Đời người - đời xe
Ở Đà Nẵng, xích lô thồ thường tập trung tại các con đường lớn, khu nội thất, cửa hàng vật liệu xây dựng và các khu chợ như chợ Hàn, chợ Cồn… Cái nghề này rất đơn giản, chỉ cần 1 chiếc xích lô, người phu xe có sức khỏe và chịu khó thì hành nghề dễ dàng. Công việc bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến đêm khuya.
Các phu xe tập trung vào 1 địa điểm cố định, có khách thì họ tìm đến nhanh chóng hơn. Xích lô thồ tại Đà Thành thường được dùng để chở những vật dụng nhỏ, lẻ và phải vào trong các con hẻm mà các loại xe lớn không thể vào được.
Với hơn 30 hành nghề xích lô thồ, ông Dương Quang Tín ( phường Tân Chính, quận Thanh Khuê) cho biết: “Trước kia thì tôi chạy xích lô khách, vài ba năm nay người dân ở đây không chuộng nữa, với lại xe cũ kĩ không có tiền tu bổ đành phải chuyển nghề xích lô thồ luôn. Công việc này nặng nhọc thế nhưng thu nhập bấp bênh lắm, bữa có bữa không. Tôi còn phải nuôi 2 con nữa”.
Làm cái nghề này phải dãi nắng dầm mưa và chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Khách gọi đâu thì đi đó, phải tự mình bốc hàng lên xe và chở đến địa điểm theo yêu cầu của khách. Tiền công tính theo đoạn đường đi và trọng lượng của hàng hóa. Thường thì mỗi chuyến người phu xe chỉ lấy 20 đến 30 ngàn cho đoạn đường gần, còn xa thì số tiền tăng lên 1 ít. Bình quân mỗi ngày những phu xe chỉ kiếm được 100 ngàn đổ lại, vừa đủ để trang trải cuộc sống.
Phu ( xe) xích lô thồ rong ruổi tìm khách.
Dù cái tuổi đã ngoài 50, nhưng ông Lê Văn ( phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), gần 20 năm bươn chải với nghề. Đôi bàn tay chai sạn, khuôn mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn vì tuổi già. Thế nhưng, ngày ngày, ông vẫn đạp xích lô thồ hàng chục cây số để nuôi 3 đứa con ăn học.
Vì vợ mất sớm nên trách nhiệm đè nặng trên đôi vai ông. Gà trống nuôi con, ông vẫn âm thầm giữ nghề để kiếm sống. Hiện tại, con trai đầu của ông đã lập gia đình còn 2 đứa con gái đang học trường đại học Kinh tế Đà Nẵng.
“Gắn bó với cái nghề này lâu quá nên thành thói quen không bỏ được. Họ làm công chức thì đến tuổi về hưu, còn tôi thích thì làm, không muốn thì nghỉ. Tuổi cao nên chỉ chở được vài ba miếng gỗ, tấm gương thôi, còn mấy hàng nặng, đường xa thì nhường cho mấy chú thanh niên có sức khỏe chứ mình làm sao kham nổi”, ông Văn bộc bạch.
Những ngày cuối năm và dịp Tết là lúc mà các phu xe có nhiều việc để làm. Vì trong khoảng thời gian này, người dân sữa chửa và sắm sửa đồ dùng trong nhà nên cần vận chuyển. Các vật dụng, đồ đạc nhỏ thì thuê xích lô sẽ tiện hơn xe tải. Mặc khác, giá cả xích lô phải chăng hơn nhiều so với các loại phương tiện dịch vụ khác.
Muôn vàn khó khăn
Người làm nghề này chủ yếu là đàn ông, chừng 30 đến 50 tuổi, có sức khỏe dẻo dai bốc vác hàng và đạp xe hàng chục cây số. Cái nghề này kiếm được đồng tiền hết sức khó khăn. Vừa bốc vác hàng cho khách, vừa phải chở hàng đến tận nơi. Đảm bảo thời gian và chất lượng hàng hóa như ban đầu. Nếu hàng hóa bị hư hỏng thì những người phu xe phải đền bù cho khách.
