Cô giáo 30 năm gắn bó với xã đảo Cù Lao Chàm

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cách đất liền khoảng 20 km đường biển, đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) là điểm đến yêu thích của du khách bởi vẻ hoang sơ. Nhưng với những người dân đảo, đặc biệt là cô giáo, nơi này thật sự khó khăn.
Cô giáo 30 năm gắn bó với xã đảo Cù Lao Chàm
Cô giáo Mai Thị Trái đang dạy các em. Ảnh: Kim Thái.

Ở xã Tân Hiệp, Bãi Hương là thôn xa nhất. Phải mất gần một tiếng vượt qua gần 6 cây số đường núi xuống cấp, khách mới tới được thôn này. Điểm trường Tiểu học - Mẫu giáo của thôn nằm bên một lối đi nhỏ, chỉ có 3 lớp tiểu học và một lớp mầm non. Tiếng cười nói, hát ca của học trò dù đã tạo nên chút ồn ào nhưng vẫn không đủ khỏa lấp không gian tĩnh lặng và tiếng sóng biển vỗ.

Cô Mai Thị Trái, giáo viên điểm trường thôn Bãi Hương chia sẻ, giao thương cách biệt nên phần lớn gia đình trẻ ở đây mang con đi làm ăn xa. Toàn thôn hiện chỉ có trên 20 em học tiểu học và mầm non. Lớp 1 ghép với lớp 2, lớp 3 ghép với lớp 4, nhưng cũng chỉ vỏn vẹn mỗi lớp 5-8 học sinh. Phòng học thiếu ánh sáng. Sân chơi, dụng cụ thể dục, thiết bị, tranh ảnh phụ trợ hầu như không có gì.

Thương học sinh, cô Trái nhiều lần định xin đồ chơi mang về trường, nhưng việc vận chuyển và cất giữ không dễ dàng. Vậy là sau mỗi giờ học, cô trở thành bạn cùng chơi của học sinh. "Học sinh ở đây thiệt thòi, thiếu thốn đủ thứ. Sáng tôi dạy học, chiều lại tổ chức cho các em chơi. Các em rất thích, không muốn về nhà nữa, cứ năn nỉ ’Chơi nữa đi cô, chơi nữa đi cô’, thấy mà thương", cô Trái tâm sự.

Sinh ra và lớn lên ở đảo Cù Lao Chàm, cô Trái đã 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, trong đó gần 25 năm dạy học tại thôn Bãi Hương. Cô đảm nhận hầu hết công việc của điểm trường, từ chào cờ, sinh hoạt, đố vui dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp đến dạy tất cả môn chương trình lớp 5 (mà đúng ra phải có giáo viên khác). Những khi mưa bão, không có giáo viên nam hoặc bảo vệ, cô Trái đã cùng phụ huynh chèn chống, thu dọn trường lớp.

Ngày thường, cư dân xóm chài đánh bắt hải sản đến khuya. Cô lại đến từng nhà, kiểm tra, nhắc nhở việc học hành của học sinh. Khi phát hiện các em học yếu, cô tự nguyện phụ đạo. Gần gũi với học trò như con mình, cô Trái đã trở thành “nha sĩ" bất đắc dĩ. Chuyện nhỏ như học trò thay răng sữa phụ huynh cũng chạy đến nhờ cô nhổ giúp.

Bà con vì thế rất quý mến cô Trái. Được con cá, con cua hoặc mớ rau, họ đều sẻ chia cùng cô làm thức ăn, giảm bớt sự thiếu thốn khi chỉ mua hàng khô hoặc thực phẩm đất liền đưa ra. "Cô Trái gắn bó với đảo, nuôi dạy mấy cháu được lắm. Bà con đối xử với cô như người thân trong nhà”, bà Phạm Thị Thôi vui vẻ nói.

Được bà con, học trò thương quý, nhưng cô Trái vẫn khó vơi bớt nỗi niềm riêng. Những năm đầu, nhà cô ở Bãi Hương. Khi con lớn vào tiểu học, vợ chồng cô gửi vào đất liền với gia đình bên nội. Xa con không đành, chồng cô trở về quê cũ Cẩm An, thay vợ nuôi con. Giao thông cách trở, nhiều năm nay, cô Trái chỉ đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết và hè. Nhớ thương chồng con nhưng đành chịu, bởi muốn về, cô phải đi bộ hoặc thuê xe thồ, băng qua 6 km đường núi đang xuống cấp nghiêm trọng từ bãi Hương đến trung tâm xã rồi mới vượt biển vào đất liền.

Mưa bão, thời gian eo hẹp, không thể bỏ lớp nên cô Trái không thể về thăm gia đình. Bao nhiêu năm qua, bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ cũng theo đó mà ít vẹn toàn. Những khi con ốm đau, không được mẹ chăm sóc, nhận được thư của chồng (bây giờ tiện hơn là nghe điện thoại), lòng cô héo hắt.

“Mùa đông, Cửa Đại là nơi rất khó khăn, tàu ra vô, tháng hoặc hơn một tháng mình không về được. Có khi nhà cúng giỗ cũng nhờ các cô hàng xóm đi chợ giùm. Còn vợ chồng chỉ gần nhau vào dịp Tết với hè. Con thì thằng nhỏ giờ nó cũng vô đất liền học. Muốn vô đi họp cho con mà không được. Không biết tình hình con học như thế nào”, cô giáo Mai Thị Trái cười buồn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật