Tin liên quan
dư luận quốc tế tiếp tục lên tiếng sau vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 cùng tàu hộ tống tới vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có hành động đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam. Nhiều nước chỉ trích Trung Quốc, cho rằng hành động này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ lý lẽ pháp lý về việc đặt giàn khoan trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tiếp tục bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trong khu vực liên quan đến vụ việc này. Ông nhấn mạnh, căng thẳng Trung Quốc - Việt Nam là do hành động đơn phương và khiêu khích từ phía Trung Quốc.
Liên tiếp 2 ngày qua, báo chí Ấn Độ có nhiều bài viết về vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống tới khu vực cách bờ biển Việt Nam chỉ có 120 hải lý. Tờ Thời báo Kinh tế (The Economic Times) có bài nói rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông là thiếu chứng cứ pháp lý quốc tế và vi phạm luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tuyên bố của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế và là một trở ngại lớn đối với nỗ lực giải quyết căng thẳng trong khu vực. Báo này trong số ra hôm 8/5 tiếp tục đăng bài viết cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam; tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam và sử dụng vòi rồng, đã làּm tìnּh hình căng thẳng giữa hai nước tăng lên mức cao nhất trong những năm qua. Hành động của Trung Quốc đi ngược với tinh thần UNCLOS 1982 và những thỏa thuận mà Bắc Kinh đã ký với các nước Đông Nam Á, theo đó kêu gọi các quốc gia không đơn phương tiến hành họat động làm leo thang căng thẳng.
Mạng tin của “Nhóm phân tích Nam Á” (SAAG) của Ấn Độ chiều 8/5 cũng đăng bài viết của Tiến sĩ Subhash Kapila nhận định rằng, hành động của Trung Quốc đe dọa đến an ninh và ổn định hàng hải tại Biển Đông. Khu vực Trung Quốc muốn đặt giàn khoan chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý và như Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định “nằm trong Khu vực kinh tế đặc quyền và thềm lục địa không thể chối cãi của Việt Nam” do vậy, tàu Cảnh sát biển và các cơ quan chức năng khác của Việt Nam đã tới khu vực và cố gắng ngăn chặn. Theo Tiến sĩ Kapila, những động thái của Trung Quốc được coi là một phần của một chiến lược có tính toán và dự báo những diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục nảy sinh trong thời gian tới.
Báo Tin nhanh Ấn Độ (The Indian Express) đưa tin, Việt Nam ngày 7/5 đã khuyến cáo Trung Quốc sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình tại Biển Đông, nếu Bắc Kinh không rút giàn khoan khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi đó, tờ Thời báo Ấn Độ (The Times of India) đăng bài viết của tiến sĩ Pradhan nhận định, chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng được cho là đã làm gia tăng các nguy cơ nghiêm trọng của các cuộc xung đột trên Biển Đông.
Bất chấp việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh bác bỏ chỉ trích của Mỹ, cho rằng Trung Quốc đưa giàn khoan đến Biển Đông không có liên quan gì đến Mỹ và Mỹ không có quyền đưa ra những bình luận “vô trách nhiệm” về chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua tiếp tục lên tiếng cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm qua nhấn mạnh: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan và các tàu chiến tới Biển Đông là hành động nguy hiểm và mang tính đe dọa. Chúng tôi lo ngại, những hành động này rõ ràng mang tính khiêu khích”.
Bà Psaki khẳng định lại lập trường của Chính phủ Mỹ kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại hòa bình.
Người phát ngôn của đại diện ngoại giao cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Michael Mann ngày 9/5 ra tuyên bố: "Liên minh châu Âu đặc biệt quan ngại những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh khu vực. Chúng tôi thúc giục các bên liên quan tìm kiếm những giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, và tiếp tục đảm bảo an toàn hàng hải. Chúng tôi kêu gọi các bên tiến hành các biện pháp giảm căng thẳng leo thang và kiềm chế mọi hành động đơn phương có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực".
Trước việc Trung Quốc vẫn tiếp tục điều tàu có vũ trang tới khu vực hạ đặt giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam trong ngày hôm qua, dư luận quốc tế đều nhận định sẽ gây thêm những căng thẳng mới tại Biển Đông, và Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động đơn phương này