Theo ông Thành, điện tử được coi là ngành “bùng nổ” của Việt Nam, nơi Việt Nam sẽ thành cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới với nhiều mặt hàng điện tử. Bài toán ở đây là phải xem với 3 tập đoàn là Samsung, Intel, Canon này, sức lan tỏa với các DN Việt như thế nào. Cần đánh giá sự chuyển giao công nghệ, kỹ năng tạo dựng cho DN Việt Nam nằm trong chuỗi giá trị gia tăng này.
Đối với ngành dệt may, sự lớn lên của ngành dệt may Việt Nam là biểu tượng của sự cạnh tranh thị trường, ít sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước. Nhờ vào việc đảm bảo các hàng rào biện pháp phi thuế quan, nên năng lực cạnh tranh ngành dệt may tăng lên.
Chính hàng rào kỹ thuật trong một số trường hợp thúc đẩy cạnh tranh của ngành hàng này. Theo phân tích của vị chuyên gia này, nếu nhìn vào mạng cung ứng và chuỗi cung ứng một đằng thượng nguồn và một đằng là hạ nguồn, tức là đầu vào cho sản xuất dệt may. Nhưng Việt Nam không hoàn toàn có lợi thế ngành dệt nên chúng ta phải làm ngành dệt cho hiệu quả, không hiệu quả có thể NK. Ngoài việc nhìn vào thượng nguồn và hạ nguồn phải nhìn theo chuỗi giá trị, Việt Nam có lợi thế vô cùng lớn là thời trang, nội thất.
Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp rất cần được lưu tâm. Ông Thành cho hay, Chính phủ hiện nay đang nhìn nông nghiệp như một lợi thế vô cùng lớn, tiềm năng của Việt Nam. Lâu nay, lúa gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm cho một bộ phận lao động lớn của đất nước, tạo thu nhập cho người dân khu vực nông thôn và đóng góp một phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của quốc gia.
Tuy nhiên, theo báo cáo cấp quốc gia về tiềm năng XK mới nhất này, lúa gạo chỉ xếp vào nhóm ngành hàng có tiềm năng XK thấp. “Cách nhìn về nông nghiệp thay đổi, cái nhìn thấy an ninh lương thực thay đổi, cách sống thay đổi, sự phát triển của tầng lớp trung lưu của khu vực Đông Á cũng thay đổi. Trong tất cả những thay đổi ấy, lúa gạo vẫn là một điểm rất quan trọng, là khía cạnh mấu chốt trong chiến lược và vai trò của Việt Nam trong khu vực thế giới, chứ không phải vấn đề an ninh lương thực. Việt Nam phải là “nhà bếp”, kho thực phẩm của thế giới, mẫu hình của thế giới”, ông Thành khuyến cáo.