Thực hiện lộ trình Tăng lương tối thiểu: “Vẫn phải tăng lương dù ít hay nhiều”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo lộ trình tăng lương tối thiểu, năm 2015 sẽ phải điều chỉnh lương cho những đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Thực hiện lộ trình Tăng lương tối thiểu: “Vẫn phải tăng lương dù ít hay nhiều”
TS. Nguyễn Thị Lan Hương

Tuy nhiên, do cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 hết sức khó khăn, việc cải cách tiền lương có thể sẽ phải chậm lại so với lộ trình. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Lan Hương (ảnh), viện trưởng viện Khoa học Lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Thưa bà, dư luận hiện nay đang rất băn khoăn vì ngân sách khó có thể bố trí được nguồn cho điều chỉnh tăng lương trong năm 2015 theo lộ trình?

Việc trì hoãn tăng lương tôi nghĩ không còn mới, bởi từ vài năm trở lại đây, với tình hình phát triển kinh tế của đất nước, ngân sách Nhà nước khó có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Từ năm 2012, câu chuyện không bố trí được ngân sách để tăng lương đã được đưa ra thảo luận. Những năm trước cũng vậy và năm nay cũng không có gì thay đổi.

Về lý, bắt buộc phải tăng lương cho những đối tượng như: Người về hưu, người hưởng chính sách xã hội, cán bộ, công chức bởi mức lương của họ đang quá thấp, khó có thể đảm bảo được cuộc sống. Còn với người lao động làm trong khu vực DN, xét trên quyền lợi của DN thì tôi nghĩ không nên tăng nhiều bởi hiện nay kinh tế vẫn chưa thoát đáy. DN cũng khó có thể bố trí được nguồn lương tăng thêm cho người lao động. Nếu có thì cũng sẽ rất khó khăn, sẽ tạo gánh nặng cho DN về các khoản bảo hiểm. Nặng nề hơn có thể cản trở sự phát triển của DN.

Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đồng ý bỏ phiếu tăng lương tối thiểu cho đối tượng lao động làm việc trong khu vực DN với phương án thấp. Cụ thể, vùng 1 từ 2,7 triệu đồng tăng lên 3,1 triệu đồng; vùng 2 từ 2,4 triệu đồng tăng lên 2,75 triệu đồng; vùng 3 từ 2,1 triệu tăng lên 2,42 triệu đồng; vùng 4 từ 1,9 triệu đồng tăng lên 2,2 triệu đồng. Theo tôi, với mức tăng từ 300.000 - 400.000 đồng như vậy, tăng lương hay không tăng lương cũng không có ý nghĩa nhiều với người lao động thuộc đối tượng này.

Lương không tăng từ năm 2013, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người hưởng lương từ ngân sách. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

 

Phải trả lời được câu hỏi đâu là nguồn để tăng lương chứ không phải tăng lương bao nhiêu.

Theo tôi, điều chỉnh tăng lương phải xem lại động lực để phát triển kinh tế, từ đó có phương án nên tăng ở chỗ nào, vào thời điểm nào, và tăng như thế nào là hợp lý. Và khi đã thấy cần, thấy hợp lý rồi thì phải cân đối nguồn để thực hiện.

Với phần đông người lao động hiện nay, mức thu nhập tối thiểu đã cao hơn mức lương tối thiểu. Mặc dù mức lương hiện hành của họ vẫn thấp nhưng tăng lương tối thiểu không phải giải pháp hiệu quả. Giải pháp này chỉ có tác động tới những người có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tuy nhiên, đứng về mặt đời sống, xét trên quan điểm của người lao động, thì vẫn phải tăng lương dù ít hay nhiều. Nhiều DN cũng đồng ý với việc điều chỉnh tăng lương cho người lao động với phương án thấp, đủ để bù lại việc lạm phát và chi phí sinh hoạt leo thang theo thời gian. Trước mắt dù chưa thể đảm bảo được mức sống tối thiểu cho tất cả người lao động, nhưng tăng lương dù ít hay nhiều cũng là để khích lệ tinh thần và hỗ trợ một phần nào đó cho cuộc sống của họ.

Theo bà, trong điều kiện không thể tăng lương cho tất cả người lao động thì có thể cân nhắc để tăng cho những đối tượng  nào?

Mục tiêu của lương tối thiểu là chống nghèo đói, chống bần cùng, bảo đảm mức sống tối thiểu. Đối tượng nào không đảm bảo mức sống tối thiểu, có mức lương quá thấp thì đối tượng ấy cần được ưu tiên. Đó là người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, những người ngoài thu nhập từ ngân sách họ không có một khoản thu ngoài nào khác. Cần phải trợ giúp họ, nếu không với tình hình giá tiêu dùng tăng cao, họ khó có thể đảm bảo được mức sống tối thiểu. Nhất là các cụ nghỉ hưu đã lâu có mức lương rất thấp và chế độ hưởng phụ cấp ở một số ngành đặc thù. Nếu xét mức độ ưu tiên thì phải quan tâm đến đối tượng này.

Ngoài ra, để tăng cường chế độ trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền, đối với cán bộ, công chức có thể không tăng lương nhưng phải tính đến phụ cấp công vụ trực tiếp cho một số đối tượng dựa trên thực tiễn.

Để giải bài toán tăng lương, theo bà Nhà nước cần có những tính toán như thế nào để vừa bảo đảm được nguồn thu của ngân sách Nhà nước lại vừa đáp ứng được nhu cầu của người lao động?

Nếu không có giải pháp cụ thể thì việc tăng lương sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, liên tục rơi vào cảnh bế tắc như hiện nay. Phải có những bài toán đột phá về cơ chế. Để đảm bảo nguồn thu nếu tăng lương, Nhà nước có thể cân đối trên cơ sở xác định rõ khu vực nào cần bao cấp, khu vực nào cần tạo cơ chế cho họ tự hạch toán chi tiêu. Theo đó, muốn tăng lương, trước hết phải cải cách bộ máy Nhà nước, giảm biên chế để phân định rõ khu vực công chức Nhà nước. Còn khu vực đơn vị sự nghiệp công thì nhanh chóng chuyển sang hình thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo tôi, với công chức, Nhà nước nên trả lương cao hơn. Còn với viên chức làm việc ở những nơi như trường học, bệnh viện thì nên có cơ chế thông thoáng để họ tự chủ thu, chi, nhằm giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Còn đối với các chế độ ngoài lương phục vụ hoạt động công vụ (tiền điện thoại, phụ cấp phục vụ, chế độ xe ô tô đưa đón công tác) không đưa vào mức tiền lương cơ bản mà tiếp tục hoàn thiện các định mức và cơ chế khoán để sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm được kinh phí quản lý hành chính. Đồng thời, nếu không thể điều chỉnh tăng lương đồng loạt cho tất cả người lao động thì buộc phải tách riêng các đối tượng tăng lương. Không thể kéo theo cả “đoàn” để rồi làm ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Nếu có cơ chế tốt thì ta mới có thể sử dụng tốt đồng tiền.

Việc đổi mới tư duy để giải bài toán tăng lương đóng vai trò rất quan trọng. Phải trả lời được câu hỏi đâu là nguồn để tăng lương chứ không phải tăng lương bao nhiêu. Nếu Nhà nước cứ làm như hiện hành, phụ thuộc hoàn toàn vào các khoản thu ngân sách thì giá trị tăng sẽ không được bao nhiêu mà còn gây thêm gánh nặng. Không giải được bài toán nguồn thì lương của người lao động sẽ mãi “giẫm chân tại chỗ” như hiện nay.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật