Cổng tre

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lão Phố đồng niên với tôi. Năm mười bảy tuổi một đêm bộ đội đi B hành quân qua làng, chàng thanh niên Đặng Lê Phố bỗng nhiên mất tích. Cả làng đều một nhận định: Phố đi theo bộ đội.
Cổng tre
Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Nhân chứng là nhiều người nhìn thấy Phố rất năng nổ pha nước muối nóng cho các anh bộ đội nghỉ ngâm chân. Vật chứng là tờ giấy Phố để lại: "Bố mẹ yên tâm, con đi, con khắc về". Nhưng không phải. Hai tháng sau Phố về, chẳng có tý tỵ gì phong thái bộ đội cả. Phố kể:

Đứng trước ngôi nhà bên cạnh bụi chuối um tùm và tán cây trứng cá xum xuê, xập xệ như cái điếm canh đê, tôi đánh tiếng:

- Ông Phố có nhà k..h…ô…n…g?

- Có đây, có đây. Chào ông trưởng thôn, mời ông vào nhà.

Tôi giật mình quay lại. Lão Phố từ phía sau, bước tới đẩy cánh cổng tre.

Tôi  theo lão vào nhà…

Hôm qua Chủ tịch xã đưa cho tôi một tệp giấy viết tay: "Đây là đơn người làng ông kiện". Tôi đón lấy mở ra. Anh ta khua tay: "Không phải đọc đâu. Tất cả số đơn ấy chỉ thắc mắc một việc. Nhà ông Phố được xét là hộ nghèo. Hộ nghèo, sao vừa rồi lại có tiền đi xuyên Việt? Ông về kiểm tra nếu đúng thế, báo để chúng tôi cắt". Tôi giật mình. Quả thật là vợ chồng lão Phố mới đi miền Nam về: "Việc ấy thì cả làng đều biết. Nhưng đi xuyên Việt thì liên quan gì đến việc xét hộ nghèo?". Tôi thắc mắc. Chủ tịch xã gõ gõ ngón tay xuống bàn: "Hộ nghèo xét căn cứ thu nhập. Người ta phải có tiền mới rửng mỡ đi như thế chứ? Việc này ông phải rút kinh nghiệm khi bình xét. Ông đọc báo chưa: có lão ăn mày mà sở hữu tới 25 cây vàng đấy".

Lão Phố đồng niên với tôi. Năm mười bảy tuổi một đêm bộ đội đi B hành quân qua làng, chàng thanh niên Đặng Lê Phố bỗng nhiên mất tích. Cả làng đều một nhận định: Phố đi theo bộ đội. Nhân chứng là nhiều người nhìn thấy Phố rất năng nổ pha nước muối nóng cho các anh bộ đội nghỉ ngâm chân. Vật chứng là tờ giấy Phố để lại: "Bố mẹ yên tâm, con đi, con khắc về". Nhưng không phải. Hai tháng sau Phố về, chẳng có tý tỵ gì phong thái bộ đội cả. Phố kể:

Tối ấy đun nước muối ngâm chân cho anh bộ đội có tên là Tấn. Anh Tấn nhìn Phố rồi hỏi: "Chú em bao tuổi rồi?". Phố trả lời: "Dạ, em mười bảy". "Thế thì chuẩn bị lên đường, vào Nam chiến đấu như bọn anh được rồi". "Khó lắm anh ạ" - Phố e dè. Tấn ngạc nhiên: "Sao, trông to khỏe thế này cơ mà?". Phố đỏ mặt: "Đã ba lần đi khám em đều bị loại. Họ bảo em bị sa đì". Tấn cười khà khà: "Có phải cứ chạy nhảy nhiều là dá‌ּi chảy xuống tận đùi chứ gì?". Phố gật. Tấn lại bảo: "Thế thì bị loại là đúng rồi. bệnh ấy hành quân như chúng tớ là tắc thở luôn". Nghe nói thế gương mặt Phố xịu xuống như cọng dưa héo. Thấy vậy Tấn vỗ vai: "Nhưng quyết tâm chữa thì cũng không khó lắm đâu? Ở gần nhà tớ có ông lang cao tay lắm. Cậu nên đến thử xem". "Thế anh cho em xin địa chỉ đi". Phố mừng ra mặt. Tấn liền rút bút ghi ngay địa chỉ nhà mình và nhà ông lang vào cái vỏ bao thu‌ốc l‌á Trường Sơn, ấn vào tay Phố rồi dặn: "Hôm nào đi cậu cầm hộ cái áo này đưa cho mẹ tớ nhé. Đi B chẳng đứa nào được qua nhà. Còn không đi, tớ biếu mẹ cậu cái áo này, vì nghe nói trong Nam nóng không cần đến nó". Phố đón cái áo sợi có hàng cúc như áo sơ mi, hồi ấy gọi là áo Bà Định mà không biết nói sao. Ngay trong đêm khi tiễn Tấn trở lại đội hình hành quân, Phố cũng hối hả lần theo địa chỉ ghi trên vỏ bao thu‌ốc l‌á đến nhà Tấn. Chiếc áo như giấy giới thiệu. Phố được gia đình Tấn đối xử hết sức tử tế, tạo mọi điều kiện cho anh đến nhà thầy lang chữa bệnh. Hai tháng sau Phố khỏi bệnh sa đì. Tháng tám năm ấy có đợt tuyển quân Phố nhập ngũ.

Phố đi được khoảng ba tháng, nghe nói đang trên đường vượt Trường Sơn, thì có cô gái tên là Chinh vác cái bụng lùm lùm đến nhà. Chinh đưa ra một lá thư đề tên người gửi là Đặng Lê Phố. Trong thư có đoạn: "Nếu con của chúng mình sinh ra là trai thì tên nó là Trường Sơn, nếu là gái thì tên nó là Như Hoa". Ông Pha bố của Phố nghi nghi, hoặc hoặc, không mấy tin cái bụng kia lại là tác phẩm của thằng con mười bảy tuổi, liền mang quyển vở học sinh của Phố ra so. Không lẫn vào đâu được, cả họ đều xác nhận chữ trong thư đúng là của Phố. Thế là không cưới mà Phố có vợ. Chinh chính là em gái của Tấn, người thường đưa đón Phố sang thầy Lang chữa bệnh hôm nào.

Năm bảy hai có người xã bên từ chiến trường về, nói rằng gặp Phố đã là d bậc trưởng. Mấy bác trong làng am hiểu quân đội phiên ra. Thế thì tay Phố ít nhất cũng đeo hàm đại úy. Năm bảy nhăm giải phóng, những người làng ra trận còn sống lần lượt trở về, chỉ có Phố cứ hẹn hết hạ, sang đông mà không thấy về. Ông Pha lý giải: "Nó bây giờ là cán bộ trung đoàn, thiếu tá, đại tá rồi, đâu dễ bỏ hàng ngàn quân mà về phép được". Năm bảy sáu khi đứa con gái "ăn cơm trước kẻng" vừa tròn mười tuổi thì Phố về. Một lần nữa dân làng lại trật khấc.

Hôm ấy buổi sáng sấm cứ ầm ì, trời sầm sập muốn mưa mà không mưa được, sang chiều những bọng nước trên trời như đứt dây dội xuống cơ man là nước. Phố về ướt rượt, không có khung xe đạp, búp bê... như phần lớn những người lính trở về từ miềm Nam. Ngoài tư trang, Phố mang về toàn cau. Cả nhà mừng ngợp thở. Chinh hỏi: "Nhà mỗi mẹ ăn trầu, anh mang cau về làm gì lắm thế?". Phố bảo: "Em quên rồi à, chúng mình đã cưới đâu". Ông Pha bấm đốt ngón tay: "Tháng sau mới có ngày đẹp. Anh về có được lâu không mà tính việc cưới bù?". "Con phục viên hẳn rồi bố ạ". Phố đáp. Có tiếng lao xao: "Cấp tá mà người ta cũng cho phục viên à?". "Tướng, tá gì? Trầy trật mãi, năm ngoái thủ trưởng mới nhớ đến phong cho hàm trung sỹ để động viên" - Phố tưng tửng. Mọi người nhìn nhau cười mỉm.

Đám cưới Phố được tổ chức đúng ngày ông Pha tính. Như nắng hạn gặp mưa rào, Chinh cứ sòn sòn, sáu năm đẻ thêm bốn cô con gái nữa. Tưởng ngũ nữ sẽ có ngày bất bần, ai ngờ, lũ con của Phố cứ mười tám tuổi bắt đầu làm giúp được bố mẹ là lần lượt lên xe hoa. Cuối cùng chỉ còn lại vợ chồng Phố, suốt ngày quần quật trên ba sào ruộng, hai sào vườn, để nuôi thân và nuôi cô con gái thứ ba đang học dở lớp 12 thì bị tâm thần phân liệt. Nợ cưới con chị chưa trả xong đã phải vay tiếp để cưới con em, nợ chồng lên nợ, đeo đẳng đến tận bây giờ lên ông bà ngoại rồi mà chưa trả hết.

*

Nhà Phố không có gì thay đổi.

Lần trước tôi đến vợ chồng lão và cô con gái đều ở nhà. Cái Mừng reo lên: "A, đây rồi. Đang định sang gặp, thì cán bộ đến". "Có việc gì đấy cháu?" - Tôi nhỏ nhẹ. Mừng chạy vào buồng cầm ra mảnh giấy: "Trong này là danh sách những thằng đàn ông chuyên nhìn trộm khi cháu tắm ao. Đề nghị cán bộ giáo dục". Lão Phố vội đứng lên giật mảnh giấy xé vụn: "Con điên này, xéo đi chỗ khác". Mừng bị bố quát, len lén bước ra sân nhưng vẫn nói với: "Bác phải giải quyết rồi trả lời cho công dân, đúng theo quy định của Pháp Luật, nếu không cháu sẽ viết đơn gửi lên cấp cao hơn". Tôi bật cười. Lão Phố ngậm ngùi. Hôm nay nó thuần đấy, hôm nọ nó lên cơn ném cái ca men vào tôi làm gẫy sáu cái răng, ông nhìn này. Lão đưa tay vạch môi lên. Tôi không dám nhìn vào gương mặt móm mém, gầy guộc, đen đúa của Phố, bâng quơ: "Thế ông đã đi viện kiểm tra chưa?". "Làm gì phải nhiêu khê đến thế, già rồi, con Mừng không làm gẫy thì vài năm nữa nó cũng rụng".

Phố kéo ghế mời tôi ngồi. Với cái ca: "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâ‌m lượ‌c", trên mặt bàn bỏ lá vối vào, chiết nước sôi, lão bảo: "Khổ, nhà có cái cốc, cái chén nào con Mừng lên cơn đập hết". Tôi nhìn quanh, trong nhà Phố chẳng có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế ba đai đã lên màu đen bóng, bỗng thấy chạnh lòng, ân hận. Nếu không có việc chuyển quà của Phó Chủ tịch huyện đến cho Phố, chắc còn lâu tôi mới biết gia cảnh ngôi nhà còn cái cổng tre duy nhất của làng này.

Nguyên do lão Phố được tặng quà hết sức tình cờ. Thực hiện dự án mở rộng con đường liên huyện, thôn có 36 hộ liên quan, 35 hộ đã thực hiện xong việc đền bù, giải tỏa, về nơi tái định cư. Chỉ còn hộ nhà Lực là kiên quyết không chịu di dời, làm đơn kiến nghị gửi vượt cấp lên tận Trung ương. Đã nhiều lần các ban, ngành đến vận động thuyết phục nhưng lão cứ trơ ra. Huyện muốn ra quyết định cưỡng chế nhưng còn đắn đo vì lão Lực là thương binh. Lần lữa tháng này chuyển sang tháng khác, cho đến lúc con đường gần như xong, chỉ còn đoạn qua nhà Lực, nhà thầu đành bỏ lại. Không kiên trì được nữa, huyện quyết định cưỡng chế. Hôm ấy từ sớm tinh sương máy xúc, máy ủi, Công an, Dân phòng và các ban ngành đã tập trung đầy đủ, vì tò mò bà con cũng xúm đen, xúm đỏ. Phố lách đám đông đến giật tay tôi: "Không còn cách nào hay sao mà phải đao to búa lớn thế?". Câu hỏi của lão vô tình đến tai Phó Chủ tịch huyện đứng cạnh, bà quay sang vẻ khó chịu: "Thế ông có cách nào hay hơn không?". Phố nhìn Phó Chủ tịch huyện cười khỉnh. Tôi vội ghé tai nói nhỏ: "Phó Chủ tịch huyện đấy". Lão vẫn thản nhiên như không: "Các ông, các bà để tôi thử xem". Nói xong Phố săm săm bước tới, leo qua cánh cổng sắt nhà Lực đang khóa bằng cái xích sắt to như ngón chân cái. Bà Phó Chủ tịch bảo tôi: "Bác phải theo để đảm bảo an toàn cho ông ấy". Không mấy tin Phố có thể thuyết phục được đối tượng, nhưng bà vẫn giơ tay ra hiệu cho lực lượng cưỡng chế tạm thời dừng triển khai. Mười phút, rồi mười lăm phút trôi qua. Hai mươi phút sau mọi người ngỡ ngàng thấy Lực ra mở cổng. Gương mặt tái ngắt, lão đến bên bà Phó Chủ tịch huyện, nhũn nhặn: "Thôi, tôi chấp nhận tất cả, đề nghị huyện cho xin năm ngày để di dời nhà cửa". Bà Phó Chủ tịch huyện hớn hở, vẫy cậu nhân viên văn phòng lại gần: "Cậu lấy giấy bút lập biên bản ngay cho tôi".

Thế là cuộc ra quân cưỡng chế chưa thực hiện đã thành công, Phó Chủ tịch huyện vui mừng bắt tay Phố. Đổi cách xưng hô: "Cảm ơn bác. Chắc bác là thủ trưởng cũ của ông Lực?". Phố lắc đầu: "Không, tôi chỉ là bạn đồng ngũ thôi". Bà Phó Chủ tịch huyện ngỡ ngàng, quay sang nói với thuộc cấp: "Việc này các đồng chí phải rút kinh nghiệm. Nhiều lúc ta quan liêu cứ nặng về ban, ngành, mà quên phải xét từng đối tượng cụ thể để đề ra cách giải quyết. Hôm nay các đồng chí thấy đấy. Mất cả năm trời vận động thuyết phục mà không xong, vậy mà một người bạn đồng ngũ tình cờ đến to nhỏ lại đầu xuôi đuôi lọt".

Tôi đưa tay giấu nụ cười. Thực tế đâu có đơn giản như bà Phó Chủ tịch huyện nói. Tôi đã chứng kiến tất cả. Lúc Phố bước vào, Lực lăm lăm con dao trong tay, hỏi: "Mày đến vận động tao à?". Phố tự động kéo ghế ngồi: "Ừ". Lực ném gói thu‌ốc là‌o xuống bàn: "Việc này đếch liên quan gì đến mày". "Đúng, việc này không liên quan đến tao, nhưng con đường thì lại liên quan đến tao". Phố chậm rãi. Lực đứng phắt lên, vung con dao thách thức. "Thế thì mày định làm gì nào?". "Nghe nói mày đã nhiều lần tuyên bố với chính quyền, trước kia đã đổ máu để bảo vệ Tổ quốc, bây giờ mày quyết đổ máu để bảo vệ đất đai của tổ tiên?". "Đúng, tao thề thế đấy". "Thế mày có thề trước tao không?". Lực cười nửa miệng: "Mày là cái thằng hủ hóa, tao sợ cái đếch gì?". Bị xúc phạm Phố đứng bật dậy chỉ mặt Lực: "Được, nếu mày cứ khăng khăng thề thốt như thế, tao sẽ công bố cho mọi người rõ, ngày xưa mày đổ máu bảo vệ Tổ quốc thế nào. Tao chưa quên, cái bàn tay trái cụt ngón của mày là do một lần tự ý ra suối đánh cá bằng thuốc nổ thủ được của quân khí, bất cẩn để cái kíp nổ trên tay. Hơn bốn mươi năm trước, lúc tao đi B vì vết thương ấy mày bị kỷ luật đuổi khỏi quân đội, hơn bốn mươi năm sau cũng vết thương ấy mày lại là một thương binh. Mày cao giọng cống hiến hy sinh trước cả cái thằng đã sơ cứu, rồi cõng mày về bệnh xá trung đoàn ư?". Lời nói của Phố bất ngờ như gáo nước lạnh giội lên người, Lực tái mặt, như con thú bị dồn vào ngõ cụt, lão chồm tới vung dao chém thẳng vào người Phố. Rất nhanh Phố giật cái ghế gỗ đưa lên đỡ. Từ ngoài tôi vội đạp cửa xông vào ôm chặt lấy Lực. Lực bỗng chốc như bị rút hết sinh khí, lão nhận ra hoàn cảnh của mình, cất giọng run run: "Lại có cả thằng này ở đây à? Chúng mày định làm thế thật sao?". Phố bước đến gỡ con dao đang găm vào thành ghế: "Đúng, nếu mày vẫn một mực thề thốt". Không gian bỗng nhiên chùng xuống, tĩnh lặng, chú cánh cam đậu trên song cửa sổ đập cánh xè xè. Nhận thấy Lực đã vào thế cùng, tôi buông tay ra. Phố nhỏ nhẹ: "Hãy bình tĩnh, nếu không mày mất cả chì lẫn chài". "Thế bây giờ mày bảo tao phải làm gì?" - Lực héo rũ. Phố nói gằn từng tiếng: "Hãy làm như 35 hộ đã làm".

*

- Quà của bà Phó Chủ tịch huyện dạo trước ông mang cho tôi đấy. Phải giấu không để con Mừng nhìn thấy - Phố đặt xuống bàn bộ cốc chén vừa lấy trong chiếc hòm đựng thóc ra.

Nằng chiều xiên xiên chiếu qua hàng hiên, nơi chú mèo mun đang nằm đưa đôi chân lên vuốt vuốt những sợi râu, mùi hoa nhài thoang thoảng. Đặt chén nước vào tay tôi -Lão Phố hỏi:

- Ông đến nhà chắc có việc?

Tôi không suy tính gì nói ngay:

- Tôi đến xem nhà cửa ông sửa chữa đến đâu rồi?

Lão Phố lúng túng, như đứa trẻ mắc lỗi thành thật:

- Số tiền ấy tôi tiêu hết rồi ông ạ.

- Tiền nhà nước hỗ trợ sửa nhà, mà ông không sửa nhà lại dùng vào việc khác, người ta sẽ bắt phải trả lại đấy. Chắc ông đã chi cho chuyến đi du lịch xuyên Việt vừa rồi? - Tôi róng riết.

Lão Phố lặng im tránh ánh mắt tôi, lơ đãng nhìn ra cửa. Tôi đinh ninh phỏng đoán của mình là đúng, nói tuột móng heo:

- Đơn của dân Trại Bến đang xếp cả đống trên bàn ủy ban, thắc mắc tại sao lại xét hộ nghèo cho nhà ông đấy. Đợt này chắc xã phải cắt thôi.

- Thế à? - Lão Phố giật mình - Thật tình, đúng là tôi thiếu sót, thôi cắt hay để là tùy các ông, riêng số tiền trợ giúp sửa nhà nếu phải bồi hoàn, xin các ông thư thư cho tôi một thời gian.

Điện thoại di động rung, tôi vội chạy ra ngoài hiên. Điện của chủ tịch xã. Từ đầu bên kia anh ta hỏi:

- Đã kiểm tra nhà ông Phố chưa?

- Tôi đang ở nhà ông ấy đây.

- Có đúng như đơn của dân Trại Bến viết không?

- Đúng là ông Phố có đi xuyên Việt, và ông ấy nói đã sử dụng hết số tiền trợ cấp cho hộ nghèo sửa nhà rồi - Tôi đáp xác nhận.

- Thế thì rõ rồi. Ông thông báo luôn là năm nay gia đình ông ấy không còn trong diện hộ nghèo nữa nhé - Chủ tịch xã nói dứt khoát.

*

Như thường lệ hôm nào tôi cũng được ông bưu tá đến đưa cho một tờ báo tỉnh, trưởng thôn được cấp miễn phí. Hôm nay ngoài tờ báo, tôi còn nhận được một phong bì in offset rất trang trọng. Con gái tôi mở ra, reo lên:

- Bố có giấy mời dự lễ cắt băng khánh thành cầu treo bản Muối này.

Ngạc nhiên, không tin lời nó nói, tôi giật tờ giấy xem lại. Đúng là giấy mời tôi thật. Sao lại có cái giấy mời lạ hoắc này nhỉ, tôi ngỡ ngàng:

- Bản Muối ở đâu?

- Bản Muối thuộc xã Lũng Bắc, huyện An Hà, hôm nào tivi đưa tin có ba đứa học trò đu cáp qua suối bị rơi chết đuối ấy, bố quên rồi à?

Nghe con nhắc lại, bấy giờ tôi mới nhớ ra cách đây khoảng hai, ba tháng trong chương trình thời sự của VTV, có đưa lên hình ảnh con suối lũ về đầy vập nước, đục ngầu, cuồn cuộn sủi bọt, nhưng phương tiện để người và hàng hóa vượt qua lại chỉ là sợi cáp được gá lắp một cách đơn sơ, mỏng manh như sợi tơ nhện, cao lưng chừng trời. Chắc người ta khánh thành cầu treo qua con suối ấy. Tại sao tôi lại được mời? Tại sao cái thôn nghèo xơ xác, kêu gọi quyên góp cả mấy tháng trời mới làm được cái cầu treo, lại còn bầy vẽ ra lễ cắt băng khánh thành?

Tôi điện hỏi các trưởng thôn bạn. Trại Ngoài, chị trưởng thôn bảo: "Chẳng thấy mắm, muối nào mời cả". Trại Trong thằng cha Huấn cười khà khà: "Tôi không có giấy mời, ông đi tôi xin làm xế cho, biết đâu lại kiếm được túi quà". Trại Giữa lão Hòa lại nghĩ tôi đùa, cáu: "Ông điên đấy à?". Cả buổi tối, tưởng cô con gái vẫn cắm đầu vào cái laptop, ai ngờ nó nghe hết các cuộc gọi của tôi. Đến chỗ đặt chồng báo, nó lấy cái giấy mời đặt vào tay bố:

- Làm gì pa pa phải điện khắp thế. Trong này có số điện thoại, bố điện hỏi, khắc ra mọi vấn đề.

Thế mà tôi không nghĩ ra, đúng là hậu sinh khả úy. Ngay lập tức tôi bấm dẫy số ghi trong giấy mời. Có giọng đàn ông từ đầu bên kia thưa máy, tôi hỏi luôn:

- Tôi là trưởng thôn Trại Bến. Xin cho hỏi: xã An Bằng có tới chín thôn, tại sao chỉ có tôi được mời dự lễ cắt băng khánh thành cầu treo bản Muối hả anh?

Người đàn ông từ tốn đáp:

- Thưa anh, nói là cắt băng khánh thành cho oai, chứ thực ra chúng tôi chỉ tổ chức một buổi họp mặt trong phạm vi hẹp, để cảm ơn những đơn vị, cá nhân đã quyên góp ủng hộ bản, hoàn thành việc xây dựng cầu treo thôi ạ.

Tôi giật mình áy náy, cái bản Muối xa lắc xa lơ, thậm chí tôi đã quên luôn sau buổi thời sự của VTV, thì làm gì có đóng góp ủng hộ nào cơ chứ? Chắc họ đã nhầm?

- Trại Bến đã đóng góp ủng hộ bản Muối thế nào hả anh? - Tôi thăm dò.

Có tiếng loạt soạt như mở vở:

- Thế anh chưa biết à? Ngày 25 tháng ba, cán bộ và nhân dân thôn Trại Bến xã Bằng An ủng hộ bốn mươi triệu đồng.

Tôi sững sờ. Thế là rõ rồi, nhất định phải có ai đó ủng hộ bản Muối, chứ người ta lại ghi khống sao? Quyết tìm ra sự thật, tôi điện cho Bí thư chi bộ kể đầu đuôi sự tình. Ông Bí thư chi bộ cười:

- Tôi giữ mỗi nghị quyết lấy tiền đâu mà ủng hộ. Ông hỏi lại xem tên người gửi, hoặc tên người mang tiền đến bản Muối là ai?

Nhìn đồng hồ. Chiều đã muộn hơi áy náy, nhưng vẫn không kìm nén được sự tò mò muốn biết ngay sự thật, tôi lại bấm điện thoại. Vẫn giọng người đàn ông vừa xong thưa máy. Tôi hỏi:

- Xin anh thông cảm cho biết tên người đại diện trao tiền cho bản Muối được không ạ?

Người đó đáp ngay:

- Đó là anh Phan Đình Vinh, bộ đội biên phòng, đóng quân gần Lũng Bắc anh ạ.

Thì ra là cậu Vinh - cháu ruột ông Bí thư, tôi điện luôn thông báo cho ông. Ông ngạc nhiên:

- Thằng Vinh á? Nó thì làm gì có tiền. Tháng trước thay ngói bếp, vợ nó còn phải sang vay nhà tôi cơ mà.

- Anh có số điện thoại, điện hỏi cụ thể nó xem?

- Ừ, đợi nhé.

Thời gian như ngừng trôi, tôi hồi hộp chờ đợi, săm săm cầm chiếc điện thoại trên tay. Không lâu ông Bí thư chi bộ đã gọi lại, giọng ngập ngừng, xúc động:

- Tôi vừa điện cho thằng Vinh. Không phải tiền của nó ông ạ. Nó kể: Hôm về tranh thủ, ông Phố đưa cho nó bốn mươi triệu đồng, dặn phải đưa đến tận tay người dân bản Muối, và ghi nguyên văn: "Cán bộ và dân làng Trại Bến xã An Bằng ủng hộ bản Muối, để làm cầu treo cho các cháu học sinh đến trường".

Nói đến đó, ông Bí thư tắt máy. Tôi ngồi thừ ra sững sờ. Số tiền ấy đúng bằng số tiền trợ cấp cho hộ lão Phố sửa nhà.

Nguyễn Thái Sơn

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật