Hàng Việt lên ngôi
Ngày 19/8, khảo sát một vòng chợ Đồng Xuân, chúng tôi thấy lượng sản phẩm "Made in Vietnam" phủ kín các quầy hàng vải sợi may mặc, đồ dùng gia đình, nông sản, hàng tươi sống… Cô Tùng, chủ quầy 114B3 chuyên đồ bò khẳng định, 90% hàng hóa tại quầy của cô là hàng Việt. "Chỉ năm ngoái thôi, ở chợ này vẫn còn đến 60-70% là hàng Trung Quốc, nhưng năm nay thì giảm hẳn sau hàng loạt thông tin hàng chứa chất gây ung thư, lại thêm việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông, lượng người mua hàng Trung Quốc giảm rõ rệt", cô Tùng cho biết.
Tại quầy quần áo 68A3, anh Tuấn, chủ quầy cho biết khoảng 60% hàng quần áo của quầy anh sản xuất trong nước. Hàng Việt giá rẻ hơn hàng Trung Quốc, mẫu mã lại thay đổi liên tục, hàng hỏng đổi trả dễ dàng nên cả chủ quầy lẫn người mua buôn cũng thích. "Chính tôi cũng không ngờ hàng Việt đánh bật hàng Trung Quốc ở chợ này nhanh đến thế. Nguyên nhân một phần do tâm lý người tiêu dùng, phần khác do cơ quan chức năng cũng rốt ráo, làm gắt nên khó đưa hàng từ Trung Quốc về", anh Tuấn giải thích.
Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Xuân xác nhận, trước đây chợ Đồng Xuân có tên gọi "Thủ phủ hàng Tàu", nhưng đến nay hàng Việt đã chiếm khoảng 70% lượng hàng hóa tại chợ. Thiếu những thương hiệu lớn
Tự hào vì hàng Việt đã "lên ngôi" ở chợ Đồng Xuân, nhưng ông Đỗ Xuân Thủy cũng lo ngại khi hầu hết lượng hàng Việt tại chợ đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ… do đây đều là hàng gia công của doanh nghiệp, các xưởng, cơ sở sản xuất nhỏ. Trong khi đó, hàng Việt có thương hiệu của các công ty lớn không vào được chợ, và dường như các công ty lớn cũng không mặn mà với thị phần này.
Tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp sản xuất hàng Việt với các tiểu thương chợ Đồng Xuân ngày 19/8, có thể thấy rõ sự thiếu mặn mà của các doanh nghiệp lớn khi chỉ có một thương hiệu lớn là Unilever tham dự. Trong khi đó, đa phần tiểu thương đều thể hiện mong muốn được nhập nguồn hàng có thương hiệu, nguồn gốc, có hóa đơn đỏ… như quy định.
"Tiểu thương chợ Đồng Xuân vẫn đang trăn trở đầu vào do chưa hợp tác được với doanh nghiệp Việt. Khi tiểu thương tự mày mò tìm kiếm nguồn hàng, nhiều khi phải gặp gỡ qua trung gian khiến hàng hóa bị đội giá". Ông Đỗ Xuân Thủy
Tổng giám đốc Công ty
Cổ phần Đồng Xuân
Theo cô Yến, đại diện cho nhóm tiểu thương kinh doanh hoa quả khô, tiểu thương ở chợ Đồng Xuân luôn phải tự mày mò, tìm kiếm nguồn hàng, chưa từng thấy doanh nghiệp lớn nào đến tiếp thị, quảng bá. Kể cả khi tiểu thương muốn tiếp cận với doanh nghiệp lớn cũng rất khó khăn. Cô Tâm, đại diện cho các tiểu thương kinh doanh ngành hàng giày da ví dụ, khi các tiểu thương có nhu cầu kinh doanh giày Thượng Đình, thì công ty yêu cầu mỗi đợt nhập hàng tối thiểu phải 300 đôi. "Quầy chúng tôi có 2m2, nhập về 300 đôi thì để ở đâu? Tại sao các doanh nghiệp lớn cứng nhắc trong việc bán hàng đến vậy?", cô Tâm bức xúc.
Anh Tuấn, chủ kiot quần áo 68A3 nêu vấn đề, chợ Đồng Xuân có 2.300 hộ kinh doanh, mỗi ngày hàng hóa luân chuyển qua đây tới vài chục tấn, nếu mỗi tiểu thương đặt một đơn hàng tuy lẻ tẻ, nhưng cộng lại cả chợ sẽ là đơn hàng cực lớn, sao các doanh nghiệp lớn lại cho rằng không đáng để xuất kho?
Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Xuyên (Cầu Giẽ, Hà Nội) chia sẻ, để giày da Phú Xuyên hiện diện ở chợ Đồng Xuân, các cơ sở giày sẵn sang đáp ứng những đơn hàng 5 - 10 đôi, liên tục thay đổi mẫu mã theo thị hiếu, xu hướng cập nhật. Ông Hoài Nam, đại diện nhãn hàng Unilever ở Việt Nam cho biết, Unilever đã phải xây dựng kế hoạch bán hàng rất linh hoạt cho các chợ truyền thống, sẵn sàng đáp ứng những đơn hàng nhỏ nhưng là đơn hàng đặt liên tục, bền lâu.