Uốn nắn chứng háo danh của con

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dường như con người ai cũng có tính sĩ diện, háo danh. Ở mức độ vừa phải thì điều đó có lợi, nó thể hiện ý thức về “cái tôi“ trong quá trình trưởng thành đã được nâng cao.
Uốn nắn chứng háo danh của con
Ảnh minh họa

Mong muốn thể hiện một mặt tốt đẹp nào đó của mình để được người khác thừa nhận. Do đó, cha mẹ cần thấu hiểu và thông cảm với biểu hiện này của con. Tuy nhiên, cần lưu ý, tính háo danh có thể có hại cho bản thân.

Do cách giáo dục của cha mẹ

Bé Ngân (Q.Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) - 12 tuổi, đi học về hí hửng khoe với mẹ: “Ngày mai lớp con tổ chức liên hoan, mỗi bạn đều được mời ba hoặc mẹ đến dự. Mẹ đi với con nhé!”. Con bé còn nói thêm: “Mẹ phải trang điểm đẹp vào và mẹ phải mặc quần áo thật sang trọng, để con được tự tin trước các bạn”. Chị Nga, mẹ bé Ngân ngạc nhiên hỏi: “Sao lại phải mặc quần áo thật sang trọng vậy con?”. Ngân nhanh nhảu: “Mẹ ăn mặc xuềnh xoàng, mọi người cho mình là nhà nghèo thì sao? Con đã từng nói với các bạn là nhà mình rất giàu”.

Tính háo danh thực ra là một hiện tượng hết sức phổ biến ở nhiều trẻ em. Những đứa trẻ gia đình khá giả, ba mẹ có ô tô đưa đón sẽ cảm thấy mình “oai phong” hơn người khác, vô tình nảy sinh tâm lý kiêu ngạo. Ngược lại, những đứa trẻ đến trường bằng xe đạp hay được đưa đón bằng xe máy sẽ có cảm giác mặc cảm, tự ti nên nảy sinh tâm lý so bì. Do đó, các gia đình không có điều kiện càng phải quan tâm đến con cái, chú ý từng hành vi, lời nói của con. Cần cho trẻ hiểu rằng, nhiều tiền, giàu có chưa hẳn đã là cao quý và nghèo khó không có nghĩa là hèn hạ.

Nhiều phụ huynh hay so sánh con mình với bạn bè, đòi hỏi con phải giống bạn, thậm chí phải hơn bạn thì mới hả lòng, hả dạ. Cũng vì sợ con thua bạn kém bè, họ tìm mọi cách để con mình được bằng hoặc nổi trội hơn, lâu dần trẻ bị lây nhiễm cách sống đó, hễ thấy bạn có gì mới, có gì đẹp là muốn có cho bằng được. Suy cho cùng, nếu sống trong môi trường gia đình mà cha mẹ luôn chạy theo "thành tích" như thế, trẻ sẽ nảy sinh tính háo danh là điều tất yếu. Và, do khả năng kiểm soát bản thân còn hạn chế, lối suy nghĩ lại khá đơn giản, tính háo danh sẽ khiến trẻ ích kỷ, chỉ biết coi trọng vật chất, dễ bị rơi vào cám dỗ cuộc đời.

Uốn nắn trẻ bằng phương pháp “mưa dầm thấm sâu”

Trước hết, khi con mắc chứng háo danh, cha mẹ hãy xem lại bản thân mình có mắc chứng này không. Nếu có, hãy nhanh chóng khắc phục để làm gương cho con. Đồng thời, trang bị cho con thái độ sống đúng đắn, tích cực, biết yêu thương, suy nghĩ và sống vì người khác, thông qua những việc làm cụ thể, hình thành ở con lối sống giản dị, tiết kiệm, có lòng tự trọng và yêu lao động.

Công việc làm ăn đổ vỡ, vợ chồng chị Thu (Q.Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) lần lượt bị thất nghiệp. Gia đình chị Thu chỉ có một con trai, Hữu - 11 tuổi, nên dù cuộc sống khá khó khăn, vợ chồng chị chưa bao giờ để con thiếu thốn, thiệt thòi. Vì thế, Hữu không thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ. Không có công ăn việc làm, chị Thu buộc phải ra chợ bán từng bó rau, chạy ăn từng bữa cho gia đình. Anh Hà - chồng chị Thu xin làm công nhân vệ sinh đường phố. Khi biết chuyện, Hữu đã kịch liệt phản đối. Cậu bé cho rằng: “Nếu cha đi làm công nhân vệ sinh thì con mất mặt lắm, các bạn con mà biết được thì sẽ chê cười con, con sẽ không đi học nữa đâu”.

Chị Thu không ngờ con trai lại phản ứng gay gắt thế. Sợ con trai bỏ học, anh Hà đành ngậm ngùi chấp nhận yêu cầu của con. Cuộc sống quá khó khăn, thỉnh thoảng anh lại giấu con đi chạy xe ôm. Anh chị nghĩ cách giúp con loại bỏ tính háo danh của mình. Chị Thu đã kể cho con những bài học về giá trị sống bằng những câu chuyện thực tế, cho con tham gia các hoạt động xã hội, giao công việc cho con đảm trách.

Không ngờ những điều tỉ tê theo phương pháp “mưa dầm thấm sâu” đó của vợ chồng chị Thu đã dần thay đổi được suy nghĩ cũng như thái độ của con trai.

Những người quá háo danh thường có biểu hiện là không thể nhận thấy những thiếu sót của bản thân, thường đem cái được của mình đi so sánh với cái chưa được của người khác và thấy thỏ‌a mã‌n với điều đó, khiến cho các mối quan hệ xã giao thường căng thẳng, không được tốt đẹp. Ngay cả trẻ em, những yếu tố bất lợi đó khiến chúng dễ bị bạn bè tẩy chay và đến khi trưởng thành, hậu quả của việc quá chuộng hư vinh mới hiện rõ. Vì vậy, cha mẹ phải luôn để ý tới mọi cử chỉ, hành vi, lời nói của con, nếu thấy chúng có biểu hiện của tính háo danh thì lập tức uốn nắn bằng những biện pháp thích hợp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật