Ruột thú bông được nhồi đủ thứ phế phẩm
Ông Năm, người bán thú bông dạo trước cổng Khu công nghiệp Tân Tạo (Q. Bình Tân), cầm con cá heo dài nửa mét bọc vải nỉ giới thiệu: “Hàng này công nhân, người bình dân rất chuộng, mua về ôm ngủ, gối đầu xài vài năm chưa hư hỏng”.
Bà Út người nhét ruột thu bông nhanh tay nhồi một con gấu bông nhỏ hỗn hợp gồm sợi vải, mạt vải vụn lẫn nhiều cát bụi trộn với những mảnh đế dép xốp. “nguyên liệu” làm ruột cho thú bông có giá 2.000 đồng/kg. “Loại xốp nhựa này sẽ làm thú bông nhẹ đi nhiều, người cầm có cảm giác nhẹ và sờ êm tay hơn” - bà Út giải thích.
Trong phòng của bà Út chứa đủ phế phẩm: sợi vải (cào ra từ vải nỉ), vải xô các loại. Trong các bao tải vải nỉ, phần lớn là những tấm vải vụn mốc meo và bốc mùi. “Xài hàng này mới kiếm lời được chút đỉnh” - bà Út nói. Bên trong là gian nhà kho chất cả ngàn con thú bông.
Không chỉ phế phẩm may mặc và xốp nhựa, nhiều cơ sở còn nhồi “tả pí lù” cho thú bông. Cũng trong sáng 5/8, cơ sở của bà Thi nằm trong hẻm nhỏ đường liên khu 5-6 (P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân) nhộn nhịp xe máy chở thú bông đi bán.
Thú nhồi bông tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM) về thông tin thú bông nhồi phế liệu, phế thải. Ông Đức cho biết: “Trong những “nguyên liệu” này có chứa các thành phần độc hại tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.
Đã có nhiều trường hợp trẻ em chơi thú bông bị viêm đường hô hấp, hen suyễn. Các cơ quan hữu quan cần quan tâm đúng mức, đừng để những sự vụ xảy ra nghiêm trọng mới tìm cách khắc phục”. Đồng quan điểm trên, GS.TS Lê Huy Bá - viện trưởng viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM - cho rằng việc sử dụng phế liệu phải dựa trên nguyên tắc không gây độc hại đối với con người và môi trường.“Các loại mút, xốp đã qua sử dụng dễ bị thay đổi trong điều kiện môi trường. Đặc biệt, dùng các chất nhựa (PVC), phẩm màu công nghiệp, sơn (có thể lẫn các tạp chất, kim loại nặng)… để nhồi thú bông là rất nguy hiểm.
Nguyễn Thị Huyền (ĐH Quốc Gia Hà Nội) có thói quen ôm thú nhồi bông khi đi ngủ. Lúc đầu không có hiện tượng gì, nhưng khoảng 1 tuần sau, Huyền có cảm giác ngứa mũi, hắt hơi,… mỗi khi ôm thú nhồi bông. Huyền cho biết: “Mình thấy có hiện tượng như vậy thì không ôm gấu bông đi ngủ nữa. Nhưng mà mình cũng không nghĩ là do gấu bông có vấn đề đâu”.
Theo TS Chu Thị Hạnh (Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp - bệnh viện Bạch Mai), trong ruột của những con thú nhồi bông vỉa hè là những loại bông, xốp, đệm cũ, vải vụn,… chưa được xử lý hóa chất công nghiệp. Chúng hầu hết là hàng tồn kho, hàng gia công đã để lâu hoặc chưa qua kiểm định chất lượng. Chưa kể đến việc bày bán tràn lan ở các vỉa hè như thế này sẽ là nguy cơ gây nên những ảnh hưởng đối với sức khỏe người tiêu dùng.
TS Chu Thị Hạnh cho biết: “Thú nhồi bông không đảm bảo chất lượng sẽ gây nên các bệnh đường hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản cấp, hen, viêm mũi dị ứng,… nhất là ở những người có cơ địa dị ứng và những người có tiền sử các bệnh đường hô hấp”.
Bên cạnh đó, thú nhồi bông vỉa hè là một trong những đồ chơi nhạy cảm với da và tiềm ẩn nguy cơ gây nên các bệnh về da như: mẩn ngứa, viêm da tiếp xúc,… Vì thế, chúng ta nên lưu ý khi chọn mua và sử dụng.