Cơ hội cho người tiêu dùng
Theo lộ trình gia nhập AFTA, từ năm 2014 đến 2018, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ hạ dần xuống 0%. Cụ thể, trong năm 2014, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 là 10% và 2018 là 0%.
Để kéo dài thời gian, tạo điều kiện xoay trở cho các nhà sản xuất trong nước cũng là để phát triển ngành công nghiệp ô tô, mới đây, Bộ Công Thương đã "ngồi lại" với các doanh nghiệp (DN) xây dựng lộ trình giảm giá.
Theo đó, trong hai năm 2014 và 2015, mức thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN là 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 là 10% và năm 2018 là 0%.
Cùng với "lộ trình mới" này, Bộ Công Thương cũng xây dựng phương án ưu đãi các nhà sản xuất trong nước bằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế trước bạ.
Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới 10 chỗ được đề xuất giảm 50%, lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu cũng giảm 50%. Nếu phương án này đi vào hiện thực thì thuế tiêu thụ đặc biệt của ô tô dưới 10 chỗ ngoài sẽ còn 22,5-30% và thuế đăng ký trước bạ sẽ còn 5-7%.
Nếu hai phương án trên được thực hiện cùng lúc thì giá ô tô tại Việt Nam sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, và như vậy, cơ hội sở hữu ô tô giá rẻ đang đến rất gần với người tiêu dùng.
Việc giá xe giảm sẽ không có gì đáng ngại nếu như xe nhập khẩu không giảm. Khi giá xe giảm, lượng người mua xe tăng lên thì dung lượng thị trường sẽ ngày càng lớn.
Thế nhưng, khi xe lắp ráp trong nước giảm giá thì những ưu đãi thuế suất theo lộ trình gia nhập AFTA cũng giúp xe nhập khẩu giảm giá. Theo nhiều DN sản xuất ô tô, chỉ cần thuế nhập khẩu giảm 50% thì giá nhiều mẫu xe nhập khẩu sẽ bằng với xe lắp ráp trong nước.
Cụ thể, một chiếc xe có giá khai báo 10.000USD sẽ được giảm 1.650USD và xe có giá càng cao thì mức giảm càng nhiều. Và như vậy, chắc chắn, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam.
Xoay trở theo thực tế
Trước "sức ép của AFTA", các DN sản xuất ô tô trong nước đang "sốt vó” trong việc tìm phương cách đối phó. Tuy nhiên, do đã có những đề án đang được Bộ Công Thương xây dựng nên hiện tại, các hãng đều trong tình trạng nghe ngóng, chưa có những động thái cụ thể.
Ông Gaurav Gupta, Tổng giám đốc GM Việt Nam, thừa nhận, việc giảm phí trước bạ trong tháng 4 đã giúp thị trường ô tô khởi sắc hơn, doanh số bán ra của các hãng cũng tăng so với trước.
Tuy nhiên, "Chúng tôi đang chờ đợi sự đổi mới trong chính sách phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam. Nếu Chính phủ tăng ưu đãi cho sản xuất trong nước chắc chắn chúng tôi đẩy mạnh đầu tư, cho ra đời nhiều mẫu xe mới giá hợp lý hơn", ông Gaurav Gupta cho biết.
Công ty Mercedes-Benz Việt Nam mặc dù cũng đang "nghe ngóng" nhưng đã tuyên bố sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
Bằng chứng là năm rồi, Mercedes-Bend Việt Nam đã đầu tư 23 triệu USD cho hệ thống phân phối và đầu năm nay, thương hiệu xe sang đến từ Đức này cũng đã xây dựng xưởng sơn tĩnh điện trị giá gần 10 triệu USD.
Ông Michael Behrens, Tổng giám đốc Công ty Mercedes-Benz Việt Nam, khẳng định: "Chúng tôi không đầu tư để đóng cửa nhà máy trong năm 2018. Chúng tôi tin tưởng vào nhu cầu của khách hàng ở Việt Nam và có chiến lược lâu dài tại đây".
Tuyên bố là vậy nhưng ông Michael Behrens cũng "úp mở" cho biết sẽ tận dụng sức mạnh từ nhà máy ở Việt Nam với các nhà máy của thương hiệu này tại Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Trong khi đó, Công ty ô tô Trường Hải dù cam kết tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất nhưng đã đề nghị Chính phủ cho bốn công ty thành viên được giãn thuế nhập khẩu trong vòng 1 năm (từ ngày 1/7/2013 đến 30/6/2014) với số tiền khoảng 1.214 tỉ đồng.
Số tiền giãn thuế, theo lãnh đạo Trường Hải là sẽ được dồn vào cho dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ ô tô Chu Lai - Trường Hải.
Các DN khác, tuy không công bố nhưng hầu hết đều đẩy mạnh sản xuất cho những dòng sản phẩm có dung lượng thị trường lớn và những dòng xe không có lợi thế sẽ được thay thế bằng xe nhập khẩu.
Theo các chuyên gia ngành ô tô, nếu các chính sách về thị trường không nhanh chóng được triển khai thì việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ khó thành hiện thực.
Và mặc dù mới đây, Nhật Bản đã đồng ý hợp tác phát triển công nghiệp ô tô với Việt Nam nhưng cũng đã đặt điều kiện là các chính sách phải thay đổi, phải ổn định, minh bạch và ưu đãi.
Nếu không có những chính sách kịp thời thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khó thành hiện thực |