Đề tài do thạc sỹ Phan Phương Loan, giảng viên khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Trường Đại học An Giang) làm chủ nhiệm.
Đề tài đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi vỗ, kích thích sinh sản nhân tạo và ương giống cá rô biển, nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản cá, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục cá rô biển trong giai đoạn đặt trong ao đất, nghiên cứu kích thích sinh sản nhân tạo và ương cá rô biển từ cá bột lên cá giống.
Kết quả nghiên cứu đã đưa ra quy trình sinh sản giống nhân tạo cá rô biển trong điều kiện tại An Giang, đạt các thông số kỹ thuật là tỷ lệ thành thục cá bố mẹ trong nuôi vỗ từ 50% trở lên; tỷ lệ cá rụng trứng 60-80%; tỷ lệ thụ tinh 50-60%; tỷ lệ nở 60-80%; tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống là 20-30%; kích cỡ cá giống đạt 3-5cm.
Đề tài đã chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất con giống nhân tạo cá rô biển, bàn giao 20.000 con cá rô biển giống nhân tạo, 50kg cá bố mẹ cho Trung tâm Giống thủy sản An Giang tiếp tục sản xuất cung cấp giống cho người nuôi.
Nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo cá rô biển sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng hóa giống loài thủy sản nước ngọt cho tỉnh An Giang cũng như Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là loài cá bản địa có chất lượng thịt trắng, béo, thơm ngon, dinh dưỡng, không thể thiếu trong bữa ăn của người dân Nam Bộ.
Cá rô biển đang dần vắng bóng tại các chợ trong vài năm trở lại đây, hiện người dân tiêu dùng cá rô biển từ biển Hồ (Campuchia) theo dòng nước lũ vào địa phận tỉnh An Giang nhưng rất hiếm.
Cá rô biển còn là loài cá có giá trị kinh tế cao, sống được trong điều kiện nước ngọt hay nước lợ nên thích nghi với biến đổi khí hậu. Giá bán cá tại các chợ hiện rất cao từ 120.000-150.000 đồng/kg
An Giang sản xuất thành công giống cá rô biển nước ngọt
Sau 2 năm triển khai (2012-2014), tỉnh An Giang đã nghiên cứu thành công và nghiệm thu đề tài “Sản xuất giống cá rô biển” nhằm tạo con giống nhân tạo để phát triển nghề nuôi và bảo tồn nguồn cá nước ngọt bản địa đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt.