Hiểm họa bỏng do điện

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong tháng 3.2014, tại khoa Bỏng-Tạo hình, bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) đã có 14 ca bị bỏng điện điều trị, trong số đó không ít bệnh nhân phải cắt cụt tay, chân. Đáng nói là, các trường hợp này đều gặp họa do không đảm bảo tính an toàn khi tiếp xúc với điện.
Hiểm họa bỏng do điện
Một nạn nhân bị bỏng điện điều trị tại BV Chợ Rẫy

“Sát thủ” bỏng điện

Nằm trên giường bệnh khoa Bỏng-Tạo hình BV Chợ Rẫy, với phần ngực bên trái lõm một khoảng rộng do bỏng điện đã được các bác sĩ băng lại, bệnh nhân N.V.Luân (38 tuổi, ở Bình Thuận) thở rất khó nhọc. Một bác sĩ kéo phần băng để cho tôi xem phần ngực bị lòi động mạch dưới đòn, vết thương vào gần tới phổi trên ngực bệnh nhân.

Anh Luân kể lại, lúc xảy ra sự cố, anh đang sữa chữa đường dây chưa mang điện cho một công trình điện 500KV. Do vận hành có lỗi kỹ thuật, phần tiếp đất bị hở điện làm từ trường truyền vào người.

Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, người điều trị cho anh Luân cho biết, phần ngực của bệnh nhân rất dễ để lại di chứng tổn thương chức năng hô hấp. Ngoài ra, tay trái của anh Luân cũng khó có thể giữ lại được.

Trong một nguyên nhân khác, lúc thả diều, thấy diều vướng vào dây điện, N.C. Trí (15 tuổi, ở Tây Ninh) leo lên nóc nhà rồi dùng thanh sắt để chọc diều thì bị điện giật té bất tỉnh.

Sau đó, Trí được chuyển đến BV tỉnh Tây Ninh cấp cứu nhưng do bị bỏng nặng nên bệnh nhân được chuyển lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM).

 

Bỏng điện để lại hậu quả nặng nề khi nạn nhân bị cắt cụt hai tay

Các bác sĩ cho biết, Trí bị bỏng sâu hai tay, chân phải, bỏng thành bụng. Sau đó, các bác sĩ buộc phải đoạn tay trái của Trí để phần hoại tử không lan rộng ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Tuy nhiên, không lâu sau tay phải của Trí vẫn không giữ được. Vậy là, chỉ vì sơ sẩy trong lúc lấy diều vướng dây điện Trí đã mất cả hai tay.

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Bỏng-Tạo hình cho biết, bỏng điện là dạng bỏng rất nguy hiểm, có thể diện tích bỏng không lớn nhưng hầu như đều gây bỏng sâu và mức độ sát thương cao.

“Đáng cảnh báo là các trường hợp bị bỏng điện đều do sơ sẩy, không đảm bảo tính an toàn khi tiếp xúc với điện dẫn đến hậu quả khôn lường”, bác sĩ Đạo cho hay.

Vào khoảng tháng 3 đến tháng 10 là cao điểm bệnh nhân nhập viện vì bỏng điện. Lý giải điều này, bác sĩ Đạo nói: “Những nạn nhân chúng tôi thường tiếp nhận là thợ xây dựng, thợ hồ... Có thể do đây là thời điểm các công trình xây dựng nhiều nhưng do chưa đảm bảo an toàn lao động khi gần các đường dây điện nên dễ gây ra bỏng điện”.

“Không kể đến những trường hợp t‌ử von‌g thì nạn nhân của bỏng điện đa phần phải đoạn chi, có những trường hợp lộ xương sọ, mạch máu…có trường hợp lộ cả tim”, bác sĩ Đức Hiệp nói.

Từ trụ cột trở thành gánh nặng gia đình

Nằm trên giường bệnh đã gần một tháng nay với băng trắng quấn quanh người, đôi tay đã bị đoạn đến gần sát vai, anh Trần Văn Linh (24 tuổi) cho biết, anh là công nhân cơ khí ở Bình Dương. Trong lúc đang thực hiện thao tác hàn mái nhà trên sân thượng thì bị điện giật do anh lùi ra phía sau không để ý đến đường điện.

Những ngày anh Linh nằm viện, vợ anh Linh vì sắp sinh con nên không thể túc trực chăm sóc anh mà phải nhờ đến anh trai anh Linh.

“Giờ tôi cụt hết tay thế này không đi làm công nhân được, chưa biết sống sao đây để còn lo cho vợ con nữa”, anh Linh nói.

Anh Luân cũng cho biết, anh từ ngoài bắc vào Bình Thuận làm công nhân điện đã được 5 năm. Hàng tháng, anh đều gửi tiền về để vợ trang trải cuộc sống và lo cho con nhỏ 5 tháng tuổi. Nằm trên giường bệnh anh Luân bày tỏ trăn trở: “Không biết sắp tới khi được xuất viện phải làm gì để ổn định cuộc sống đây”.

Theo bác sĩ Đạo, những nạn nhân bỏng điện không chỉ phải đánh đổi bằng mạng sống, những người thoát khỏi lưỡi hái tử thần cũng phải gánh chịu di chứng suốt đời.

“Người bệnh sẽ mất sức lao động, khó hòa nhập vào cuộc sống”, bác sĩ Đạo nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật