Không đưa được người nghiện nào đi cai nghiện tập trung
Tại hội nghị do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 20/8 bàn biện pháp phòng chống ma túy, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh phòng chống tội phạm về ma túy thì quản lý tốt người nghiện ma túy cũng hết sức quan trọng. Bởi có trên 80% người nghiện không có công ăn việc làm, trộm cắp từ trong nhà ra xã hội, tiến tới buôn bán, lôi kéo người khác nghiện ngập và trở thành tội phạm ma túy.
Hội nghị bàn biện pháp phòng chống ma túy do Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 20/8 (Ảnh: HC)
Thế nhưng trong khi tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, gia tăng và ngày càng trẻ hóa, độ tuổi thanh thiếu niên chiếm 93% (tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái) thì hiện Trung tâm 05 – 06 chỉ còn 97 người đang cai nghiện tập trung, giảm hơn 300 người so với quy mô tiếp nhận cũng như so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, từ khi ban hành Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định liên quan thì Đà Nẵng không đưa được một người nghiện nào đi cai nghiện tập trung. 77 đối tượng mà Công an đưa vào Trung tâm 05 – 06 trong 8 tháng qua đều là các trường hợp cũ chuyển tiếp, phát hiện lập hồ sơ từ năm 2013, không có trường hợp nào mới ngoại trừ 1 trường hợp gần như đã trở thành tội phạm phải đưa vào trường giáo dưỡng.
”Vì thế, con số thống kê Đà Nẵng hiện có 1.888 người nghiện, tăng 248 người so với cuối năm 2013 không phản ảnh được hết thực trạng. Thực tế chúng ta đi trên các đường phố, ở trong các khu dân cư, các kiệt hẻm thì thấy nhiều hơn thế nữa. Và các đối tượng nghiện chúng ta không đưa được vào Trung tâm 05 – 06 mà ở ngoài cộng đồng thì đang từng ngày từng giờ gieo rắc hiểm họa cho những người khác, dẫn đến tội phạm về ma túy tăng theo cấp số nhân!” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Đức Thơ, Luật xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định liên quan do không hiểu hết tình trạng người nghiện thực tế ở các địa phương nên đưa ra một loạt quy định không phù hợp thực tiễn. Và đặc biệt là không có hướng dẫn thực hiện. Cho nên các ngành, các cấp có muốn cũng không đưa được người nghiên vào trung tâm cai nghiện, rất lúng túng. Và không chỉ Đà Nẵng mà cả nước đều đang rất vướng!
Đà Nẵng sẽ “vượt rào” như thế nào?
Trước tình hình đó, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, mấy tháng qua UBND TP Đà Nẵng đã rất nỗ lực “vượt qua những rào cản của các văn bản liên quan của TƯ để xây dựng dự thảo Quy chế tạm thời về phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy”. Lúc đầu các sở, ngành liên quan không chịu tham gia vì sợ làm trái quy định. Khi “siết” vào thì cũng cãi vã, đối chọi. Phải qua 4 – 5 phiên họp, tới gần đây UBND TP Đà Nẵng mới cơ bản thông qua được dự thảo quy chế này.
Theo đó, hiện đã có quy trình xác định người nghiện heroin song Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về quy trình xác định người nghiện ma túy tổng hợp. Do vậy, Đà Nẵng sẽ làm theo cách, với những đối tượng đã có hồ sơ về sử dụng trái phép chất ma túy, nếu xét nghiệm dương tính với ma túy thì kết luận ngay là người nghiện. Với những người bị phát hiện lần đầu, nếu test dương tính với ma túy cũng cho cai nghiện ngay như cách làm cũ.
Về thời gian cai nghiện ở gia đình và cộng đồng, Đà Nẵng sẽ “gồng mình” đưa xuống từ 3 – 6 tháng thay vì 6 – 12 tháng theo quy định, bởi thực tế cho thấy 100% trường hợp giáo dục tại gia đình, cộng đồng không có kết quả. “Đây là bước lùi so với quy định của chương trình “5 không – 3 có” của Đà Nẵng. Trong 3 – 6 tháng đó chúng ta phải bó tay ngồi chờ, không làm được gì cả trong khi các đối tượng nghiện thảnh thơi ngoài xã hội, gieo rắc hiểm họa thêm cho những người khác” – ông Huỳnh Đức Thơ nói
Với người nghiện ma túy không có nơi cư trú, theo quy định hiện hành, phải đưa vào giáo dục, điều trị tại cơ sở y tế xã, phường. “Hoàn toàn đến giờ phút này không ai làm nổi và mãi mãi chẳng bao giờ làm được. Vì người nghiện ma túy rất manh động, hung dữ, làm sao mấy bà y tá ở các trạm y tế quản lý nổi?” – ông Huỳnh Đức Thơ bức xúc.
Do vậy, Đà Nẵng sẽ đưa các đối tượng này vào một cơ sở y tế tại thôn Lộc Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), do Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh... tại địa phương đứng ra hỗ trợ, giáo dục điều trị cắt cơn... theo đúng luật định. Sau khi lập hồ sơ đầy đủ sẽ tiếp tục đưa vào Trung tâm 05 – 05 để cai nghiện.
Bên cạnh đó, quy trình hiện hành đòi hỏi thời gian hoàn tất hồ sơ áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc lên tới 72 ngày là quá dài. Vì vậy Đà Nẵng sẽ lập các tổ thẩm định hồ sơ theo cơ chế “một cửa” do Chủ tịch quận, huyện phụ trách, có đầy đủ các ngành, tuân thủ đúng các bước hồ sơ. Khi có hồ sơ thì họp ngay trong 1 ngày hoàn chỉnh thủ tục thẩm định. Qua đó rút thời gian phối hợp lập hồ sơ còn 7 – 10 ngày là chuyển tòa án xử lý, đưa đi cai nghiện bắt buộc nhằm khép nhanh thời gian người nghiện tồn tại ngoài cộng đồng.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tuyên bố sẽ nhận trách nhiệm nếu sự "vượt rào" của Đà Nẵng bị TƯ "tuýt còi"! (Ảnh: HC)
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm!
Ông Huỳnh Đức Thơ cho hay: “Đáng lẽ đã ký ban hành quy chế rồi nhưng chúng tôi thấy rất áy náy, vì có nhiều ngành không phải là đối tượng do Ủy ban trực tiếp điều tiết (như ngành tòa án) nên phải chờ hội nghị này do Thường trực Thành ủy trực tiếp chỉ đạo. Mặc dù có những điểm còn điều này, điều nọ và đến giờ phút này vẫn còn có ý kiến chưa đồng thuận nhưng cuối cùng chúng ta cũng phải kết luận để thực thi”.
Rồi ông trấn an: “Chúng ta không sợ trái quy định, vì TƯ chưa hướng dẫn thì chúng ta tạm thời hướng dẫn. Khi TƯ có hướng dẫn thì chúng ta sẽ thực hiện theo hướng dẫn của TƯ. Chúng tôi cũng rất cẩn thận, trước khi ban hành cái này, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ báo cáo gửi lên các ban, ngành TƯ về những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống ma túy”.
Tại cuộc họp, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo: “Rõ ràng ma túy đang tăng mạnh nhưng cai nghiện lại giảm đáng kể là do vướng quy định Pháp Luật. Bây giờ TP đề xuất vận dụng quy định của Pháp Luật để ban hành quy chế tạm thời với mục đích đưa nhanh người nghiện ma túy vào cai nghiện. Tuy còn có ý kiến nói qua nói lại nhưng tôi đề nghị Ủy ban ký ban hành ngay sau cuộc họp này và tổ chức chức thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng cái gì mà cấp trên có ý kiến thì tôi sẽ thay mặt lãnh đạo TP nhận trách nhiệm và sẽ chỉ đạo điều chỉnh. Còn nếu cấp trên thấy đúng và hoan nghênh thì tiếp tục làm. ma túy là hiểm họa, là bất hạnh cho gia đình và xã hội. Chúng ta làm vì đại cuộc, vì những mục tiêu lớn hơn, vì một TP Đà Nẵng an bình, đáng sống, và vì duy trì chất lượng nòi giống!”.
Muốn giảm 1 phải tăng 18!
Chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Thọ nêu rõ nguyên tắc về đấu tranh phòng chống ma túy trên địa bàn trong thời gian tới là “muốn giảm thì phải tăng, 1 giảm, 18 tăng”. Theo đó, để đạt được “1 giảm” là giảm ma túy (bao gồm vận chuyển, sử dụng, tàng trữ...) thì phải có “18 tăng” một cách đồng bộ.
Gồm: tuyên truyền giáo dục; quản lý, phòng ngừa; kiểm tra, phát hiện; cai nghiện tập trung; sử dụng Methadone; quản lý sau cai; xét xử lưu động; mức án phạt tù; phối hợp liên ngành; trách nhiệm gia đình; đoàn thể vào cuộc; giải quyết việc làm; quản lý nhà trọ; nghiệp vụ công an; giám định y tế; đầu tư ngân sách; khen thưởng kịp thời; chỉ đạo thường xuyên.