Hôm nay (20-5), ngay trong ngày đầu tiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ trực tiếp trình bày báo cáo trước QH về tình hình biển Đông và việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế/thềm lục địa của Việt Nam.
Các đại biểu sẽ thảo luận về vụ giàn khoan trái phép
Thông tin trên được Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu ra tại cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII (chiều 19-5). Theo ông Phúc, báo cáo cũng sẽ đề cập những chủ trương và giải pháp của Việt Nam đối với tình hình biển Đông và việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.
“Vừa qua tình hình biển Đông hết sức phức tạp. Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm công ước về Luật Biển, vi phạm về tuyên bố ứng xử của các bên về biển Đông DOC, vi phạm thỏa thuận cấp cao hai nước. Do đó, trong kỳ họp này sau khi nghe Chính phủ báo cáo, các đại biểu QH sẽ thảo luận và đi đến những quyết định cụ thể” - ông Phúc nói.
Ông Phúc cho biết thêm QH cũng sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình và biện pháp giải quyết việc có một số địa phương xảy ra tình trạng manh động, phức tạp, gây tổn hại nhà đầu tư nước ngoài…
Tuy nhiên, ông Phúc cho hay đây là một phiên họp kín nên sau cuộc họp có thể QH sẽ họp báo hoặc có thông cáo để thông tin cho báo chí. Cũng tại cuộc họp, ông Phúc bày tỏ sự cảm ơn nghị sĩ các nước đã nhanh chóng phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. “Thời gian tới trên các diễn đàn quốc tế chúng ta sẽ tiếp tục trao đổi để nghị sĩ các nước trên thế giới ủng hộ chúng ta, lên tiếng phản đối Trung Quốc” - ông Phúc nói.
Bảo vệ biển Đông: Bảo vệ an ninh hàng hải thế giới
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc QH có ra thông báo, nghị quyết hoặc một hình thức nào đó về tình hình biển Đông hay không, ông Phúc cho hay việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông phải trên tinh thần thượng tôn Pháp Luật; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và các quy định của Pháp Luật. Vì bảo vệ biển Đông không chỉ là bảo vệ cho Việt Nam mà là bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải cho cả thế giới. Do đó, qua thảo luận, QH sẽ quyết định những vấn đề có liên quan. “Các nội dung về biển Đông và các vấn đề liên quan cũng có thể được nêu ra tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội và sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp” - ông Phúc nói.
Chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế-xã hội
Trước những diễn biến phức tạp vừa qua có gây ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và QH có dự kiến điều chỉnh các chỉ tiêu tại kỳ họp này không - trả lời câu hỏi mà báo chí đặt ra, ông Phúc cho hay chưa có lý do gì để điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm nay. “Việc các doanh nghiệp bị thiệt hại vừa qua là đáng tiếc. Kẻ xấu đã lợi dụng, kích động công nhân có hành vi đập phá, gây thiệt hại tài sản doanh nghiệp. Chính phủ, các ngành, địa phương vừa qua đã nỗ lực giúp đỡ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn và sản xuất bình thường” - ông Phúc nhấn mạnh.
Đối với việc người dân tuần hành thể hiện lòng yêu nước nhưng do chưa có Luật Biểu tình nên tạo ra sự khó xử, câu hỏi được đặt ra là khi nào Luật Biểu tình được đưa vào chương trình để QH xem xét thông qua? Về nội dung này, ông Phúc cho hay: Sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua thì có rất nhiều luật phải được sửa đổi, bổ sung. Do đó, Luật Biểu tình phải lùi lại. “Luật Biểu tình hết sức quan trọng nhưng do chúng ta phải ưu tiên nhiều luật khác trước nên lần này vẫn chưa thể đưa vào chương trình được” - ông Phúc nói.
THÀNH VĂN
Đề xuất giữ nguyên ba mức lấy phiếu tín nhiệm
Theo dự kiến chương trình, trong kỳ họp này QH sẽ dành 75% thời gian để xem xét, thông qua 11 dự án luật, ba nghị quyết và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ gửi báo cáo về việc triển khai, thi hành Hiến pháp; báo cáo việc thực hiện các nghị quyết chất vấn; báo cáo về việc kiểm tra, rà soát sở hữu chéo có tác động méo mó thị trường trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014… để các đại biểu QH tự nghiên cứu.
Ngoài ra, trong kỳ họp này QH sẽ xem xét, quyết định một số nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, quy định hiện hành là lấy phiếu hằng năm. Điều này có mặt tốt là có cơ sở để đánh giá cán bộ hằng năm nhưng hạn chế là thời gian ngắn quá nên chưa đủ thời gian để người ta tự sửa và khắc phục những khó khăn, tồn tại.
Vì thế, việc sửa đổi dự kiến chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong nhiệm kỳ và sẽ được thực hiện vào cuối năm thứ ba. Ưu điểm của phương án này là sẽ có thời gian để các đối tượng khắc phục, sửa chữa những tồn tại, khuyết điểm.
Về hình thức lấy phiếu, ông Phúc cho hay vẫn giữ nguyên ba mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Đồng thời, việc lấy phiếu các chức danh vẫn sẽ giữ như quy định hiện hành, tức là QH, HĐND vẫn lấy phiếu đối với các chức danh do QH, HĐND bầu và phê chuẩn.