Quyết định của Fed trì hoãn việc cắt giảm chương trình kích thích kinh tế (QE) đã thúc đẩy tăng trưởng của thị trường tiền tệ và thị trường tài chính tại các quốc gia có nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Trao đổi thương mại Nam-Nam giữa các quốc gia có nền kinh tế mới nổi nam bán cầu đang ngày càng tăng. Do vậy đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ chiếm phần lớn hơn trong lượng tiền giao dịch thương mại toàn cầu.
Mặc dù USD sẽ vẫn là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất trong những năm tới, các ngân hàng trung ương (bao gồm một số nước đang phát triển) đang đẩy mạnh việc mua trái phiếu của các thị trường mới nổi.
Các nước BRICS hiện đang tiến hành việc thành lập quỹ dự trữ tiền tệ trị giá 100 tỷ USD. Với 43% dân số thế giới và 4,4 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ, các nước BRICS đang lên kế hoạch hỗ trợ nhau trong trường hợp khủng hoảng tài chính xảy ra.
Các chuyên gia phân tích tại ngân hàng Société Générale cho biết: "Việc Fed phát đi tín hiệu (tiếp tục kích thích kinh tế) đã thay đổi sâu sắc quan điểm của ngân hàng Societe Generale về thị trường. Quan điểm đánh giá thấp các thị trường mới nổi đã không còn thích hợp."
Theo ông Sanusi Lamido Sanusi, thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria, 2 năm trước đây, ngân hàng đã đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ bằng cách giảm bớt việc mua USD và tăng cường mua đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Đây là một quyết định đúng đắn do đồng NDT của Trung Quốc đang tăng giá. Ông Sanusi cho biết "Các ngân hàng trung ương ở châu Phi đã bắt đầu đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ để giảm thiểu rủi ro."
Hiện nay, Nigeria có khoảng 46 tỷ USD dự trữ ngoại hối và và dự định sẽ dành ra 10% khoản tiền này để mua đồng NDT của Trung Quốc. Các ngân hàng trung ương khác như ngân hàng Trung ương Australia, Chile, Nhật Bản và Malaysia cũng đã đẩy mạnh việc mua vào đồng NDT.
Australia đang có kế hoạch đầu tư khoảng 5 % trong tổng số 30 tỷ USD dự trữ ngoại tệ vào đồng NDT. Philip Lowe, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) cho biết "Điều này cho thấy mối quan hệ kinh tế ngày càng lớn giữa Trung Quốc và Australia, và mối quan hệ tài chính giữa 2 nước ngày càng được tăng cường." "Việc mua đồng NDT giúp Australia đa dạng hóa các khoản đầu tư của mình đồng thời giúp RBA hiểu biết nhiều hơn về thị trường tài chính Trung Quốc."
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi ngày càng được giao dịch nhiều hơn trên thị trường ngoại hối với khối lượng giao dịch lên tới 5,3 nghìn tỷ USD/ngày. Theo báo cáo của BIS, đồng NDT của Trung Quốc và đồng peso của Mexico hiện nay nằm trong nhóm 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất. Khối lượng giao dịch của 2 đồng tiền này tăng lên 2 lần trong 3 năm. Khối lượng giao dịch đồng rúp của Nga cũng tăng nhanh đưa đồng rúp trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 12 trên toàn thế giới .
Theo ông Guillermo Felices, chuyên gia tiền tệ của Barclays Capital, tình hình kinh doanh tại Trung Quốc đang ổn định do vậy chính phủ Trung Quốc có thể thực hiện các chính sách phản chu kỳ (counter-cyclical policy: nới lỏng khi tăng trưởng chậm, thắt chặt khi tăng trưởng nóng). Điều này trái ngược với các dự báo bi quan về tăng trưởng kinh tế và giá tài sản của Trung Quốc. "Lo ngại về việc Fed giảm dần gói QE khiến các nhà đầu tư giảm bớt tin tưởng vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc", ông Felices nói.
Theo ông Frederic Neumann, chuyên gia kinh tế của HSBC, dường như kinh tế châu Á đã lấy lại đà tăng trưởng. Ông Neuman nói "Trên thực tế, dòng tiền đổ vào các thị trường ở châu Á sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian nữa. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ hạ cánh cứng và khủng hoảng cán cân thanh toán sẽ được giảm đi rất nhiều, hoặc thậm chí kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại". Việc Fed quyết định tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế Mỹ sẽ giúp chính phủ các nước châu Á có thêm một khoảng thời gian nữa để thực hiện cải cách cơ cấu kinh tế đưa nền kinh tế của khu vực này tăng trưởng bền vững hơn