Quốc hội lo ngại nợ công tăng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 29/10, trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình và Báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án.
Quốc hội lo ngại nợ công tăng
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại nợ công tăng

Đặc biệt là tính cấp thiết của dự án, phương án thu xếp vốn đầu tư, tác động đến tình hình nợ công…

Sẽ huy động cả nguồn vốn tư nhân

Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình bày trước Quốc hội cho biết, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn dự án là 18,7 tỷ USD, gồm: vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư –PPP… Đặc biệt, với vốn doanh nghiệp, báo cáo cho biết có những công trình sẽ được chuyển giao cho thành phần tư nhân đầu tư, phát triển và khai thác (hình thức BOT).

Trong trường hợp đầu tư dự án với quy mô lớn thì hình thức thực hiện đầu tư theo nhóm dự án và gói thầu là hình thức phù hợp nhất. Vốn đầu tư cho dự án sẽ gắn với các dự án đầu tư các hạng mục cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Về giải pháp huy động vốn, đối với vốn ODA, nguồn vốn này được huy động từ sự hỗ trợ tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế, như: Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, hoặc từ chính phủ các nước như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc thông qua các cơ quan thực hiện ODA như JICA,…

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ liên quan xúc tiến vận động nguồn vốn ODA cho dự án. Với các hạng mục sử dụng nguồn vốn PPP, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 631/QĐ-TTg vào tháng 4/2014 về việc ban hành danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, trong đó có dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nội dung thông tin chi tiết của dự án làm cơ sở pháp lý để các nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào dự án.

Lo ngại nợ công tăng

Thẩm tra Tờ trình và Báo cáo đầu tư của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội cho rằng, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn, khoảng 18,7 tỷ USD. Trong khi đó, về phương án huy động vốn, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi.

Hơn nữa, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 (khoảng 7,8 tỷ USD) là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Ngoài ra, các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư cảng hàng không này.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, Báo cáo của Chính phủ cho biết, việc xây sân bay Long Thành với công suất khi hoàn thành toàn dự án khoảng 100 triệu lượt khách/năm và 5,0 triệu tấn hàng hóa/năm không chỉ giúp hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam mà còn góp phần tác động tích cực đến sự phát triển của nhiều ngành liên quan, như: dịch vụ, du lịch, thương mại và công nghiệp, trong đó đặc biệt là công nghiệp hàng không. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải, nhất là trong bối cảnh mở rộng Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40 - 50 triệu hành khách vào khoảng năm 2025 -2030 là không khả thi.

Tuy nhiên, UBKT đánh giá, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được vì thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ…

UBKT cũng cho rằng, trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, đề nghị làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng cảng hàng không quốc tế trung chuyển Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài;…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật