Người dân miền đông Ukraine mòn mỏi chờ cứu trợ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc giao tranh ác liệt tại miền đông Ukraine đã thiêu rụi ngôi nhà mà bà Raisa Maloukhova gắn bó suốt 45 năm qua khiến bà phải sống trong một túp lều tạm dựng bên trong gian bếp cũ.
Người dân miền đông Ukraine mòn mỏi chờ cứu trợ
Bà Raisa Maloukhova (75 tuổi) đứng cạnh ngôi nhà bị bom đạn tàn phá tại làng Marynivka, miền đông Ukraine, khu vực giáp biên giới Nga.

Trận đấu pháo hồi trung tuần tháng Bảy giữa quân đội chính phủ Ukraien và phe ly khai miền đông đã tàn phá toàn bộ ngôi nhà của bà Maloukhov (75 tuổi), một nông nhân nay đã nghỉ hưu. "Mọi thứ có giá trị đối với tôi đều nằm ở đây", bà Maloukhova vừa lau nước mắt vừa nói.

Hiện nay, bà Maloukhova đang phải sống một mình với vô vàn khó khăn vây quanh tại một ngôi làng thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. Mặc dù, các đoàn xe cứu trợ của Nga đã lần lượt đi qua nhiều khu vực và làng mạc tại Ukraine, song một số vùng hiện vẫn ở trong tình trạng hoang tàn đổ nát dù các cuộc chiến đã chấm dứt trong nhiều tháng qua. Dường như cả Kiev và Moscow vẫn chưa vội huy động công tác cứu trợ tới những khu vực này, buộc người dân sinh sống tại khu vực miền đông Ukraine phải tự tìm cách vật lộn với một mùa đông dài đầy băng giá.

Theo Wall Street Journal (WSJ),  người dân địa phương đã nhận được nguồn thực phẩm và một số mặt hàng cứu trợ khác nhưng chưa ai nhận được tiền hay sự hỗ trợ để xây dựng lại những ngôi nhà bị phá hủy trong chiến tranh như bà Maloukhova.

Ngoài ra, hiện nay, giới chức ly khai tại thành phố Donetsk đang dồn sự tập trung vào các dịch vụ cũng như phân phát thực phẩm cho lực lượng chiến đấu tại chiến trường. Do đó, chương trình tái thiết nhà ở cho người dân nhất là tại các ngôi làng xa xôi hẻo lánh, chỉ được xếp vào hạng ưu tiên thứ hai. Ngôi làng của bà Marynivka từng có 150 căn nhà nhưng 22 ngôi đã bị tàn phá hoàn toàn. Ngay cả trường học trong làng cũng đã bị thiêu rụi.

Trong khi đó, từ mùa hè năm nay, chính quyền Ukraine đã bắt đầu xây dựng lại các thị trấn mà họ giành lại từ tay phe ly khai. Tuy nhiên, Kiev lại không chi trả cho quá trình tái thiết cơ sở hạ tầng dân sinh tại những vùng thuộc sự kiểm soát của phe nổi dậy một phần là do họ không thể tiếp cận tới khu vực này và mặt khác là do họ không muốn làm chỗ dựa cho phe ly khai.

Đỉnh điểm của chính sách trên được Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố hôm 15/11 rằng chính quyền Kiev sẽ hủy toàn bộ các dịch vụ phúc lợi xã hội như lập quỹ xây dựng trường học và bệnh viện tại khu vực do quân ly khai kiểm soát.

Quân chính phủ Kiev dừng chân tại thành phố Illovaisk, miền đông Ukraine hồi tháng Tám.

Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin cho rằng "việc lập hàng rào kinh tế tại các vùng miền đông" là một sai lầm lớn. "Họ đang tự tay chia cắt các vùng lãnh thổ trên. Tại sao vậy?", WSJ dẫn lời Tổng thống Putin phát biểu trước khi rời khỏi hội nghị G20 tại Australia.

Trên thực tế, trong nhiều tháng qua, chính phủ Ukraine đã cắt tiền lương hưu và các khoản phúc lợi xã hội tại những khu vực mà phe ly khai kiểm soát, từng là nơi sinh sống của 4,5 triệu dân trước khi cuộc chiến miền đông bùng nổ. Do chính phủ Kiev lo ngại khoản tiền này sẽ được giành để "hỗ trợ trực tiếp cho những tên khủ‌ng b‌ố thân Nga".

Chính việc chính quyền Kiev cắt bỏ khoản lương hưu trị giá 100 USD/tháng đối với những người già sinh sống tại miền đông Ukraine như bà Maloukhova, đã đẩy họ vào một cuộc sống vô cùng khó khăn. Thậm chí, nhiều người dân địa phương không còn tiền để mua rau quả và phải sống trên chính đống đổ nát bị đạn pháo tàn phá. Tất cả họ chỉ còn một sự hy vọng duy nhất là từ chính phủ Nga.

Nga sẽ giúp Ukraine?

"Nước Nga sẽ giúp chúng tôi", Viktor Bykadorov, người đứng đầu ngôi làng Stepanivka, gần biên giới với Nga, chia sẻ.

Tuy nhiên, chính phủ Nga cho hay họ sẽ không chi trả cho khoản hỗ trợ này đồng thời cáo buộc chính quyền Ukraine chính là quân xâ‌m lượ‌c khi phát động một cuộc chiến tàn phá chống lại chính công dân nước mình.

"Ukraine nên tự lo vấn đề của mình và chính phủ Ukraine hãy coi những khu vực này là một phần trên lãnh thổ quốc gia", Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu hồi tháng Chín.

Các đoàn xe cứu trợ của Nga đã tiến vào nhiều khu vực giao tranh tại miền đông Ukraine để hỗ trợ người dân khắc phục cuộc sống khó khăn.

Thực tế, Moscow đang phải chi một khoảng tài chính lớn vào Crimea sau quyết định sáp nhập bán đảo này vào Liên bang Nga hồi tháng Ba. Cùng lúc đó, giá dầu mỏ hạ và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã tạo sức ép lớn tới nền kinh tế Nga, khiến nguồn thu của chính phủ nước này sụt giảm mạnh.

Theo ông Bykadorov, 96 tòa nhà trên tổng số 450 ngôi tại làng Stepanivka đã bị đạn pháo "thổi tung khỏi mặt đất" hoặc bị thiêu rụi hoàn toàn. Trong khi, những ngôi nhà còn lại cũng đã bị thiệt hại không nhỏ. Ngoài ra, 11 người dân làng Stepanivka đã thiệt mạng bao gồm 1 bé trai. Những hố đạn lỗ chỗ còn xuất hiện trên sân nhà ông Bykadorov.

Giờ đây, ngôi làng này không khác gì khung cảnh sau ngày tận thế với hàng đoàn xe tăng đỗ ngay trên các bãi cỏ nhà dân. Hết mái nhà này tới mái nhà khác bị phá nát. Dưới đất là các mảnh cửa kính vỡ tan tành. Hơn 1/3 người dân trong ngôi làng từng là nơi sinh sống của 1.100 người, đã đi sơ tán và không trở lại mảnh đất quê hương.

"Tôi đã dành cả đời làm việc tại đây", giáo viên thanh nhạc Vadim Dmitrov (42 tuổi) nói khi chỉ tay về phía căn phòng từng là lớp dạy nhưng giờ đã bị thiêu cháy dưới bom đạn chiến tranh.

"Đây từng là những chiếc đàn accordion và một chiếc đàn piano của tôi nhưng chúng đều đã bị thiêu cháy. Học sinh hỏi tôi rằng liệu thầy có còn dạy nhạc? Tôi trả lời rằng làm sao chúng ta có thể học nhạc khi không có nhạc cụ?".

Anh Dmitrov cùng với gia đình đã tới làng Stepanivka và tìm công việc làm thầy giáo. Nhưng trong vài ngày gần đây, anh đã quay trở lại thị trấn để sửa chữa lại phần mái của ngôi nhà mình vốn bị bom đạn phá hủy mất một nửa trước thời điểm mùa đông tới.

Giống như nhiều người dân địa phương, anh Dmitrov cũng cáo buộc chính quyền Kiev phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại trên. "Họ tới để bảo vệ chúng tôi nhưng chúng tôi không cần sự cứu giúp như thế này", thầy giáo Dmitrov chia sẻ.

Tâm lý chung

"Chúng tôi đều coi mình là công dân Ukraine nhưng chính Ukraine lại phụ bạc chúng tôi", ông Bykadorov nói khi đang đứng trong một phòng tập thể dục trong trường học, nơi người dân địa phương đang tập trung thu thập những chiếc kính hiển vi, bảng đen, bóng chuyền, sách vở và mọi thứ còn lại trong đống đổ nát. Họ cũng đang sử dụng chính nguồn tài chính và sức lực của mình để biến một ngôi nhà kế bên thành trường học tạm.

Không chỉ mất nhà cửa, nhiều người dân còn mất cả kế sinh nhai. Gia đình ông Nikolai Kalinka vừa mới chỉ ngồi xuống ghế chuẩn bị ăn sáng thì pháo đạn từ đâu bay tới đã trúng nhà ông. May mắn, toàn bộ các thành viên trong gia đình đã kịp sơ tán xuống căn hầm phía ngoài tòa nhà và không ai bị thương. Tuy nhiên, toàn bộ trang trại và gia súc của ông Kalinka đã bị thiêu cháy trong vụ tấn công này.

Cuộc chiến tại miền đông Ukraine biến vùng đất này trở thành đống hoang tàn.

Giờ đây, ông Kalinka (55 tuổi) đang phải sống cùng vợ, con gái, con rể và cháu gái (4 tuổi) trong căn bếp cũ của gia đình, khu vực không bị phá hủy trong vụ nã pháo.

Mất kế sinh nhau, ông Kalinka chi sẻ ông không thể tưởng tượng bằng cách nào có thể kiếm thêm 50.000 hryvnia (3.200 USD) để xây lại căn nhà nhỏ của mình trên mảnh đất là cụ ông để lại. Trước đây, cụ của ông Kalinka từng phục vụ trong đội tàu chiến nổi tiếng của Nga, Potemkin.

"Vùng đất này từng rất tươi đẹp", ông Kalinka nói trong nước mắt khi nhìn căn nhà kính mà ông từng trồng dưa chuột, đã bị phá hủy.

Ông Kalinka cho rằng đây không phải là cuộc chiến giữa người dân Ukraine với nhau mà "đây là cuộc chiến giữa các chính trị gia".

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Wall Street Journal (WSJ) là một nhật báo có ảnh hưởng lớn trên thế giới, xuất bản tại Thành phố New York, tiểu bang New York , Mỹ với lượng phát hành rất lớn trên toàn thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật