Người dân vẫn luôn được khuyến cáo là hãy trở thành người tiêu dùng thông minh trước sự bủa vây của thực phẩm nhiễm hoá chất độc hại. Nhưng xem ra điều đó thật khó thực hiện khi mà các cơ quan chức năng đang thể hiện vai trò khá mờ nhạt như hiện nay.
Hãy cùng điểm lại những vụ bê bối liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được nhiều người quan tâm trong tuần vừa qua:
Thịt lợn xuất hiện màu đỏ lạ
Mới đây, một vài người dân ở khu phố 3, phường Hà Huy Tập (TP.Hà Tĩnh) phát hiện thấy thịt lợn mua về ăn bỗng chuyển sang màu đỏ như máu sau một ngày bảo quản trong tủ lạnh.
Sau thông tin này, chợ ở Hà Tĩnh lượng thịt lợn bán ra được tiêu thụ rất chậm do tâm lý hoang mang của nhiều bà nội trợ, rất nhiều người ngần ngại, lo lắng khi dừng trước các quầy hàng thịt lợn rồi lại quyết định chuyển tạm sang loại thức ăn khác mà họ cho rằng sẽ an toàn hơn .
Vụ việc này đã được báo cho Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ quan này cũng đã cử cán bộ trực tiếp đến kiểm tra và lấy mẫu để kiểm nghiệm.
Khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về việc chuyển màu bất thường của thịt lợn xảy ra tại Hà Tĩnh, thì ngày hôm qua (30/3), tại Thành phố Vinh, Nghệ An, một gia đình cũng phát hiện thấy miếng thịt lợn luộc chín để trong tủ lạnh bất ngờ chuyển sang màu đỏ lạ giống y như trường hợp ở Hà Tĩnh.
Vụ việc này càng làm cho người dân thêm hoang mang khi thịt lợn đang là thực phẩm chính trong bữa ăn hằng ngày.
Mồng tơi dài 10cm chỉ sau 5 giờ
Thời gian gần đây có tin đồn rau củ được phun các loại thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, không cần thời gian cách ly, thậm chí chỉ sau một đêm rau có thể dài thêm một gang tay nhờ một loại thuốc thần kỳ.
Mồng tơi dài 10cm chỉ sau 5 giờ
Loại thuốc có tên “kích phọt” hay một số địa phương gọi là “vươn cành” không được bày bán ở bất kỳ một cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nào trên địa bàn Hà Nội. Loại thuốc này được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng có 3 dạng khác nhau, một là dạng sủi thả vào nước tự tan, hai là dạng bột, ba là dạng nước.
PV Giadinh.net đã thử nghiệm loại thuốc của Trung Quốc trên rau mùng tơi, kết quả sau 5 giờ, mồng tơi dài thêm đã vươn dài ra 10cm, lá non mơn mởn. Đặc biệt có thân cây, ngọn vươn dài đến 35cm.
Thủy sản Hà Nội nhiễm chì
Một công bố của nhóm nghiên cứu các nhà khoa học thuộc trường ĐH Y Hà Nội về tình hình nhiễm kim loại nặng trên thủy sản được nuôi tại các hồ thủ đô cho thấy, trong tổng số 240 mẫu thủy sản gồm: cá chim, cá trôi, cá trắm, cá mè, trai, cua, ốc, rô phi lấy từ 16 hồ trên địa bàn Hà Nội thì hầu hết đều nhiễm chì, thủy ngân, asenic, nikel, chrome...
nhiễm độc chì nặng nhất là ốc, cua, trai… do sống ở tầng đáy với nhiều lớp bùn đọng “ngấm” kim loại nặng, chỉ có 25% mẫu nghiên cứu đạt tiêu chuẩn. Còn lại cao gấp từ 150-250% tiêu chuẩn cho phép. Riêng cua thì 100% mẫu không đạt “chuẩn”.
Nguyên nhân các ao hồ, thủy vực ấy bị ô nhiễm, theo nhóm nghiên cứu, của trường ĐH Y Hà Nội, là do nguồn nước cung cấp bắt đầu từ các sông ngòi bị ô nhiễm nên đã làm cho nước ở các ao hồ, thủy vực trong thành phố bị ô nhiễm theo.
Sau thông tin nhiễm độc, lượng khách đến các quán ngao, ốc giảm khá nhiều... Ảnh: T.G
Ngay sau thông tin của nhóm các nhà khoa học thuộc trường ĐH Y được công bố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã cho rằng, công bố này không có cơ sở và thiếu tính thuyết phục, khảo sát của các nhà khoa học chỉ mang tính tham khảo, không có tính đại diện cho toàn bộ lượng thủy sản đang được nuôi trồng, tiêu thụ trên địa bàn thành phố.
Chi cục an toàn thực phẩm Hà Nội đã lấy khẩn cấp 13 mẫu tôm, cua, cá, hến, trai, ốc ở 6 chợ nội thành và chợ đầu mối để kiểm nghiệm chỉ tiêu kim loại nặng asen, chì. Kết quả cho thấy, các mẫu tôm, cua đảm bảo an toàn, có 3/13 mẫu (gồm ốc, trai, hến mỗi thứ một mẫu) có hàm lượng asen cao hơn từ 1,6-2,3 lần so với mức cho phép.
Với kết quả kiểm tra này, Cục An toàn thực phẩm cho biết sẽ tiếp tục kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng thủy sản tại Hà Nội.
Sườn bò nghi sản xuất từ xốp tái xuất cổng trường
Gần đây, nhiều bậc phụ huynh lại vô cùng hoang mang, lo lắng khi món ăn khoái khẩu "Sườn bò thơm cay" của con em mình được bày bán tràn lan tại các quán ăn vặt trước cổng trường tiểu học, trung học cơ sở.
Liên quan đến vụ việc, phóng viên đã tới một số cổng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội và thấy sản phẩm “hương bò thơm cay” tiếp tục xuất hiện. Giá một gói snack Sườn bò thơm cay là 3.000 đồng. Nhiều em học sinh cho biết đây là món ăn khoái khẩu khi tới trường mà không quan tâm tới nguyên liệu của miếng “sườn bò” này được làm từ gì mà chỉ do giá rẻ, ăn thử một lần thấy ngon thì mua.
Sản phẩm này cũng được bày bán nhiều tại trường Tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội).
Năm ngoái, dư luận xôn xao trước thông tin cảnh báo về loại thịt bò được cho là làm từ mút xốp được một thành viên chia sẻ trên facebook. Cục Quản lý nông, lâm, thuỷ sản (bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã vào cuộc và đưa ra bản kết luận về sản phẩm Sườn bò thơm cay. Theo kết quả kiểm nghiệm, sản phẩm sườn bò này không có thịt nói chung và thịt bò nói riêng. Thành phần chính được ghi trên nhãn gồm bột mỳ, nước, dầu thực vật, đường, muối, ớt, bột gia vị, mỳ chính và phụ gia hương liệu.
Địa chỉ sản xuất của sản phẩm này tại Cụm 4 – Sơn Đồng – Hoài Đức – Hà Nội là không đúng với địa chỉ sản xuất hiện tại. Cơ sở này đã chuyển sang địa chỉ mới, nhưng bao bì vẫn ghi địa chỉ cũ. Cơ sở sản xuất tại địa chỉ mới cũng chưa được công nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đã bị cơ quan chức năng xử lý.