế Nga với môi trường kinh tế bất lợi trên bình diện quốc tế.

Có thể thấy những gì đang diễn ra hiện nay rất giống với một cuộc chiến tiền tệ và là cuộc chiến có quy mô lớn nhất mà lịch sử từng biết đến. Việc kết hợp các yếu tố bất lợi từ giá dầu giảm và đồng ruble suy yếu là các nỗ lực lật đổ thể chế cầm quyền ở Nga.

Theo nhận định của giới phân tích kinh tế, giá trị của đồng  ruble lao dốc là kết quả của chính sách do các cường quốc phương Tây thực hiện để buộc Nga phải chấp nhận những đòi hỏi của họ. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đã và đang tiếp tục tìm mọi cách bóp nghẹt Nga về kinh tế, tài chính để trừng phạt thái độ cứng rắn của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong các cuộc can thiệp vào Ukraine và Syria.

Trong vòng 4 tháng gần đây, giá trị đồng ruble đã giảm hơn 50%. Từ khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Nga hồi tháng Bảy vừa qua, Nga không nhận được sự tài trợ quốc tế quan trọng nào, ngay cả từ phía các ngân hàng của Nhà nước Trung Quốc. Nga đang bị bóp nghẹt về tài chính do nguồn tín dụng bị cắt.

Theo tính toán của các nhà kinh tế, Nga, với nguồn dự trữ ngoại tệ khoảng 200 tỷ USD nhưng nợ nước ngoài 600 tỷ USD, có thể bị sụp đổ hoàn toàn trong vòng hai năm.

Ngay cả Trung Quốc vốn có cái nhìn hết sức cẩn trọng và tỉnh táo đối với các diễn biến bên ngoài cũng đang nghiêng về phương án này. Theo tờ "Nhân dân nhật báo" (Trung Quốc), các nhà kinh tế Trung Quốc hiện rất dè dặt khi nhìn nhận về triểnvọng hợp tác Nga -Trung, với nhận định rằng nếu đồng ruble tiếp tục đà mất giá thì kinh tế Nga sẽ đi vào suy thoái và quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung sẽ bị ảnh hưởng theo.

Việc đồng nội tệ của Nga mất giá sẽ làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với các thị trường đang phát triển, khiến việc rút vốn đầu tư diễn ra nhanh hơn và cuối cùng là tình trạng khan hiếm các đồng ngoại tệ mạnh.

Việc Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất và can thiệp vào thị trường tiền tệ không thể giải quyết những vấn đề căn bản của nền kinh tế Nga. Gây bất lợi cho kinh tế Nga chính là các lệnh trừng phạt của EU, vốn chiếm đến 40% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga, sự suy giảm xuất khẩu do giá dầu giảm, tỷ lệ nợ nước ngoài của các tập đoàn ngoài quốc doanh cao.

Trong khi đó, các quốc gia láng giềng của Nga cũng đã bắt đầu cảm nhận rõ tác động của "hoàn lưu bão tiền tệ" từ Nga. Belarus tuyên bố sẽ không phá giá đồng nội tệ theo tỷ giá đồng ruble Nga đồng thời tạm ngừng giao dịch với Nga bằng đồng ruble, chuyển sang thanh toán bằng các ngoại tệ mạnh.

Một số nước SNG khác có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga cũng bắt đầu dừng tiếp nhận đồng nội tệ Nga. Tuy nhiên, xét về góc độ kinh tế thì việc áp dụng đồng tiền thứ ba trong giao dịch thương mại giữa Nga và Belarus là không cần thiết, bởi sự mất giá một đồng nội tệ so với đồng còn lại sẽ buộc người cung cấp hàng hóa phải có biện pháp điều chỉnh như tăng giá.

Việc áp dụng mệnh lệnh chuyển sang giao dịch bằng đồng USD là một sai lầm vì chống lại những nỗ lực thành lập một khu vực tự do thương mại rộng lớn trên nền tảng liên minh hải quan, nơi không có sự hiện diện của đồng USD.

Báo chí Mỹ và phương Tây nhận định sự sụp đổ đang được cảnh báo của đồng ruble và chính sách không thân thiện với Nga của phương Tây hiện nay báo hiệu nguy cơ suy thoái mạnh của nền kinh tế Nga. Và một trong những vũ khí mà Mỹ và phương Tây đang sử dụng để đạt được mục đích đó là "chiến tranh tiền tệ" nhằm gây sức ép buộc Moscow khuất phục và từ bỏ sự ủng hộ dành cho các nhà nước ly khai ở miền Đông Ukraine.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật