Có người bảo: Già làng Hứa Văn Lỵ như “một cây đại thụ”, bao năm qua vẫn trường tồn, sừng sững và rợp bóng cả một miền quê nghèo khó. Còn những người cán bộ ở đây ví già như “linh hồn của bản làng”…
Chiến đấu là nghĩa vụ, trách nhiệm
Già Lỵ kể: “Ba mẹ tôi sinh được 3 người (hai trai, một gái). Sau đó, ba mẹ tôi đều mất sớm, khi tôi 16 tuổi, anh em phải sống dựa vào nhau, cái đói, khổ rồi cũng qua. Năm 1966, tôi được tổ chức huấn luyện thanh niên xung phong ở Trung đoàn 49, thuộc Đại đội 10, không nhớ sư đoàn nào”. Trò chuyện với già, đôi lúc trí nhớ bập bõm… Có điều, những câu chuyện của già luôn bắt đầu bằng từ “bấy giờ”. Những gì thân thương níu giữ già nhất, hầu như là ở cái ngày xa xưa ấy! “Tôi bắn súng thì không thể chê được. Vì bắn súng giỏi nên tôi được cử đi thi bắn cấp Quân khu 1 ở Bắc Ninh. Lên đó nghe người ta gọi tôi là xạ thủ, nhưng tôi không biết xạ thủ là gì. Tôi chỉ biết bắn, bắn nhiệt tình, sau đó tôi được tặng Bằng khen.
Năm 1968, tôi huấn luyện 6 tháng ở Bắc Ninh, rồi vào Nam chiến đấu cho đến cuối năm 1973. Đơn vị đóng ở vùng A Đon và A Vao, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi có đồng bào Pa Cô sinh sống. Hồi ấy, chúng tôi được quán triệt rằng: Người phụ trách hậu cần là người lo bữa cơm cho chiến sĩ, cũng quan trọng như chiến sĩ cầm súng. Chiến sĩ phải no cái bụng, ấm cái dạ mới có sức chiến đấu, mới thắng được thằng giặc. Tôi nhớ, có hôm, giặc đến cướp lương thực, chúng tôi phải đánh trả ác liệt, bảo vệ quân nhu, bảo vệ kho lương thực. Cuộc chiến đấu suốt mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng ta thắng, địch thua, lương thực vẫn được bảo đảm. Như thế cũng là chiến đấu, anh hè”.
Người thương thuyết giỏi
“Ngày mới về bản, tôi được cử làm Đội trưởng đội sản xuất, Phó Chủ nhiệm HTX rồi Trưởng bản. Chỉ có 16 hộ gia đình nằm thưa thớt khắp bản. Đường đất rải lẫn đá mẹ và đá con lổn nhổn, rừng cây bao quanh bản rậm rịt. Muốn đi từ nhà nọ sang nhà kia phải cắt rừng, cực lắm anh ạ! Nhiều lúc nghĩ về quê mình thấy xót xa. Cái khó đối với bà con ở huyện miền núi này là điện, đường, trường, trạm. Trong đó điện và đường phải đi tiên phong.
Đầu năm 2012, Nhà nước triển khai dự án làm đường liên thôn, nhưng giải phóng mặt bằng còn dang dở, do một số hộ không nghe. Tôi xung phong hiến 1.350m2 đất. Rồi vận động một số bà con khác hiến đất làm đường, nghe ra, họ đều hưởng ứng. Vừa rồi, mưa gió bão bùng, đường sá ngập ngụa, các cháu đi học vất vả, người dân đi lại khó khăn”.
Già Lỵ tâm sự, năm 2006 trong bản xảy ra tranh chấp đất đai giữa ông Hoàng Văn Biện và con trai. Trưởng bản và mọi người đến khuyên ngăn không được, mâu thuẫn hai cha con bùng lên như “lửa thêm dầu”. Nếu cứ kéo dài, sẽ không tốt, mà còn làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự của bản. Già Lỵ đứng ra hòa giải mâu thuẫn giữa hai cha con một cách êm thuận. Già còn giáo dục, động viên bà con không nghe và làm theo những lời tuyên truyền của kẻ xấu, những điều trái Pháp Luật; vận động bà con và gia đình xây dựng khối đại đoàn kết khu dân cư, gia đình văn hóa. Già đến từng hộ gia đình khuyên nhủ đồng bào bỏ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, cho các cháu đến trường…
Trưởng bản Trịnh Văn Nam nói: “Thực tình, chúng tôi rất biết ơn và trân trọng những đóng góp của già Lỵ. Già là linh hồn, là vị trưởng lão có tiếng nói, có uy tín nhất ở bản Trại Tre chúng tôi. Già luôn dạy bảo chúng tôi rằng, mọi công việc hòa giải phải hết sức khôn khéo, luôn đề cao tâm tư, tình cảm của mọi đối tượng. Nhờ những kinh nghiệm này, mà những cuộc cãi vã, đánh chửi nhau, xô xát ngày càng ít đi, người dân có cuộc sống yên bình”.
Trăn trở của cựu chiến binh
Nay già Lỵ 73 tuổi, sức khỏe có phần yếu hơn, nhưng đôi chân vẫn thoăt thoắt leo rừng, tay vẫn băm bèo, thái sắn, không nhờ con cái. Giọng già đượm buồn: “Tôi gần hết đời người rồi, sống thêm ngày nào hay ngày đó. Nhưng có hai con trai bệnh tật triền miên, khiến tôi lo lắm! Đứa thứ nhất là Hứa Văn Chải, sinh năm 1964, vừa phải cắt 2/3 dạ dày. Đứa thứ hai, Hồ Văn Hứa, sinh năm 1974, bác sĩ bảo bị tràn dịch phổi, người nó cứ phù thũng, bắp chân và bắp tay mềm nhũn. Không biết có phải mình bị ảnh hưởng chất độc da cam không? Hồi đó, tôi chiến đấu ở khu vực A Sầu, A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế. Tôi nghe nói, những người đi tham gia chiến đấu trong vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam thì có chế độ trợ cấp. Tôi ít học, nhờ anh hỏi cấp trên giúp”.
Lòng tôi bỗng nao nao, mắt cay xè nghĩ về lời già nhắn gửi. Bởi sợ gieo cho già hi vọng nên không dám hỏi hồ sơ, giấy tờ già còn lưu giữ hay không, nhưng tôi hiểu thông tin về sự cống hiến của già chỉ là năm 1966 ở Trung đoàn 49, Đại đội 10, nhưng không nhớ Sư đoàn nào… thì mong gì có câu trả lời của cơ quan chức năng về chế độ, chính sách. Mong ai biết chỉ giùm hoặc làm chứng cho già.