Từ khi còn nhỏ, tôi vẫn luôn suy nghĩ câu “Vừa làm cha vừa làm mẹ” mà tôi nghe mẹ và mấy dì thường nói. Tôi luôn suy nghĩ, vì bao giờ khi nói câu đó, mẹ, dì, kể cả bà ngoại luôn chép miệng thở dài và hay nói: tội nghiệp. Tôi cho rằng chắc vì người phụ nữ đó có chồng vắn số nên phải nuôi con một mình. Và thật ngây thơ, với tôi đó là lý do duy nhất mà tôi nghĩ ra.
Trong nhà tôi, ba là người quyết định mọi việc, rất nghiêm khắc và hơi gia trưởng. Mẹ thì ở nhà nội trợ nhưng không hoàn toàn lệ thuộc vào ba. Mẹ khá mạnh mẽ và độc lập về tài chính. Do đó, trong suy nghĩ của tôi, việc người phụ nữ nuôi con một mình sẽ là người mạnh mẽ như ba, độc lập như mẹ, các con sống nề nếp như nhà của mình, thì tại sao lại tội nghiệp? Ừ, thì chắc tội nghiệp là vì cô đơn không có chồng bên cạnh thôi.
Rồi tôi cũng lập gia đình và có con. Tôi cũng độc lập về tài chính, có việc làm và tất bật với công việc hơn tám tiếng mỗi ngày. Rời cơ quan về nhà, tôi cũng phải đưa đón con đi học, chợ búa cơm nước, giặt giũ, quét dọn. Chồng tôi, khá vô tâm nếu không muốn nói là vô trách nhiệm. Việc làm của anh không nuôi nổi vợ con. Anh chỉ thỉnh thoảng phụ tôi việc đưa đón con đi học (khi tôi bị bệnh), đôi khi quét dọn nhà cửa… Tuy vậy, chúng tôi vẫn là một gia đình có chồng có vợ, con tôi có cha có mẹ.
Thế rồi, đến khi con trai tôi mười bốn tuổi, anh bất ngờ nói ra một lời thú nhận. Và một đứa con ngoài giá thú xuất hiện khiến gia đình tôi tan vỡ. Một cậu con trai mười bốn tuổi, tuy đã đủ khôn lớn để viết ra giấy ý muốn sống với mẹ khi ba mẹ ly hôn nhưng vẫn chưa là người trưởng thành. Nó vẫn là trẻ vị thành niên và là một cậu con trai đang ở tuổi ương ương dở dở.
Tôi chuyển từ cảnh có chồng đàng hoàng thành người mẹ đơn thân, nuôi con một mình. Sự khác biệt lớn nhất là bây giờ nhà tôi không có đàn ông, tối ngủ một mình, đi làm về khá thoải mái vì không phải vội vàng gấp gáp lo cơm nước đúng giờ hay bực bội vì ông chồng tính tình bừa bãi. Tôi xoay sở nuôi con với đồng lương của mình như trước giờ vẫn thế, đưa đón con đi học cả lúc cảm mạo nhức đầu…
Cuộc sống, ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, lo ăn lo mặc, tôi còn phải nuôi dạy con ở tuổi cấp hai, cấp ba. Con tôi mỗi ngày mỗi lớn, tôi đối mặt từng ngày từng giờ với mỗi hành vi, lời nói, thậm chí cố gắng hiểu thật nhiều những gì con biểu hiện, cáu gắt, giận dỗi, đôi khi không nghe mẹ nói, lười học, ham chơi… Tôi không có nhiều thời gian để gặm nhắm nỗi đau bị phản bội vì bây giờ tôi phải vừa làm cha vừa làm mẹ.
Bây giờ, tôi không phải khó xử vì không thể dẫn con vô phòng vệ sinh nam như khi con còn nhỏ. Nhưng tôi phải tế nhị lắng nghe con khi con cần đi khám nam khoa. Tôi phải đau đầu suy nghĩ phải làm sao khi vô tình biết con đang tò mò chuּyện ngưּời lớּn, phải nói sao để con không xấu hổ và tập trung học.
Dù vừa làm cha vừa làm mẹ, nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ con cần một người cha đúng nghĩa (Ảnh minh họa)
Tôi dạy con tập đi xe gắn máy khi tôi dắt chiếc xe không nổi. Tôi chật vật chở con đi học, đi thi khi cậu con ngồi đằng sau đã cao to hơn cả mẹ. Tôi, khi thì dịu dàng mềm mỏng, lúc phải cứng rắn, khó khăn. Đôi lúc, mắng con mà nước mắt tôi chảy dài. Và bây giờ tôi đã hiểu người vừa làm cha vừa làm mẹ tội nghiệp thế nào!
Nói chung, nhà không có đàn ông, tôi cũng như nhiều phụ nữ đơn thân khác làm được rất nhiều việc. Ngay cả những việc phụ nữ không làm được như sửa ống nước, thay vỏ xe thì cứ chỉ cần bỏ tiền ra thuê thợ làm là xong. Nhưng, tôi lại không phải là con trai tôi để hiểu con nghĩ gì, muốn gì, khi con không có cha.
Cho nên, dù tôi đã rất cố gắng và tin mình đã làm tốt cả hai vai trò người cha người mẹ, nhưng trong tâm thức tôi vẫn nghĩ mọi đứa con được sinh ra trên cõi đời này đều cần có một người cha đúng nghĩa, để làm cây cao bóng cả cho tâm hồn và nhân cách của chúng.