Vận chuyển hàng hóa vất vả khi lưu thông trên đường.
Khách hàng thuê chở hàng hóa thường là các tiểu thương tại các khu chợ, hoặc chủ nhà cần mua tủ, gương, đồ dùng nội thất… Vì gọn gàng nên xích lô dễ dàng chở hàng vào các con hẻm trong thành phố. Đây là ưu điểm mà xích lô thồ đắt khách hơn so với các phương tiện khác. Khách hàng chủ yếu là người nghèo cần chở những vật dụng đơn giản nên giả cá rất phải chăng và bình dân.
Chở những chuyến hàng nặng, lưu thông trên đường phố đông đúc ở Đà Nẵng, khó khăn luôn rình rập các phu xe. Từ tai nạn nghề nghiệp cho đến trách nhiệm bảo quản hàng cẩn thận trên đoạn đường đi. Vì hàng hóa có trọng lượng nặng, nếu không cẩn thận có thể gây tai nạn cho mình và người đi đường bất kì lúc nào. Đặc biệt là các loại hàng dễ vỡ như tủ, gương. Trầy, xước 1 tí thì khách hàng không ưng ý và có khi về tay không.
Chiếc xích lô thồ không chủ nằm ven đường đợi khách.
Ông Nguyễn Thành Hoang (phường Hòa Khuê, Thanh Khê) cho biết : “Cái nghề này không chỉ cần sức khỏe, mà còn cần tỉ mỉ trong công việc. Đơn giản như khi chở 1 tấm gương, 1 chiếc tủ mà để trầy xước 1 tí là khách cằn nhằn ghê lắm. Họ cằn nhằn thì còn may, có những vị khách khó tính mà còn bắt mình phải mua đền lại hàng nữa. Nhưng chịu chứ biết làm sao, mình làm thuê mà, hư của họ thì đền thôi”.
Ông Nguyễn Thành Hoang (phường Hòa Khuê, Thanh Khê) chờ khách trên đường Điện Biên Phủ.
Vào mùa mưa thì nghề xích lô thồ dường như ế ẩm hơn, vì không có mái che nên hàng hóa dễ bị ướt. Vậy nên trời mưa khách hàng rất ngại kêu xích lô. Mặc khác, ngày nay ô tô tải ra đời với các loại dịch vụ đa dạng, phục vụ tại nhà nhanh chóng, giá cả phải chăng. Dọn nhà hoặc chở các vật liệu số lượng lớn thì họ gọi ô tô tải. Nhanh chóng và hiệu quả hơn. Còn các mặt hàng kích thước và khối lượng nhỏ, phải di chuyển sâu vào trong hẻm thì họ mới gọi xích lô.
Tại đường Điện Biên Phủ những lúc không có khách, các phu xe tập trung tập tại 1 chỗ để tâm sự. Họ kể cho nhau nghe về chuyện gia đình, chuyện nghề và cả những câu chuyện xảy ra xung quanh họ. Tranh thủ thời gian, nhiều người còn đem cơm để ăn chung và nghỉ ngơi ngay trên chiếc xích lô của mình.
Khách tới thì họ nhường nhịn nhau, không có chuyện chèo kéo, giành giật khách hàng. Tới lượt, hoặc khách kêu ai thì người đó đi. Những người phu xe chia sẻ các mối hàng để ai cũng kiếm được thu nhập, trang trải cuộc sống. Thế mới hiểu được vẻ đẹp từ lối sống bình dị của những người dân lao động. Chân chất, mặn mà và đầy yêu thương.
Cuộc sống Đà Thành vội vã, tấp nập. Trên các con đường, nẻo phố, những phu xe vẫn đầu tắt mặt tối mưu sinh. Bàn tay sần sùi vì bốc vác, những khó khăn vì cuộc sống không làm họ chùn bước.
Đã hơn 22 giờ đêm, thế nhưng trên đường phố vẫn còn những con người mồ hôi nhễ nhại, chiếc xích lô chở hàng cồng kềnh, họ đạp từng bước nặng nhọc với mong muốn kịp thời gian và hài lòng khách. Mùa xuân và Tết ấm no đang về trên từng vòng xe của họ.