“Dự luật đã tạo hành lang rất thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước có những đặc thù riêng về chủ sở hữu nên cần có những quy định riêng, đặc thù về cơ cấu tổ chức, quản lý, trách nhiệm, nhưng dự luật vẫn chưa tính toán hết đến vấn đề này, dẫn đến còn nhiều kẽ hở trong quản lý...” - đó là băn khoăn của khá nhiều đại biểu tại phiên thảo luận ngày 17.6 về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Khẩn trương ban hành danh mục ngành nghề cấm kinh doanh
Phát biểu góp ý vào dự thảo, hầu hết các đại biểu (ĐB) bày tỏ sự đồng tình rất cao đối với dự luật đã được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia và doanh nghiệp (DN) có quyền tự do kinh doanh (KD) các ngành nghề được Pháp Luật không cấm, không cần phải ghi vào đăng ký KD, chỉ phải ghi những nội dung ngành nghề KD nếu KD những ngành nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động, ý kiến các ĐB đề nghị Ban soạn thảo (BST) luật tổng hợp một danh mục những ngành nghề cấm KD hoặc KD có điều kiện để QH xem xét, cho ý kiến để ban hành cùng với luật, chứ không giao lại cho Chính phủ ban hành sẽ rất mất thời gian và thiếu tính đồng bộ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc tại phiên thảo luận ngày 17.6. Ảnh: Hoàng Phong
Với tư cách là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) bày tỏ sự hoan nghênh đề xuất có tính chất đột phá của BST trong việc bỏ ghi ngành nghề KD khi đăng ký DN. Theo ông Lộc, việc ghi ngành nghề KD vừa khiến cơ quan nhà nước lúng túng trong việc áp mã của ngành nghề, vừa khiến các DN cũng vất vả, hai bên cùng khổ. Tuy nhiên, ông Lộc đề nghị cần khẩn trương công bố công khai, rõ ràng danh mục ngành nghề cấm KD và danh mục các ngành nghề KD có điều kiện và phải được cập nhật thường xuyên để DN được biết.
Doanh nghiệp nhà nước cần cơ chế đặc thù
Đối với loại hình doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ĐB Nguyễn Anh Dũng (Bắc Giang) cho rằng, có những đặc thù riêng về chủ sở hữu nên cần có những quy định riêng đặc thù về cơ cấu tổ chức, quản lý, trách nhiệm..., theo ông: “Những nội dung này cần phải viết cụ thể và chi tiết hơn và đưa vào một chương trong Luật Đầu tư quản lý vốn nhà nước tại DN đang được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này. Trong dự thảo đó thiếu hẳn phần quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động, là một trong những yếu tố rất quan trọng để quản lý tốt vốn nhà nước tại DN”. ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cũng cho rằng, cần xem xét chương quy định về tập đoàn kinh tế, bởi có rất nhiều kẽ hở. Ông dẫn chứng: “Ví dụ, công ty mẹ ra lệnh cho công ty A là công ty con phát hành trái phiếu, ra lệnh cho công ty con là công ty B mua trái phiếu của công ty A thì hậu quả dẫn đến những tổn thất, tranh chấp về mặt tài chính, công ty mẹ không liên quan trực tiếp đến mặt vốn, không thể quy định công ty mẹ chịu trách nhiệm gì như trong dự thảo luật này”. Ông Ngoạn cũng cho rằng, đối với quy mô những tập đoàn tài chính lớn thì phải áp dụng những chuẩn mực an toàn cao hơn đối với những loại tài chính công ty, tài chính nhỏ. Do vậy, cần phải nghiên cứu lại những khái niệm về nhóm công ty và tập đoàn và định nghĩa cho rõ theo cách thức chỉ có một thực thể nhất định.
NLĐ phải được quan tâm đúng mức
Góp ý vào dự thảo, một số ĐB cũng cho rằng, cần quy định chặt chẽ nghĩa vụ của DN đối với NLĐ. ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) khẳng định, trong thực tế thời gian qua có nhiều DN không muốn hoặc cản trở việc thành lập các tổ chức chính trị - xã hội trong chính DN hoặc nhiều DN còn có hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của NLĐ, dưới các hình thức trừ lương khi đi vệ sinh, không đội mũ theo quy định để họ sử dụng triệt để thời gian của NLĐ, hoặc chủ DN dính keo 502 vào tay CN khi phát hiện sản phẩm bị lỗi, hoặc cho CN nghỉ việc khi mang thai. Ông Tuấn đưa dẫn chứng: “Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong năm 2011, có đến 11/26 địa phương (chiếm 42,3%) có xảy ra tình trạng người sử dụng LĐ có hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với NLĐ”. Ông Tuấn đề nghị, cần quy định cụ thể và bổ sung một số quy định mới nghĩa vụ của DN về việc thành lập các tổ chức chính trị - xã hội trong DN mới góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.
Dự thảo Luật Quốc tịch (sửa đổi): Không khéo hàng triệu kiều bào mất quốc tịch Việt NamTại phiên thảo luận Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi), chỉ có duy nhất 3 ĐB tham gia phát biểu ý kiến. Cả 3 ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự băn khoăn về quy định, nếu không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì sẽ bị mất quốc tịch.
“Nếu như vậy sẽ có hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài sẽ bị mất Quốc tịch Việt Nam” – ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) phát biểu. Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì: “Người Việt định cư ở nước ngoài là một phần máu thịt Việt Nam. Luật Quốc tịch quy định muốn giữ quốc tịch phải đăng ký là làm khó cho dân, coi việc không đăng ký quốc tịch là căn cứ mất quốc tịch là không ổn, bởi 5 năm qua tỉ lệ đăng ký rất thấp”. ĐB Thúy cho rằng, cần phải bỏ ngay quy định này.
Tiếp thu ý kiến phát biểu của các ĐB, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến các ĐB và sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để trình Quốc hội thông qua.