Khủng hoảng gia đình khi con vào lớp 1

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỗi ngày mẹ nó luôn cảm thấy những ánh mắt, những lời nói bóng bẩy, vòng vo “mang hình viên đạn” nhắm vào mình - một người mẹ vô trách nhiệm.
Khủng hoảng gia đình khi con vào lớp 1
Phải làm gì để bé luôn vui vẻ và thích đến trường? (ảnh minh họa)

Cuộc chiến gia đình

Thằng bé còn đang học mẫu giáo nhỡ thì bà nội đã ráo: “Cho nó đi học chữ không sau này thua kém bạn bè rồi học kém, rồi trốn học, chơi bời lêu lổng giao du với bạn xấu rồi hư hỏng, hỏng cả đời”.

Mẹ nó dứt khoát không cho đi học, nói rằng cho nó hưởng thêm được tháng ngày sung sướng chút nào hay chút đó, rằng chữ không quan trọng bằng sự tự tin và phương pháp tư duy của bản thân. Bố nó thấy mẹ nó cũng có lí, nhưng bà nội nói nhiều, nhắc đi nhắc lại, đay nghiến ngày này qua ngày khác nên bố thấy bà cũng… không sai. Chỉ có mỗi mẹ là khăng khăng giữ quan điểm. Thành ra mẹ nó bị bà nội và bố quy tội: Nếu con mà học không ra gì là lỗi của mẹ tất. Mỗi ngày mẹ luôn cảm thấy những ánh mắt “mang hình viên đạn” nhắm vào mình, mọi chuyện trong gia đình kiểu gì cũng xa xôi, vòng vo, bóng bẩy rồi cũng trở về cái đích là: Một người mẹ không quan tâm đến con cái (!)

Lên mẫu giáo lớn, cô phản ánh con không thích học, không tập trung, cầm bút cũng sai cách. Bà và bố lại có thêm tội để kể bởi nhiều đứa trẻ khác đã biết đọc biết viết. Năm nay mẫu giáo lớn qui định không dạy trước chương trình bởi vậy mẹ nó vẫn không cho nó đi học thêm. Bị nói rát quá, cũng có lúc mẹ nó nao núng đi mua tập sách vở dành cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 để về tự dạy cho nó (tự dạy chứ nhất quyết không cho đi học thêm, cho đi học thêm là… thua à). Nó mở đúng giữa quyển sách tập làm toán ra ngồi làm say sưa theo cách của nó. Mẹ bảo, con giỏi quá, tuy nhiên đây là phép trừ chứ không phải phép cộng. Nó thản nhiên sổ thêm nét dọc, sửa đề bài từ trừ sang cộng. Mẹ thích cái tư duy của nó. Thế là mẹ lại cất hết sách đi, quyết định cho nó tiếp tục được vui chơi và cầm bút vẽ bất cứ thứ gì. Nó còn cả một cuộc đời phía trước để bù đầu mà học mà nhồi sọ, sao phải vội.

Hết năm học mẫu giáo, nó được mẹ xin cho ở lại trường để chơi nốt mấy tháng hè và để làm “vệ sĩ” cho đứa em gái 3 tuổi mà không đếm xỉa gì đến nỗi lo lắng, xót xa thấu tâm can của bà nội cho tương lai của đứa cháu trai duy nhất. Trong một lần có giỗ, trước mặt họ hàng khắp nơi về tề tựu đông đủ, bà nội chỉ mặt mẹ nó mắng té tát rằng: “Loại mẹ gì mà bỏ con, vô trách nhiệm!”. Mẹ nó giận run người, nước mắt vòng quanh. Giữ tuổi thơ đẹp cho con khó thế sao?

Những chiến binh lớp 1

Đồng nghiệp của mẹ nó từng kể chuyện con gái của họ từng òa khóc thảm thiết vì không muốn đi học lớp 1. Có lẽ bởi cô bé bị ép học trước quá nhiều nên sợ học. Mẹ nó tự hứa sẽ cho con một khởi đầu đẹp cho cả một hành trình 12 năm phía trước. Mẹ nó, dù có lúc lung lay nhưng vẫn tin vào sự lựa chọn của mình.

Nó vào lớp 1. Những buổi đầu đến trường, mẹ nó tất tả xin gặp cô, mẹ nó xin lỗi cô vì con mình có xuất phát điểm kém, chậm chạm hơn các bạn, sẽ khiến cô mất công mất sức và có thể ảnh hưởng đến thành tích cả lớp.

Chỉ sau 2 ngày đi học, con đã cầm bút chuẩn, lại được cô khen vì viết đẹp, nét chữ mềm mại chứ không nhấn lõm vở như các bạn. Cô bảo đó là bởi vì mẹ tuy không bắt nó tập viết nhưng lại khuyến khích nó cầm bút vẽ thỏa thích. Mẹ hạnh phúc khi thấy nó thích đi học ra mặt, biết lo lắng cuống quýt vì sợ muộn giờ học, biết giục mẹ ra ngồi cạnh để kèm nó học…

Bà nội vẫn còn nhiều lo lắng lắm. Bây giờ bà hay phàn nàn, yêu cầu mẹ phải đến lớp phản ánh với cô về việc nó bị ngồi cuối lớp, bị các bạn trêu chọc, bị đánh, bị mất đồ dùng học tập. Rồi lại thấy bố nó cũng yêu cầu như thế, giọng điệu như thế. Mẹ nó lại thoáng buồn…/.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật