Một thời hoàng kim
Người đàn ông khoảng hơn 60 tuổi, mái tóc vuốt cao, để lộ vầng trán rộng, nói chuyện cởi mở, cầm trên tay cuốn sách tuyển tập Công tử Bạc Liêu, kể vanh vách cho khách tham quan khu di tích Công tử Bạc Liêu ở 15 Điện Biên Phủ, Phường 3, TP Bạc Liêu, về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của gia đình ông Trần Trinh Huy – Công tử Bạc Liêu. Đó là ông Trần Trinh Đức (67 tuổi) con trai thứ 3 của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.
Dáng vẻ thư thái, lịch thiệp, giọng nói trầm ấm, bên ly cà phê trong khuôn viên của khu di tích Công tử Bạc Liêu – Nhà hàng, khách sạn Công tử Bạc Liêu rộng hàng nghìn m2, ông Đức đưa cho chúng tôi xem tập ảnh về ông nội cùng bố, mẹ và các anh chị em trong gia đình ông, kỷ niệm một thời vàng son trước đây.
“Tôi được nhận vào làm việc trong khu di tích này như là nhân chứng sống, một hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu cho du khách về cuộc đời, sự nghiệp, gia đình của cha tôi – ông Trần Trinh Huy – Công tử Bạc Liêu, để du khách hiểu rõ hơn về ông, tôi có bán cuốn sách viết về ông - Công tử Bạc Liêu”, ông Đức nói.
Khi được hỏi, tại sao con trai Công tử Bạc Liêu, người được coi là giàu nhất xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh trước đây bây giờ lại phải đi làm hướng dẫn viên và bán sách, giọng ông Đức buồn bã: “Cuộc sống của tôi nhiều thăng trầm lắm, có những lúc rất nhiều tiền, giàu có, sau lại trắng tay phải đi thuê nhà, rồi chạy xe ôm, thậm chí có thời kỳ tôi phải lưu lạc sang cả Campuchia để trốn nợ và nuôi cô con gái bị bại liệt”.
Ngôi nhà Công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919 (Ảnh: Xuân Hải)
Nhấp ngụm cà phê đắng, ông Đức trầm ngâm, dường như ký ức một thời vàng son xen lẫn những kỷ niệm buồn tràn về trào dâng trong ông. Ông chậm dãi kể về cuộc sống thăng trầm của gia đình với giọng đầy tiếc nuối. Ngay từ khi lên 7 tuổi ông đã được cha gửi vào học tại một trường danh giá của Sài Gòn lúc bấy giờ, đó là trường La Sale Taber và cuối tuần lại được cha lên tận trường đón bằng chiếc chiếc xe sang trọng để về ngôi nhà to nhất tại Bạc Liêu.
Khi ông đã lớn lại tiếp tục được cha đưa lên Sài Gòn để quản lý các ngôi nhà, hàng quán của gia đình và sống trong khu biệt thự sang trọng tại 117 đường Nguyễn Du, Quận 1 rồi tiếp tục chuyển đến ở ngôi biệt thự tại đường Nhất Linh, với cuộc sống vương giả, có nhiều người giúp việc.
“Cuộc sống hoàng kim của tôi bắt đầu thay đổi từ khi cha mất vào năm 1974. Gia đình tôi phải bán căn biệt thự trên đường Nhất Linh để chia tài sản cho các anh em, và tôi chuyển về nhà vợ để ở tại quận 3, TP Hồ Chí Minh. Tôi lần lượt có 3 người con, 2 gái, 1 trai, trong đó có 1 cô con gái bị bại liệt”, giọng ông Đức buồn bã.
Chạy xe ôm, bán giày, bán sách nuôi gia đình
Từ đó, ông bắt đầu kinh doanh buôn bán, khi thì bán ti vi, được chút vốn lại kinh doanh nhà hàng, cả gia đình vợ chồng cùng 3 người con của ông đang đầy ắp tiếng cười, bỗng dưng tai họa ập xuống gia đình ông. Đó là việc, con gái ông yêu phải kẻ có máu cờ bạc, đem tiền của gia đình, thậm chí vay mượn để nướng vào những trò đỏ đen thâu đêm suốt sáng rồi cuối cùng vỡ nợ.
Khu di tích Công tử Bạc Liêu gồm nhà hàng khách sạn tại 15 Điện Biên Phủ, TP Bạc Liêu
Để lo trả nợ cho con, ông Đức đã phải bán hết tài sản của gia đình nhưng cũng không đủ. Cực chẳng đã, ông cùng vợ, con trốn sang Campuchia - đó là năm 2008.
“Khi ở Campuchia để nuôi vợ, con tôi phải làm nghề mua giày da cũ về làm mới để bán lại nhưng cũng không đủ sống, sau 2 năm lưu lạc tôi quyết định cùng gia đình quay về Việt Nam”, ông Đức nhớ lại.
Không có nhà cửa, về Việt Nam ông phải đi thuê nhà, rồi vay mượn tiền của bạn bè, anh em để mua chiếc xe máy làm nghề xe ôm tại ngã tư đường Pasteur – Điện Biên Phủ, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Rất may cho ông trong một lần chở khách, nghe ông kể lại chuyện của gia đình đã hướng dẫn cho ông Đức viết đơn để gửi chính quyền tỉnh Bạc Liêu.
“Sau khi tôi viết đơn gửi tỉnh, thành phố xin một ngôi nhà nhỏ để cả gia đình cùng tá túc đã được cấp cho một ngôi nhà rộng khoảng gần 100 m2 tại phường 5, TP Bạc Liêu khiến gia đình tôi mừng lắm. Cả gia đình quyết định chuyển về TP Bạc Liêu sinh sống, hiện tại cậu con trai của tôi vẫn thuê nhà và chạy xe ôm ở trên Tp Hồ Chí Minh. Hàng ngày tôi đến khu di tích này để làm hướng dẫn viên và bán cuốn sách viết về cha mình được tôi photo ra nhiều bản, mỗi cuốn chỉ 27 nghìn đồng nhưng khách du lịch thường bồi dưỡng thêm, mỗi ngày cũng thu nhập được vài trăm nghìn để lo cho gia đình, nuôi con gái bị bại liệt, thế là tôi mãn nguyện rồi”, ông Đức cười nói.