Dù đã ra đời cách đây nửa thế kỷ nhưng sức mạnh của P-35B vẫn còn rất khủng khiếp khi đạt tốc độ bay siêu âm, tầm bắn xa gần 500km, lắp đầu đạn nặng 1 tấn.
Tên lửa hành trình chống tàu P-35B là thành phần chính trong hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tầm xa 4K44B Redut do Liên Xô phát triển từ những năm 1960.
Theo dữ liệu viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), năm 1980 Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam một hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển tầm xa 4K44B Redut (NATO định danh là SS-C-1B Sepal) cùng 25 quả đạn tên lửa hành trình chống tàu P-35B. Khi đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á sở hữu hệ thống vũ khí diệt hạm này.
Hệ thống 4K44B Redut gồm 4 thành phần chính: radar trinh sát 4R45 Skala; xe chỉ huy; 3 bệ phóng di động và đạn tên lửa chống tàu P-35B. Tất cả các thành phần đều được đặt trên xe vận tải bánh lốp.
Trong đó, P-35B là loại tên lửa rất lớn, kích thước đồ sộ. Nó có chiều dài 10,2m, đường kính thân gần 1m, sải cánh 2,6m (có thể gấp gọn trong ống phóng), trọng lượng phóng tới 4,5 tấn. Đặc biệt, P-35B lắp đầu đạn thuốc nổ thường nặng 1 tấn đủ sức đánh chìm những chiến hạm cỡ lớn (kể cả tàu sân bay).
Đạn tên lửa được đặt trên bệ phóng di động SPU-35B thiết kế dựa trên khung gầm cơ sở xe vận tải bánh lốp hạng nặng ZIL-135K. Mỗi xe được vận hành bởi 5 người, thời gian triển khai sẵn sàng chiến đấu khoảng 30 phút.
Để khởi động tên lửa, 4 chân trụ thủy lực sẽ được kích hoạt để cố định vị trí của xe phóng. Ống phóng được một hệ thống thủy lực khác nâng lên một góc 20 độ so với mặt bằng của xe phóng.
Sau đó, tên lửa được đẩy ra khỏi ống phóng bằng động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn. Ở độ cao nhất định, động cơ tuốc bin phản lực KRD-26 sẽ kích hoạt đưa tên lửa tới mục tiêu, tốc độ hành trình siêu âm (Mach 1,4), tầm bắn xa 460km. Với cự ly đó, P-35B được coi là tên lửa chống tàu có tầm bắn xa nhất của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Tên lửa được dẫn hướng kết hợp hệ thống định vị quán tính, hiệu chỉnh tham số trong suốt hành trình và radar chủ động ở pha cuối. Sau khi phóng, tên lửa được theo dõi trong suốt chuyến bay thông qua máy bay trinh sát Tu-95RT, Tu-16D, hoặc Ka-25T.
Các lệnh dẫn hướng được gửi đến tên lửa từ trạm chỉ huy mặt đất thông qua các hình ảnh mà radar của tên lửa cung cấp thông qua một liên kết dữ liệu video.
Từ hình ảnh radar của tên lửa cung cấp, sĩ quan điều khiển sẽ xác định và lựa chọn mục tiêu ưa thích, sau đó khóa mục tiêu bằng radar chủ động của tên lửa.
Trong trường hợp không có sự hỗ trợ dẫn hướng từ các máy bay trinh sát, sỹ quan điều khiển tên lửa sẽ phóng 3-4 tên lửa cùng lúc. Một trong số các tên lửa này sẽ được điều khiển bay lên cao hơn so với các tên lửa khác. Tên lửa này sẽ dùng radar của mình để dẫn đường cho các tên lửa còn lại tấn công một tàu hoặc nhóm tàu được phát hiện bởi các radar cảnh giới.
Đạn tên lửa P-35B được động cơ khởi tốc đưa ra khỏi ống phóng.
P-35B có độ cao hành trình từ 100-400m, hoặc có thể bay cao từ 4.000-7.000m trong trường hợp dùng radar của tên lửa để dẫn đường cho các tên lửa khác. Ở pha cuối tên lửa hạ thấp độ cao xuống dưới 100m trước khi lao đến mục tiêu.
Tuy có tầm bắn cực xa, sức công phá siêu mạnh đủ sức đánh chìm tàu sân bay. Nhưng hệ thống 4K44 Redut vẫn tồn tại nhiều nhược điểm như: kích thước lớn, thời gian triển khai và thu hồi tương đối chậm; hệ thống dẫn đường dễ bị tổn thương trong môi trường tác chiến điện tử mạnh.
Dẫu sao, 4K44 Redut vẫn còn rất hữu dụng trong nhiệm vụ bảo vệ biển đảo tổ quốc ta trong tình hình hiện tại. Theo một số nguồn tin, Việt Nam đang tiến hành nâng cấp hệ thống 4K44 Redut cải thiện khả năng kháng nhiễu của hệ thống, tăng cường khả năng khóa mục tiêu chính xác của radar.
4K44 Redut cùng “lá chắn thép” Bastion-P kết hợp hệ thống tên lửa chống tàu trên hạm (Kh-35 Uran-E, P-15 Termit và 3M54 Klub-S) sẽ cho phép tạo nên lưới trận tên lửa chống tàu đủ sức đánh chìm bất kỳ chiến hạm nào xâm nhập chủ quyền quốc gia.